Nước mắt dân công sở đi buôn: "Đói đầu gối cũng phải bò"

Trước đây, nhiều anh chị em vẫn luôn tự tin mình là dân công sở, mình có quyền ăn mặc đẹp, sành điệu, thì nay trong thời buổi kinh tế khó khăn, để tăng thêm thu nhập, rất nhiều người trong số họ đã phải tạm gác thú vui đó để biến mình thành một con buôn thực thụ. Từ đây chuyện dân công sở kiếm thêm, "chân ngoài dài hơn chân trong" như càng nóng hơn.

Chuyện nhân viên công sở quá nhàn rỗi hoặc bớt xén giờ làm, tranh thủ kiếm thêm thu nhập gợi lên nhiều điều đáng để chúng ta phải suy ngẫm…

Đói thì đầu gối cũng phải bò

Nhiều tháng nay hầu hết các buổi trưa, chiều, chị Minh Tâm, nhân viên phòng kinh doanh của một công ty buôn bán ống nhựa đều vắng mặt tại cơ quan. Hỏi ra mới biết, chị đang tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng cách đi lấy nguồn hàng mới như quần áo, bánh kẹo Thái Lan… để bán.

Chị Minh Tâm cho biết, đi làm mười mấy năm thế nhưng chưa có năm nào gia đình chị phải lo lắng về cơm áo gạo tiền như mấy năm nay. “Tình hình khó khăn quá, công ty bán hàng trì trệ, lương nhân viên thì ngày càng bị bớt xén. Đi đến chỗ nào thì cũng nghe chuyện thất nghiệp, nợ lương... Đi làm công ty không đủ chi tiêu thì phải làm thêm mà tăng thu nhập chứ cứ ngồi ngáp ngắn ngáp dài kể khổ thì cũng không giải quyết được gì”.

“Các cụ ta vẫn thường nói “đói thì đầu gối cũng phải bò”. Để chủ động đối phó với cuộc sống, chi tiêu đắt đỏ, tôi nghĩ mình không nên ngồi đó than vãn, thay vì thời gian ngồi “buôn dưa lê, bán dưa chuột” ở cơ quan, tôi chọn cách nhập hàng quần áo xuất khẩu để đi bán lại cho nhiều chị em đang có nhu cầu. Đồng thời sẵn có cô em họ đang ở bên Thái, tôi nhờ em nhập về một số mặt hàng như mỹ phẩm, dầu gội, bánh kẹo để bán”, chị Minh Tâm nói.

Chính vì vậy, sáng nào tới văn phòng, chị cũng khệ nệ mang theo túi quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo… vừa để tiếp thị với đồng nghiệp vừa rao bán trên mạng, rồi buổi trưa và chiều tối tranh thủ mang đi đưa cho khách.

Chị Tâm chia sẻ: “Đợt rét đậm vừa rồi, tôi cũng kiếm được vài ba triệu, gần bằng lương làm cả tháng”.

Nhộn nhịp buôn bán nơi công sở

Vừa làm nhân viên kế toán trong một công ty bất động sản, chị Nguyệt vừa mở 1 shop bán hoa quả và thực phẩm sạch online. Chị chia sẻ: “Công việc ở cơ quan không nặng nhọc lắm nên mình vẫn có thể tận dụng thời gian để giao hàng và tìm kiếm khách hàng.

Bố mẹ mình ở quê có trồng rau sạch rất nhiều và ăn không hết nên mình đã nghĩ ra ý tưởng cung cấp các loại rau sạch, thực phẩm sạch cho chị em trong thời buổi các thực phẩm không đảm bảo an toàn trà trộn rất nhiều.

Trước đây khi mới bán, mình chủ yếu là bán cho các chị em cùng cơ quan, mối quen biết vào buổi nghỉ trưa hoặc chiều tối về. Bây giờ cũng có chút ít vốn nên mình nhập hàng về nhiều hơn và thúc đẩy việc bán hàng qua mạng internet, qua các kênh mua sắm trực tuyến ngay tại cơ quan”.

