Sợi dây vô hình

Năm nay, công ty tôi cho nghỉ Tết dài ngày để anh em quê miền Trung, miền Bắc có đủ thời gian vui Xuân với gia đình, còn những anh em khác thì được nghỉ ngơi hoặc đi du lịch đây đó, thế nhưng...

Mới mùng 4 Tết đã có người gọi tôi: “Chị ơi, ở nhà riết chán quá, em muốn đi làm”. Những ngày sau cũng vậy, anh em hết í ới gọi, lại đòi “vô Công ty chơi”. Tôi gạt đi: “Công ty quy định đi làm ngày nào thì vô ngày đó, vô để làm chớ trong đó có gì mà chơi!”.

Thật lòng mà nói bản thân tôi cũng thấy nhớ Công ty và muốn đi làm sớm để được gặp mọi người. Từ lâu, Công ty đã trở thành ngôi nhà thứ hai của chúng tôi. Hình như không có ai nghỉ việc để đi làm nơi khác ngoài những người phải theo vợ, theo chồng về quê. Phép năm của nhiều nhân viên vẫn còn nguyên vì họ không chịu nghỉ, nhiều người còn giới thiệu người thân, bạn bè vào Công ty làm việc…

Đó là những gì tôi tận mắt chứng kiến qua 8 năm làm việc tại Công ty. Giám đốc của tôi là người có suy nghĩ thông thoáng, tiến bộ. Ông luôn nhất quán quan điểm hai bên phải tôn trọng và nương dựa nhau mà sống. Khi tuyển dụng lao động, ông yêu cầu phòng nhân sự đưa cho người lao động toàn bộ các bản nội quy, quy chế của Công ty, xem xong nếu thấy chấp nhận được thì ký hợp đồng. Mà ông cũng rất lạ. Hết hạn thử việc, người được chọn sẽ ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn với điều khoản thỏa thuận “bất cứ lúc nào người lao động muốn rời khỏi Công ty thì chỉ cần nộp đơn và báo trước thời điểm nghỉ việc để Công ty sắp xếp nhân sự. Công ty không sa thải ai, ngay cả khi người lao động không hoàn thành nhiệm vụ hay có hành vi trộm cắp”.

Với quy định khá kỳ lạ ấy cứ tưởng người lao động sẽ dễ dàng ra vô nhưng thật không ngờ là chẳng có mấy ai nghỉ việc ngoài những trường hợp bất khả kháng. Bạn sẽ thắc mắc nếu nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ thì giữ lại có ích gì? Quan điểm của Giám đốc Công ty chúng tôi là nên tạo cho nhân viên thêm cơ hội vì con người ta không phải lúc nào cũng có thể làm việc với 100% khả năng của mình. Nếu nhân viên thấy Công ty có thiện chí họ sẽ biết ơn và nỗ lực làm việc; còn nếu Công ty đã tạo điều kiện, người lao động đã nỗ lực nhưng vẫn không đạt yêu cầu thì khi ấy chính nhân viên sẽ chủ động nói lời chia tay và hai bên sẽ kết thúc quan hệ trong vui vẻ.

Thực tế cho thấy suy nghĩ của Giám đốc Công ty đã đúng. Thế nên, dù mùng 9 Tết năm nay là “ngày chạy đà” cho năm mới, không bắt buộc có mặt nhưng tất cả nhân viên đã đến đông đủ để dọn dẹp vệ sinh phòng ốc, nhà xưởng. Nhìn cảnh ấy, tôi nghĩ năm nay chắc chắn sẽ tiếp tục là năm thành công của chúng tôi.


  • 15/02/2017 09:47
  • Nguồn bài: Người lao động
  • 1815