Ông Lê Dương Thuận – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thuỷ điện A Vương: Những thời khắc tạo nên số phận

Trong cuộc đời, có những khi con người buộc phải đứng trước thời khắc quyết định giữa được hoặc mất, hay cao hơn là sinh hay tử. Hơn 20 năm gắn bó với các công trình thuỷ điện, điều khiến ông Lê Dương Thuận – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thuỷ điện A Vương tâm đắc nhất chính là sự thanh thản có được khi nhìn lại những quyết định lựa chọn quan trọng của mình?

Ông Lê Dương Thuận

Ngồi trước tôi là người đàn ông điềm tĩnh, nho nhã, nhìn ông thật khó mường tượng đến một con người vốn nhiều năm lăn lộn tại thực địa với các công trình thuỷ điện. Dường như khí chất của người làm “thày” vẫn còn đậm trong ông, cho dù năm tháng rời xa bục giảng không phải ít ỏi. Có lẽ do tôi đã gợi chuyện đúng vào lĩnh vực ông đam mê hoặc giả ông đang ở một tâm trạng tốt để chia sẻ, vậy nên, cuộc chuyện trò đã tự nhiên như một mạch chảy...

A Vương! “Sâu đậm nhất trong tôi”

Hơn 20 năm gắn bó với thuỷ điện, từng lăn lộn với gần 20 công trình từ Thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, An Khê – KaNak, Sông Tranh 2… nhưng với ông, Thuỷ điện A Vương là công trình nhiều dấu ấn khó phai, nơi khiến ông hao tổn nhiều công sức nhất, nhưng cũng nhận lại nhiều dư âm nhất!

Khi mới nhận nhiệm vụ về chỉ huy công trình Thuỷ điện A Vương, một lãnh đạo EVN đã chân tình nói với ông Thuận: “A Vương vào sớm được ngày nào là làm lợi được từ 2 đến 3 tỷ đồng ngày đó. Cậu hãy làm khác cách làm cũ trước đây để đẩy nhanh tiến độ, mình tin cậu”. Ông Thuận đã nói: Tôi sẽ cố gắng hết mình để đáp lại lòng tin đó” và việc làm của ông đã trả lời tất cả.

Nếu nhớ lại thời điểm đó, sẽ thấy nhiệm vụ này không hề đơn giản, bởi mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu ở công trường đang trong tình trạng  “cơm không lành, canh không ngọt”, các điều kiện khách quan lẫn chủ quan để đảm bảo tiến độ công trình đều chưa tìm ra lối thoát. Chẳng thế mà, khó ai có thể ngờ A Vương hoà lưới điện cả 2 tổ máy gọn vào năm 2008, mặc dù không nằm trong kế hoạch danh mục các công trình dự kiến hoàn thành và phát điện của năm. Đó là những năm tháng “cơn khát điện” vô cùng trầm trọng, từ Tập đoàn xuống đến Thuỷ điện A Vương đều chung một quyết tâm: Bằng mọi giá phải đẩy nhanh tiến độ, chạy đua với thời gian, với mùa lũ đang về. Làm thủy điện để đảm bảo được tiến độ đã khó, những người làm Thuỷ điện A Vương còn quyết tâm vượt tiến độ thì lại càng gian nan.

Nhận nhiệm vụ, ông Thuận đã lăn xả bám công trình, nói như cách của ông là “trao hết nhiệt huyết, không kể ngày và đêm”. Nếu như từng có quan niệm, nhà thầu phải chạy theo yêu cầu của ban A thì ông Thuận xác lập lại: Ban A và cụ thể là bắt đầu từ cá nhân ông phải “sát cánh cùng trận tuyến” với các nhà thầu để tìm được tiếng nói chung, làm sao mọi vướng mắc phải được giải quyết nhanh nhất. Ông bám công trình, động viên chia sẻ cùng công nhân không kể ngày hay đêm, điều kiện thời tiết như thế nào. Ông không thể quên những ánh mắt cảm động, vui mừng của những người thợ ca đêm khi thấy ông cùng các cán bộ ban A và đại diện nhà thầu chia sẻ tới từng công nhân những cốc nước mát, từng quả táo, trái cam với những lời động viên thân tình. Có lẽ cũng ít chỉ huy công trình nào chân tình và tinh ý như ông khi đề xuất công ty mua cho anh em thi công trên công trường những buồng vệ sinh di động đặt ngay ở những khu vực thi công gian máy...

