"Sau mỗi lần hiến máu, tôi lại lâng lâng niềm vui..."

"...Lần đầu, tôi giấu chồng việc mình “cho máu” và ngày qua ngày lo lắng theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân. Tôi nhận thấy sức khỏe mình vẫn bình thường, mọi sinh hoạt, hoạt động không có gì thay đổi, cảm giác lo lắng không còn, chỉ có niềm vui cứ lâng lâng trong lòng..."

Chị Minh Hoa trong lần thứ 6 tham gia chương trình “Tuần lễ hồng EVN”. Ảnh: Tuấn Nghĩa

Hơn 20 năm về trước, trong một lần đi thăm người bạn sinh con ở bệnh viện, đúng lúc ấy, có sản phụ mới sinh, không may bị băng huyết, bác sỹ thông báo người nhà chuẩn bị máu để truyền cho sản phụ, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Những người thân của sản phụ đang ở bệnh viện lúc đó đều không đủ điều kiện để lấy máu.

Nhìn cảnh người chồng òa khóc nức nở vì bất lực, nhìn đứa trẻ bụ bẫm mới sinh chưa được ủ ấm trong vòng tay người mẹ, lòng tôi chùng xuống. Trong đầu tôi nảy ra một suy nghĩ: Hay mình cho máu? Nhưng lại sợ đau, sợ cho máu rồi ảnh hưởng đến sức khỏe. Bao nhiêu cái sợ, cái lo cứ lấn cấn trong đầu. Nhưng rồi tiếng khóc của đứa trẻ đã đánh thức tình thương của tôi. Tôi quyết định đến phòng lấy máu.

Sau khi xét nghiệm, bác sỹ thông báo tôi với nhóm máu “Hiếu thảo” đủ điều kiện cho máu. Lần đầu tiên ấy tôi đã “cho” 350cc máu của mình. Nằm nghỉ, uống ly sữa nóng từ tay người nhà của gia đình sản phụ, lòng tôi trào lên niềm vui khó tả khi nghe thông báo sản phụ đã qua cơn nguy kịch.

Khi vượt qua được nỗi sợ hãi, chiến thắng bản thân, nhìn thấy giọt nước mắt hạnh phúc của người vừa được mình hiến máu mình mới cảm nhận sâu sắc ý nghĩa việc mình làm.

Và để rồi lần tiếp theo, lại cũng là một lần đi thăm người bạn, người anh - cố nhà báo VLMT, nguyên Thư ký tòa soạn Báo Quảng Trị bị ung thư máu. Nhóm chúng tôi khi vào thăm anh cũng đúng lúc anh đang cần máu khẩn cấp để tiếp, mặc dù phía cơ quan của anh đã liên lạc với Bộ đội Biên phòng để nhận máu từ các tình nguyện viên, nhưng do các tình nguyện viên chưa vào kịp, mà tình trạng sức khỏe của anh lúc đó quá yếu, máu thiếu trầm trọng. Bác sỹ bảo, nếu không được tiếp máu ngay sợ e không qua được. Đã có “kinh nghiệm cho máu” một lần nên tôi đề nghị bác sỹ lấy máu của mình để tiếp cho anh.

Người bạn đi cùng lo lắng, nói với tôi để cậu ta điện thoại ra hỏi ý kiến chồng tôi. Tôi cười và nói “không sao đâu em, chị đã cho máu một lần rồi  và chị biết chắc chắn chồng chị cũng đồng ý”.

Nằm trên ghế để bác sỹ lấy máu, tôi chỉ cầu mong dòng máu nóng của mình sẽ cứu sống được anh. Lần thứ hai tôi lại cho đi 350cc máu của mình. Niềm vui trong lòng cũng nhân đôi khi nhìn nụ cười của người được cứu.

Sau những lần “cho máu”, tôi nhận ra sức khỏe mình hình như tốt hơn, tinh thần phấn chấn hơn vì niềm vui giúp được người khác qua cơn nguy kịch, cũng chính những lần “cho máu” ấy, tôi đã nhận được sự yêu thương, cảm mến từ những người bạn, người thân của người được hiến tặng, tôi đã hiểu sâu sắc được ý nghĩa “cho đi để nhận lại”.

Phong trào hiến máu tình nguyện sau đó được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Được sống và làm việc trong tập thể có truyền thống tương thân tương ái, là thành viên của ngôi nhà chung EVN, tôi lại có nhiều cơ hội hơn nữa để tham gia hiến máu. Mỗi lần hiến máu, khi dòng máu nóng đỏ trong người bắt đầu chảy qua ống truyền, túi đựng, một cảm giác vui vui, lâng lâng dâng lên trong lòng tôi. Bởi tôi biết, một phần máu trong cơ thể của mình rồi đây sẽ góp phần giúp cho một người nào đó, một trường hợp nào đó qua cơn nguy kịch. Cho người bệnh, người thân của người bệnh một niềm hy vọng được cứu sống, được chữa khỏi bệnh. Giúp được người khác mà bản thân mình cũng nhận lại được nhiều món quà vô giá: tình thân – niềm vui – sức khỏe.

Ở tuổi 55, tôi vẫn đủ điều kiện, đủ sức khỏe để tham gia hiến máu – nhiều bạn trẻ hỏi tôi “Sao dì giỏi rứa, dì không sợ à”. Đừng sợ, hãy tham gia hiến máu – nếu bạn đủ điều kiện, đừng để “cái kim” bé tí tẹo kia làm bạn run sợ.

Tôi tin chắc khi vượt qua được chính nỗi sợ ban đầu, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui “cho đi là còn mãi mãi” như tôi.


  • 21/12/2020 03:10
  •  Minh Hoa
  • 903