PC Lâm Đồng: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp để nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng

Thời gian qua, Công ty Ðiện lực Lâm Đồng (PC Lâm Đồng) đã nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên, lao động tận tâm, có tinh thần trách nhiệm cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp, tạo sự tin cậy, ấn tượng tốt cho khách hàng.

Để chuyển đổi số thành công, từng cán bộ nhân viên phải sẵn sàng  thích ứng với phương pháp làm việc mới. Ảnh: ĐVCC.

Văn hóa doanh nghiệp - nền tảng phát triển bền vững

Với phương châm không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả sản xuất kinh doanh, những năm vừa qua, các hoạt động văn hoá doanh nghiệp của Công ty Điện lực Lâm Đồng ngày càng được đẩy mạnh và thiết thực, góp phần gắn kết tập thể và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp trong mỗi cán bộ công nhân viên.

Ông Nguyễn Phước Quý Hùng – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng chia sẻ: Để thực thi có hiệu quả văn hóa doanh doanh nghiệp và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp trong mỗi cán bộ công nhân viên, hơn ai hết, những người lãnh đạo tại đơn vị chính là những “người tiên phong” gương mẫu trong việc thực thi văn hóa tại đơn vị. Qua đó, truyền cảm hứng và phong cách làm việc tới tập thể cán bộ công nhân viên. 

Hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy tại PC Lâm Đồng, các giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cán bộ công nhân viên trong đơn vị. Tập thể CBCNV luôn hòa thuận, đoàn kết và luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau; giữa các bộ phận trong đơn vị luôn thể hiện sự tôn trọng, hòa đồng và chia sẻ công việc với nhau; mọi công việc đều được phân công và thực hiện một cách bài bản, khoa học. 

Bên cạnh đó, mỗi cá nhân đều có ý thức thực thi văn hóa doanh nghiệp như trang phục, giờ giấc, văn hóa hội họp,… luôn được cán bộ, công nhân viên của công ty chấp hành, tuân thủ quy trình, chủ động báo cáo các công việc liên quan hoặc phát sinh đến nhiệm vụ của cá nhân. Tuy là những hành động nhỏ, nhưng kết nối lại sẽ tạo dựng thành những thói quen tốt, cải thiện môi trường làm việc với đội ngũ CBNV có phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.

Không chỉ thế, nhiều hình thức thực thi văn hóa doanh nghiệp của Công ty Điện lực Lâm Đồng luôn đa dạng và phong phú như: Tập huấn, đào tạo chuyên sâu, tổ chức hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các hội thi... đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về thực thi văn hóa doanh nghiệp nói chung, văn hóa EVNSPC nói riêng. Nhiều năm liền, Công ty Điện lực Lâm Đồng luôn dẫn đầu trong khối các doanh nghiệp của tỉnh về các phong trào thi đua, góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Phước Qúy Hùng, văn hóa doanh nghiệp đã tác động tích cực, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Tiếp xúc với cán bộ, nhân viên ngành Điện ở bất kỳ đâu, người dân cũng cảm nhận được sự chuyên nghiệp, lịch sự; khẳng định là người bán hàng có kỹ năng, tận tụy với khách hàng. 

Văn hoá doanh nghiệp tạo đà cho chuyển đổi số

Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, người dân và doanh nghiệp, trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp sớm triển khai chuyển đổi số có sức chống chọitốt hơn. Đồng thời, việc chuyển đổi số giúp doanh nghiệp sẵn sàng thích nghi “sống chung với dịch”, tận dụng cơ hội để bứt phá. 

Ông Phan Sỹ Duy, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết: Một trong những thay đổi cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0 là việc chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cách làm việc. Khi ứng dụng những thành tựu KHCN vào làm việc, nếu có được văn hoá doanh nghiệp tốt, thì tác phong, lề lối làm việc 4.0 cũng được CBCNV nhận thức nhanh hơn. Do đó, muốn chuyển đổi số thành công trước hết phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp phù hợp, bởi vì văn hóa tác động trực tiếp tới yếu tố con người trong doanh nghiệp.

Cũng theo ông Phan Sỹ Duy, đối với doanh nghiệp có đặc thù riêng như PC Lâm Đồng, để thiết lập được một "nét văn hóa phục vụ cho chuyển đổi số" thành công trước tiên là vấn đề con người: Cần phải định hướng cho cán bộ công nhân viên hiểu được nguyên nhân tại sao họ phải chuyển đổi số?

Thứ hai, cần phải xây dựng văn hóa học hỏi, đây là một yếu tố rất quan trọng là cốt lõi của của bất kỳ chuyển đổi nào. Qua học hỏi chúng ta sẽ thích ứng với các phương pháp, chính sách làm việc mới thay đổi hệ thống quan điểm, hành vi hằn sâu theo văn hóa cũ. Phải bỏ được thói quen “ngại thay đổi”, “đại khái” cho xong việc hoặc “không phản hồi” coi việc thay đổi là việc của người khác… 

Thứ ba, trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp phục vụ chuyển đổi số thì vai trò của lãnh đạo và những người đứng đầu có vai trò hết sức quan trọng, họ phải là những người tiên phong đóng vai trò cốt lõi trong chuyển đổi số, tạo lực đẩy cho toàn thể người lao động. Cần mạnh dạn đổi mới, hướng nhân viên, người lao động đến với những phương pháp, cách làm việc hiệu quả và quan trọng nhất là phải làm thay đổi được nhận thức, thay đổi tư duy lối mòn trong thực tiễn lao động.

Muốn chuyển đổi số thành công phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, tức là phải thắng được suy nghĩ, cách làm cũ không còn phù hợp. Với sự đồng lòng quyết tâm của tập thể lãnh đạo, CBCNV PC Lâm Đồng, tin rằng công cuộc chuyển đổi số chắc chắn sẽ thành công, văn hóa doanh nghiệp ngày càng được củng cố, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác của công ty.


  • 29/12/2021 02:57
  • Hồ Ngọc Thiên Phương
  • 772