Mùa lũ năm 2006 – 2007 cũng là một trong những dấu ấn khó quên của A Vương đối với ông. Toàn công trình đang chạy đua với đường găng tiến độ và sự khắc nghiệt của thời tiết. Trong hơn 40 ngày đêm thi công ròng rã, với quyết tâm vượt lũ an toàn, ông đã bám sát liên tục và tổ chức họp giao ca tại hố móng 3 lần/1 ngày (17h, 0h, 6h). Công trường sáng đèn cả đêm và dường như mỗi người cũng thắp sáng quyết tâm – Tiến độ và Tiến độ!

Mỗi một công trình thuỷ điện thường có những dấu mốc quan trọng trong quá trình thi công. Với A Vương, việc thi công đập dâng đập tràn, thi công cửa nhận nước và thi công nhà máy “trái tim của công trình”…  đều là những dấu mốc với nhiều kỷ niệm mà ông Thuận không thể nào quên. Nếu làm đúng qui trình kỹ thuật thì công trình không cách gì đảm bảo được tiến độ. Nếu đổi mới cách làm mà không cân nhắc kỹ thì rủi ro thường trực, chất lượng công trình liệu có thể đảm bảo? Lựa chọn giải pháp nào đây khi nhà thầu lẫn tư vấn thiết kế, giám sát thi công đều lo ngại? Khi ấy, vai trò tổng chỉ huy công trình buộc ông Thuận phải đưa ra quyết định cuối cùng. Mỗi một khi đứng ra quyết định làm theo giải pháp thi công mới, thậm chí chưa từng có trong lịch sử thi công thuỷ điện ở Việt Nam, ông hiểu rằng, cánh cửa nhà tù có thể ở ngay trước mặt, vinh hay nhục chỉ cách nhau một cái chớp mắt.

Đỉnh điểm kịch tính chính là quyết định thi công lắp dầm cầu trục để tiến đến lắp máy ở khu “trái tim nhà máy” này. Không ăn, không ngủ, hao gầy đi trông thấy, bám công trình, theo dõi chi tiết tuổi bê tông trong từng khối đổ, nhanh nhạy đánh giá tổng quan và ông đã chọn giải pháp tiếp tục lắp dầm cầu trục trong điều kiện tĩnh (khi hệ thống các trụ, hệ thống giằng các trụ đều chưa được thi công như thiết kế được duyệt và thực tế thì phải mất thời gian từ 2 đến 3 tháng sau nữa mới đủ điều kiện để lắp dầm cầu trục).

Tự tin vào năng lực kỹ thuật, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm… có lẽ là những tố chất cơ bản để ông đi đến quyết định có thể nói là liều ở thời điểm đó nhưng lại vô cùng đúng đắn và khoa học. Ông đã trực tiếp đứng ra chỉ huy cả phần xây và phần lắp, trải qua những giây phút căng thẳng đến nghẹt thở, đến nỗi các nhà thầu thi công phần xây và phần lắp đều bó tay, đứng ngoài cuộc vì sợ trách nhiệm nếu rủi ro xảy ra. 

Ở thời điểm quyết định ấy, điều ông nghĩ đến là gì, cánh cửa nhà tù hay hào quang chiến thắng? – Tôi hỏi. Câu trả lời của ông khiến tôi thật sự ngỡ ngàng: Tôi là người đã quy cửa Phật. Khi ấy tôi giữ cho lòng mình thật tĩnh, không màng đến vinh hay lo đến nhục, chỉ nghĩ một chữ: Thành. Ông hao tổn sức lực cho A Vương, nhưng đáp lại, ông tự hào vì đã đóng góp tích cực cho một cái kết có hậu khi A Vương trở thành công trình thuỷ điện về đích phát điện trước tiến độ năm 2008, làm lợi cho nhà nước hơn 100 tỷ đồng...

