Quy trình làm việc trong ngành Điện: Để đảm bảo sát thực và hiệu quả

Với một ngành nghề có hàm lượng khoa học công nghệ cao như ngành Điện, việc xây dựng những quy tắc, quy trình rõ ràng cho từng vị trí công tác là rất cần thiết. Điều quan trọng hơn là các quy trình này có được xây dựng sát thực và đem lại hiệu quả cao trong các hoạt động của mỗi đơn vị hay không? Dưới đây là ý kiến của một số CBCNV ngành Điện.

Chị Lê Hà Quỳnh Tiên, Chuyên viên Phòng Kinh doanh, Điện lực Hải Châu,  Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng

Giúp hạn chế sai sót, lãng phí

Quy trình sẽ hướng dẫn CBCNV trong cơ quan thực hiện công việc của mình một cách nề nếp, nguyên tắc, mình bạch và là nền tảng của văn hóa công sở, hạn chế sai sót, lãng phí, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, vị thế và uy tín của cơ quan.

Quy trình giúp tôi - một chuyên viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm rút ngắn thời gian làm quen công việc mới, dễ dàng hòa nhập, có thể tự xác định, đánh giá hiệu quả, năng suất làm việc của mình.

Bên cạnh đó, các bộ quy trình làm việc đều được lưu trữ file mềm, rút ngắn thời gian tra cứu và tiết kiệm chi phí in ấn. CBCNV định kỳ hàng quý, hàng năm được bồi dưỡng, huấn luyện và kiểm tra quy trình. Nhờ đó, mọi công việc được thực hiện nền nếp, hiệu quả.

Tuy nhiên, một số quy trình làm việc áp dụng chung cho tất cả các đơn vị hiện vẫn còn những điểm chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tế sản xuất, khi xử lý cần phải linh hoạt, kết quả thực hiện công việc cũng khác nhau giữa các nhân viên, đơn vị. Tuy nhiên, các quy trình này do công ty mẹ ban hành, nên khi có sửa đổi hoặc bổ sung, phải chờ lâu, gây khó khăn cho đơn vị thực hiện.

Anh Nguyễn Sơn Hà, công nhân Đội truyền tải điện Như Xuân, Truyền tải điện Thanh Hóa, Công ty Truyền tải điện 1

Đảm bảo hiệu quả của công tác an toàn, vệ sinh lao động

Nghề truyền tải điện cũng đòi hỏi tính kỷ luật cao, bởi công việc luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập, như độ cao, tiếp xúc với điện,... chỉ một chút lơ là, sơ xuất bất cẩn, chủ quan, không tuân thủ đúng quy trình, quy phạm có thể phải trả giá bằng tính mạng.

Gần hai mươi năm trong nghề, đến nay, tôi vẫn còn nhớ khi mới bước chân “vào nghề”, người thợ nào cũng phải “nghiên cứu” một tập tài liệu được gọi là Quy trình vận hành. Trong đó quy định rõ, công nhân phải có ý thức vận hành đảm bảo tuyệt đối an toàn. Tiến độ công việc phải gắn liền với công tác an toàn.

Bên cạnh đó, nếu như một cá nhân trong đội hoặc trong đơn vị gặp phải vấn đề hay khó khăn cần giải quyết, việc đầu tiên có thể làm là tra cứu quy trình vận hành. Và nhờ đó, biết được mình cần gặp ai, trao đổi thế nào, khi nào thì vấn đề đã được xử lý xong.

Ngày nay, lực lượng công nhân truyền tải được đào tạo có trình độ ngày càng cao, nắm bắt và làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại, nên vai trò của quy trình làm việc càng trở nên quan trọng và cần thiết. Cá nhân tôi rất mong muốn quy trình làm việc sẽ được xây dựng với cơ chế đặc thù, sát với thực tế làm việc của khối truyền tải điện hơn nữa.

Anh Võ Văn Việt, Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa Cơ điện, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương

Luôn rà soát, hiệu chỉnh cho phù hợp

Đối với Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, việc xây dựng và áp dụng quy trình làm việc là nhiệm vụ bắt buộc. Mỗi bộ phận trong Công ty đều phải xây dựng quy trình làm việc của bộ phận mình. Bắt đầu từ quy trình điều hành, quy trình mô tả công việc và phân công nhiệm vụ của đơn vị đến các quy trình thực hiện công việc chuyên môn.

Công ty đã được các Tổ chức quốc tế công nhận và cấp chứng chỉ ISO 9001:2008 và ISO/IEC 17025. Theo đó, tôi cùng CBCVN trong Phân xưởng đã xây dựng và áp dụng hơn 100 quy trình bảo trì bảo dưỡng thiết bị sản xuất, duy trì tình trạng hoạt động an toàn, hiệu quả của Nhà máy với chi phí thấp nhất.

Để các quy trình nêu trên không bị khô cứng và sát với thực tế, chúng tôi luôn rà soát, cập nhật, cải tiến, hiệu chỉnh bổ sung cho phù hợp với đặc thù công việc cũng như tình trạng thiết bị và hệ thống công nghệ luôn được cải tiến, nâng cấp .


  • 18/07/2017 05:22
  • Nguồn bài và ảnh: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 5510