“Vừa việc cơ quan vừa bán hàng nên mình rất bận, chẳng bao giờ được ngủ trưa, buổi sáng trước khi đi làm phải tranh thủ check mạng để xem có đơn đặt hàng không, tối về lại thức khuya để nhận đơn hàng”, chị Nguyệt nói.

Chị Nguyệt cũng bật mí việc bán hàng thêm là nghề tay trái nhưng hiện tại nó lại đang là nguồn thu nhập rất quan trọng của vợ chồng chị từ vài năm trở lại đây, trừ hết mọi chi phí, mỗi tháng chị cũng thu về tiền triệu.

Như con buôn thực thụ

Thu nhập giảm, thiếu việc làm khiến không ít các bạn làm văn phòng có suy nghĩ tìm mối hàng để kinh doanh thêm. Theo tìm hiểu của PV thì mặt hàng được nhiều chị em lựa chọn để kinh doanh thường là quần áo, mỹ phẩm, đồ trang trí và đặc sản các vùng miền. Sở dĩ như vậy bởi nhu cầu của người tiêu dùng về những mặt hàng này luôn không ngừng tăng. Thứ 2, nếu chỉ bán online thì không cần huy động nhiều vốn, có thể nhận order được. Thứ 3 là họ thỏa mãn được niềm yêu thích làm đẹp của bản thân người bán hoặc tận dụng đồ sẵn có của gia đình làm ra.

Thu nhập tháng hơn 4 triệu đồng với nghề hành chính văn phòng tại một công ty chuyên thiết kế phần mềm ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, chị Thu Thủy phải tăng thu nhập bằng việc bán hàng qua mạng.

“Mặt hàng mình bán là hàng nông phẩm Tây Bắc như mật ong rừng, măng khô, lá nếp cẩm, lá tắm người Dao…”, chị Thủy cho biết.

Chị Thủy kể: “Người ngoài nhìn vào bảo mình “ham làm giàu” nhưng thực chất số tiền lương vốn đã không đủ chi tiêu thì lấy đâu ra mà giàu. Hơn nữa, mình có khá nhiều thời gian nhàn rỗi ở cơ quan, nếu không làm thì phí lắm. Bên cạnh đó hầu như tuần nào mẹ mình cũng gửi đồ sạch từ quê xuống nên có thể kết hợp gửi một thể rồi bán cho chị em ở cơ quan, một công đôi ba việc. Thực ra bán hàng này không khó, nhưng đôi khi cũng mệt mỏi vì buổi trưa mình không được nghỉ mà phải lọ mọ tranh thủ đi giao hàng. Có những hôm khách đông, mình thậm chí phải bỏ cả làm để đi giao hàng, bị sếp nhắc nhở cũng hổ thẹn lắm”.

Quê gốc Từ Liêm, chị Ngọc Anh (phóng viên ở một tòa báo tại Hà Nội) lại là "đầu nậu" chuyên cung cấp bưởi Diễn cho toàn cơ quan. Đó là nhờ cậu ruột chị có miếng đất trồng bưởi Diễn nên nhờ chị rao bán hộ. Người này mách người kia nên chị và chồng phải thay nhau về quê chở bưởi lên Hà Nội để bán.

Chị Ngọc Anh cho biết: “Mỗi chuyến trừ phần gốc, trả tiền xe đi lại, vợ chồng tôi cũng kiếm được gần một triệu đồng. Tuy hơi vất vả vì phải vừa làm việc vừa bán hàng, thứ 7, chủ nhật không được nghỉ nhưng bù lại có thêm được đồng ra đồng cũng thấy hài lòng”.


  • 13/03/2015 03:31
  • Nguồn bài và ảnh: vietnamnet
  • 1609


Gửi nhận xét