Tâm tình “Lính áo cam không mang quân hàm”

Ngày nắng cũng như ngày mưa, kể cả khi giông tố bão lũ, chỉ cần chuông điện thoại reo báo mất điện là chúng tôi, những người “lính áo cam không mang quân hàm” lại lên đường khắc phục sự cố …

Từ những đam mê

Ba tôi ngày trước là thợ điện. Sau khi xuất ngũ, ba tôi học sơ cấp điện rồi về công tác tại Điện lực Phú Yên. Có lẽ vì thế mà ấn tượng cũng như thiện cảm dành cho nghề này trong tôi đã được hình thành từ bé. Mỗi khi ba tôi khoác lên người bộ đồng phục của ngành là tôi say mê nhìn. Lúc đó, tôi ước gì, mình lớn thật nhanh để được mặc bộ đồng phục ấy.

Từ lúc ngồi trên ghế nhà trường, bản thân tôi rất yêu lượng giác, yêu sự biến thiên của hàm sin cos, thích những nét vẽ của hàm tang, costang… mặc dù chúng rất khô khan. Chịu khó tìm tòi học hỏi và ứng dụng, tôi nhận thấy, chúng rất thiết thực trong cuộc sống, nhất là những mạch điện trở một chiều và xoay chiều.

Những người thợ điện lặng lẽ khắc phục hậu quả bão lũ trong đêm

Đam mê đơn giản từ hàm lượng giác, tôi mày mò từng con “đi ốt” bán dẫn, đơn lẻ để chỉnh lưu dòng điện theo ý thích của mình. Rồi từ đó, niềm đam mê vào nghề điện và ngành Điện lại càng mạnh mẽ hơn. Từ những hàm lượng giác, tôi đã có kiến thức ban đầu về kỹ thuật điện và ngành Điện, cùng với những ký ức về người thợ điện được ba tôi kể lại từ bé. Nhưng đó chỉ là một phần của đam mê, vào được ngành Điện rồi, tôi mới có cơ hội trau dồi thêm kiến thức mà trên sách vở ít khi đề cập đến. Tôi luôn trăn trở, vì sao phải tiếp địa khi đã cắt nguồn, vì sao ngành Điện lại mặc những bộ đồ chói lóa mà ai nhìn vào cũng nhận ra,… Và từ đó, tôi càng yêu hơn những con người mặc đồ chói lóa ấy bởi họ đã vất vả mang nguồn sáng đến cho những gia đình, những xóm làng chưa có ánh sáng của văn minh. Qua thời gian công tác, tôi càng hiểu hơn những hy sinh thầm lặng của những người “Lính áo cam không mang quân hàm”.

Áo cam thầm lặng

Bất kể dù mưa hay nắng, dù sáng sớm hay đêm khuya, chúng tôi vẫn thầm lặng bám trụ cùng những tuyến đường dây, vị trí cột; với từng chiếc cờ lê, mỏ lết, kìm, kẹp... để phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố dù là nhỏ nhất. Công việc xử lý sự cố cũng giống như chăm sóc con nhỏ, chỉ cần chậm một phút là nhiều nhà phải chờ điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất. Chúng tôi luôn đặt vị trí của mình vào người dân: “Mình không có điện là thấy khó chịu, người dân cũng vậy”. Vậy nên, làm công việc này, tinh thần lúc nào cũng phải sẵn sàng và khẩn trương, chỉ cần "gọi là chạy". Tất cả bởi một lẽ rất giản đơn là sự an toàn, thông suốt, bình yên của dòng điện và niềm vui của người dân khi có điện.

Bên cạnh đó, những người “lính áo cam không mang quân hàm” sẵn sàng leo đồi, leo núi, băng rừng, lội ruộng…  để hoàn thành nhiệm vụ. Nhớ lại những lần trực bão, anh Nguyễn Ngọc Phát - Công nhân Đội quản lý Đường dây và Trạm vẫn không khỏi bồi hồi: “Cứ những ngày mưa bão, anh em ứng trực 100% quân số, xuyên suốt 24/24 giờ. Mặc dù đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, phương tiện, lương thực, thực phẩm để chống bão, nhưng chúng tôi vẫn không yên lòng khi sự bình yên của dòng điện đang bị đe dọa bởi sự cuồng nộ của thiên nhiên. Chuyện ăn bánh mì, mì tôm trực bão là chuyện hết sức bình thường. Bão số 5 và 6 vừa qua, anh em phải trực sự cố thâu đêm suốt sáng. Nghe tiếng gió rít, mưa như trút nước, tâm trạng đứng ngồi không yên… 03 giờ sáng ngày hôm sau, trời vừa ngớt gió, chúng tôi đã có mặt trên tất cả các cung đường để kiểm tra hệ thống đường dây, cột điện. Gian nan, vất vả là vậy nhưng chúng tôi rất đỗi tự hào, vui sướng mỗi khi xử lý xong sự cố và nghe thấy tiếng reo phát ra từ mọi nhà: "Có điện rồi! Có điện rồi!".


Những người "lính áo cam không mang quân hàm" luôn không ngại khó, ngại khổ hoàn thành nhiệm vụ.

Hình ảnh người công nhân treo mình trên cột điện, trong chiếc áo vàng cam với bao hiểm nguy luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân. Đôi lúc, vì đam mê, vì yêu nghề yêu ngành, vì trách nhiệm của mình trong công việc mà chúng tôi quên mất phía sau cũng có một nơi cần chúng tôi chở che, thể hiện trách nhiệm trụ cột trong gia đình. Thật may mắn, khi người mà chúng tôi gọi là “bà xã” đã thay chúng tôi hoàn thành những công việc ấy. Chị Nguyễn Thị Nở là vợ của anh Trần Khánh Chiêu - Công nhân Đội quản lý đường dây và Trạm, đã một mình gia cố các cánh cửa trong nhà để chống bão. Còn chị Nguyễn Thị Liên Hiệp là vợ của anh Đinh Vy Quốc vừa phải lo cho hai con nhỏ, vừa phải lo cho gia đình ông bà hai bên được ổn định, vừa ở nhà chống chọi qua cơn bão số 6 vừa rồi… Vậy mà, khi chúng tôi liên lạc về gia đình, hầu như đều nghe câu nói: “Gia đình ổn cả, anh cứ yên tâm lo công việc”.

Theo truyền thống của người Việt Nam, trong mỗi bữa cơm gia đình, mọi người cùng ngồi quây quần quanh một mâm cơm cùng ăn cơm và trò chuyện. Đơn giản như vậy mà những người “Lính áo cam không mang quân hàm” như chúng tôi rất ít khi làm được vì những trận chiến “đột xuất” trên lưới điện. Bữa cơm gia đình thường vắng bóng người cha, bởi khi các anh trở về nhà thì các con đã ngon giấc và ra khỏi nhà khi bình minh chưa lên.

Thương hơn nữa, biết chúng tôi làm việc vất vả, các "bà xã" lại chờ cơm để cùng ăn chung. Bởi họ sợ, chúng tôi mệt mỏi quá mà bỏ bữa, ảnh hưởng đến chất lượng công việc ngày hôm sau. Họ chờ đợi nhưng không hối thúc, lâu lâu gọi điện thoại chỉ nói vắn tắt vì sợ ảnh hưởng đến tiến độ công việc: “Về chưa anh?”, và chúng tôi cũng thở phảo trả lời: “Có điện rồi, anh đang về!”...


  • 05/06/2020 02:26
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 761