Nói xấu sau lưng - biểu hiện văn hóa yếu

Hành vi nói xấu sau lưng luôn bị xã hội phê phán vì dễ tạo ra sự mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp (DN).

Ảnh minh họa.

Nhận diện về nói xấu sau lưng

Hành vi nói xấu hay nói xấu sau lưng (đối với người khác) thường gây ra sự hiểu lầm, đánh giá sai và thiếu tin tưởng về đồng nghiệp, tạo ra sự chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ và làm suy yếu đội ngũ hay toàn bộ nguồn nhân lực của DN. Từ góc độ xây dựng, quản trị VHDN, đó là một biểu hiện của trình độ văn hóa yếu kém mà chúng ta cần tìm ra nguyên nhân của “căn bệnh” này, từ đó tìm “thuốc” chữa trị triệt để.

“Bắt bệnh”

“Căn bệnh” này đã được nhiều nhà nghiên cứu tâm lý và văn hóa Việt Nam chỉ ra có nguồn gốc, nguyên nhân đầu tiên và sâu xa là từ văn hóa truyền thống khó xóa bỏ. Lối sống nông nghiệp định cư, biệt lập sau lũy tre làng có mặt trái là dung dưỡng cho tâm lý nông dân/tiểu nông, thích a dua, hòa tan với cộng đồng, có tính đố kỵ, cào bằng, ghét cá nhân và sự vượt trội, khác biệt; thích “đâm bị thóc, thọc bị gạo”…

Vào thời kỳ bao cấp, tính cách này càng được cộng hưởng, phát tác, làm cản trở, thậm chí triệt tiêu người có tư tưởng tiến bộ, đổi mới, sáng tạo. Bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta vẫn phải đấu tranh chống lại nhiều tàn dư lạc hậu của cơ chế quan liêu, bao cấp, tạo dựng một nền văn hóa tiến bộ, văn minh và hội nhập. Những người hay nói xấu sau lưng thường là những người không thích ứng được với cơ chế mới và môi trường làm việc mới. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng nói xấu sau lưng tại các DN như sau:

Thứ nhất, từ phương thức và năng lực quản trị DN. Trong một môi trường làm việc tù mù, quan hệ nội bộ đầy sự nghi kỵ, đề phòng lẫn nhau, bệnh nói xấu rất dễ phát sinh. Các tổ chức được quản trị theo phương thức hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch và đề cao sự tu dưỡng đạo đức, trách nhiệm sẽ mở cửa, tạo ra bầu không khí lành mạnh, có tác dụng đẩy lùi, tiến tới từng bước loại bỏ hiện tượng xấu sau lưng và nhiều thói hư, tật xấu khác. 

Hai là, từ chính người đứng đầu và bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức được tác hại và chưa làm hết trách nhiệm. Nếu họ thực sự nêu gương về đạo đức, lối sống, không để những kẻ xấu giỏi xu nịnh núp sau lưng, sống trong “sân sau” của họ; nếu lãnh đạo nhất quán trong nói và làm, cương quyết đấu tranh với các tiêu cực, nguy cơ tha hóa từ bản thân mình và trong nội bộ, căn bệnh này sẽ không còn đất sống.

Như vậy, nguyên nhân của bệnh nói xấu không chỉ từ tâm lý, tính cách cá nhân mà còn do văn hóa dân tộc, văn hóa tổ chức và năng lực quản trị của lãnh đạo.

“Chữa bệnh” thế nào?

Thứ nhất, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người sáng lập, lãnh đạo doanh nghiệp, xuống đến cán bộ, nhân viên, cần nhận thức sâu sắc tác hại, nguy cơ và nguyên nhân của “bệnh” này trong tổ chức mình, từ đó quyết tâm xóa bỏ. Nếu tất cả mọi người đều cam kết thống nhất, việc tìm ra giải pháp thực thi hiệu lực và hiệu quả không khó.

Thứ hai, thực hiện nhất quán nguyên tắc giải quyết vấn đề là kết hợp giữa “xây” và “chống”. Xây là nhiệm vụ trước tiên của lãnh đạo nhằm kiến tạo một hệ thống thể chế quản trị và VHDN tiên tiến, có bản sắc, lãnh đạo tổ chức một cách khoa học, nhân văn và hiệu quả. Chống là đấu tranh chống tiêu cực, tha hóa về đạo đức, lối sống, những thói hư, tật xấu, cản trở, làm suy yếu sự đổi mới sáng tạo và bảo vệ, tôn vinh những cá nhân xuất sắc của DN.

Để đảm bảo được hiệu quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, việc phân công, phân nhiệm, đánh giá kết quả và thưởng - phạt cần thực hiện một cách khách quan, khoa học, công khai, minh bạch. Muốn vậy, phải xây dựng được cơ chế khen thưởng, kỷ luật một cách khoa học, có các tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Căn cứ vào đó, các phòng ban chức năng theo dõi và giám sát  thực hiện.

Đối với ngành Điện, việc ban hành và thực hiện nghiêm túc, thống nhất các chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của mỗi DN là điều kiện cần thiết để xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh, nhân văn, phù hợp với đòi hỏi của tiến trình hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Thứ ba, lãnh đạo tổ chức, DN cần liêm chính, khách quan, cẩn trọng trong sử dụng quyền lực, quyết tâm chống tiêu cực và có năng lực lãnh đạo hiệu quả. Người lãnh đạo phải là tấm gương về việc không nói xấu cấp dưới hay cấp trên và không nghe lời xiểm nịnh, tâng bốc, ca tụng. Phải đối xử công bằng với tất cả mọi người, không chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, coi nhẹ các giá trị và chuẩn mực của VHDN. Cấp dưới, nhân dân và xã hội là người theo dõi, đánh giá công tâm về đức – tài của cán bộ lãnh đạo, nhất là việc họ có làm nhất quán với họ nói hay không. Khi lãnh đạo quyết tâm xóa bỏ và có trách nhiệm cá nhân đối với các thói hư, tật xấu, tiêu cực trong DN, tổ chức, những đối tượng thích nói xấu sau lưng sẽ buộc phải dè chừng, dần dần thích nghi với tổ chức và nền văn hóa mới.


  • 24/07/2018 03:08
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 7320