Với những người làm nghề, A Vương trở thành một “minh chứng” cho ý chí thành công được hun đúc từ: Bản lĩnh, niềm tin, sự táo bạo và tinh thần tận tụy . Với cá nhân ông Thuận, câu chuyện về “gia đình” A Vương vẫn còn được hồi tưởng, vẫn như điều nhắc nhở chính bản thân ông mỗi khi cần có một quyết định hệ trọng. Ông hạnh phúc khi đến giờ vẫn giữ được mối quan hệ “cùng chiến tuyến” với những nhà thầu, với những người bạn gần xa đã từng sát cánh khi xưa ở từng dự á

Thành tích tiêu biểu của ông Lê Dương Thuận:

- Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2009

- Huân chương Lao động hạng Ba năm 2003

- Hai Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của UBND các tỉnh Phú Yên, Quảng Nam.

- Bằng khen Bộ Công Thương, Bằng khen và danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cơ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam…

Tôi sẽ vẫn... lên đường

Gắn bó với A Vương ! Với tư cách là người trực tiếp chỉ huy toàn bộ phần xây dựng, ông và các đồng nghiệp lại cùng bắt tay vào quản lý, vận hành nhà máy. Ông tâm sự: “Mình phải khiêm tốn, lắng nghe, tự học hỏi, cầu thị … đó là cốt cách đã tạo nên chính bản thân tôi hôm nay”.

Khi xưa đặt sự an toàn, tiến độ của công trình Thuỷ điện A Vương trước những quyết định táo bạo mà cá nhân ông phải chịu trách nhiệm trước hết, ông dám làm vì những ngày tháng lăn lộn, bám công trình đã cho ông kinh nghiệm và cả sự thấu hiểu từng chi tiết công việc, từng biến động địa chất, sự học hỏi không ngừng từ thực tế và đồng nghiệp, từ kho tàng khoa học,… Điều đó khiến cho một kỹ sư địa chất công trình như ông có thể hiểu rõ như lòng bàn tay tất cả các công việc của các hạng mục công trình trong một nhà máy thuỷ điện... Sự thành công này không đơn giản mà có. Ông luôn lấy hiệu quả công trình, hiệu quả đầu tư là mục tiêu phương thức để hành động. Với ông, đó là một sự linh hoạt dựa trên nguyên tắc bất biến “làm đến cùng, tâm sáng, thanh thản, tự trọng”.

Hơn 20 năm gắn bó với thuỷ điện là từng ấy thời gian ông phải xa gia đình riêng để bám trụ các công trường. Ông chia ngọt, sẻ bùi với anh em trên công trường hay nhà máy và đau đáu vì không thể ở bên những người ruột thịt khi họ cần đến ông. Lúc này, ông muốn trở về nhà, sống trong ngôi nhà của mình. Nhưng đó vẫn chỉ là mong muốn khi A Vương vẫn đang níu giữ chân ông. Công trình Thuỷ điện Sông Bung 4A đang được hình thành cũng đang cần ông... Từ tháng 4/2009, ông lại kiêm thêm nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Tư vấn A Vương và đang trực tiếp điều hành thi công trên công trường Thủy điện Sông Bung 4A (công suất lắp máy 49 MW – điện lượng trung bình 200 triệu kWh/năm) tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

Nếu lúc này, một công trình ở vùng xa, vùng sâu nào khác lại cần đến một chỉ huy có bản lĩnh, được phân công, ông có rời A Vương, và tạm gác kế hoạch xum vầy gia đình để lên đường? Câu trả lời sau thoáng giây suy tư, vẫn là – “Có!”.

Dường như nghề thuỷ điện đã như cái duyên, cái nghiệp ràng buộc cuộc đời ông Thuận, không thể có sự lựa chọn khác! Đó là điều tự nhiên tôi nghĩ đến khi chia tay ông.


  • 25/10/2010 09:18
  • TCĐL (tháng 10/2010)
  • 3306