Ông Nguyễn Tấn Đạt (EVNNPT): Công việc là bạn, Công ty là nhà
Ở Xưởng Bảo trì – Thí nghiệm điện, Công ty Truyền tải điện 4, công nhân Nguyễn Tấn Đạt được anh em trìu mến gọi bằng tên thân mật “Đạt bảo trì”. Người công nhân này luôn lấy công việc làm bạn, lấy Công ty làm nhà.
Ông tâm sự: “Quen rồi. Công việc luôn buộc mình phải dành thời gian ưu tiên. Khi có chuyện, phải thức trắng đêm hoặc tạm gác việc gia đình để túc trực ở xưởng là chuyện bình thường. Hoặc khi các thiết bị có sự cố thì dù ở Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh hay Tiền Giang; dù là 1-2 giờ sáng, mình cũng phải lên đường ngay”.
Ông là công nhân trực tiếp sản xuất, thường xuyên đi công tác, tham gia các công trình lắp đặt thiết bị, xử lý sự cố lưới điện và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ năm 2007 – 2015, ông đã có nhiều những giải pháp kĩ thuật, sáng kiến cải tiến, được Công ty công nhận, làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng. Nhiều sáng kiến tiêu biểu như: Sửa chữa ty sứ 35kV máy biến áp 500kV tại Trạm biến áp 500kV Phú Lâm, xử lý chân giá đỡ Support bộ cánh giải nhiệt và bình dầu phụ của máy biến áp 220kV Nhà máy điện Phú Mỹ 3, chế tạo bộ thử Rơ le đa chức năng.
Người công nhân từng đạt Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần II năm 2013 cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề cũng là nhờ sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của tập thể Xưởng Bảo trì Thí nghiệm điện. Mọi người ở đây luôn được Lãnh đạo và Công đoàn Công ty quan tâm, chăm lo tốt đời sống, động viên tinh thần, tạo điều kiện cho mọi người yên tâm công tác và phát huy tinh thần lao động sáng tạo. Điều đó càng làm cho anh yêu nghề hơn”.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông luôn tâm niệm, làm việc trên công trường thường chịu nhiều áp lực về tiến độ. Việc lắp đặt các thiết bị thường hay gặp trục trặc, có những lỗi của nhà sản xuất, chế tạo, để đảm bảo chất lượng công trình và tiến độ, đòi hỏi người công nhân phải có những kinh nghiệm xử lý, giảm sức người, cải tiến công đoạn nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, đảm bảo kỹ thuật và tiến độ lắp đặt.
Ông Lê Kim Hùng (EVNHANOI): Hết lòng vì thợ trẻ
Trên cương vị Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện trước đây và hiện nay là Phó trưởng phòng Điều độ vận hành lưới điện Công ty Điện lực Ba Đình thuộc Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội, "miệng nói tay làm" là tính cách của thợ điện Lê Kim Hùng.
Qua câu chuyện với ông, tôi mới hiểu những gì mà người thợ bậc 7/7 này đạt được ngày hôm nay là quá trình phấn đấu và làm việc không ngừng nghỉ suốt 30 năm qua. Năm 1978, ông bắt đầu vào làm công nhân Sở Điện lực Hà Nội, thì 10 năm sau (năm 1988) ông đã đạt thợ bậc 7/7 và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Ba Đình là quận có nhiều phụ tải quan trọng, việc cấp điện an toàn và liên tục phải được đặt lên hàng đầu. Phòng Điều độ vận hành của ông, ngoài việc đảm bảo nguồn điện sinh hoạt, tiêu dùng cho nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn, còn đảm nhận nhiệm vụ hết sức vinh dự và nặng nề là cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ và phục vụ các sự kiện trọng đại của đất nước.
Với đặc thù công việc, nên có bao nhiêu cuộc họp quan trọng của quốc gia, quốc tế diễn ra ở Hà Nội ông đều nắm rõ. Mỗi khi diễn ra các sự kiện, ông và các anh em đều có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, ứng trực tại chỗ, đảm bảo không để xảy ra sự cố về cung cấp điện. Các đồng nghiệp rất khâm phục trí nhớ của ông. 700 trạm biến áp trong Quận, ông Hùng thuộc như lòng bàn tay, từ vị trí cho đến sơ đồ trạm.
Yêu nghề, hết mình vì công việc và bằng những việc làm cụ thể, thợ điện Lê Kim Hùng là một trong những người luôn đi tiên phong trong các phong trào thi đua của đơn vị. Từ năm 2011 đến 2015, ông Hùng đã đóng góp 8 sáng kiến, trong đó có 4 sáng kiến cấp Tổng công ty, 4 sáng kiến cấp cơ sở, góp phần vào việc nâng cao chất lượng vận hành lưới điện. “Trong suốt những năm qua, tôi luôn quan tâm đến công tác cải tiến sáng kiến kỹ thuật, bản thân tôi và Đội vận hành luôn cố gắng đóng góp nhiều sáng kiến, góp phần tiết kiệm chi phí, hợp lý hoá sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Qua mỗi sáng kiến, tôi chỉ mong khơi dậy những tiềm năng chưa được phát huy của anh em; truyền cho họ niềm say mê, sự trân trọng và tự hào với công việc mình đang làm”. – thợ điện Lê Kim Hùng chia sẻ.
Với hơn 30 năm trong nghề, ông luôn là người gương mẫu, đức tính hiền hòa, luôn giúp đỡ, dìu dắt anh em công nhân trong đơn vị vững tay nghề, tinh thông nghiệp vụ, có kiến thức vững vàng để chủ động trong công việc, cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Còn ít năm nữa là được nghỉ chế độ, nhưng ông luôn mong muốn, đơn vị có được một đội ngũ kế cán bộ cận chất lượng cao, còn những người thợ già như ông sẽ luôn sẵn sàng dốc hết sức lực, kinh nghiệm để truyền nghề.
Ông Nguyễn Hoàng Chi (EVNHCMC): Khó mấy cũng làm!
55 tuổi đời với 35 năm tuổi nghề, thợ điện bậc 7/7 Nguyễn Hoàng Chi thuộc Công ty Điện lực Sài Gòn, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã có nhiều kinh nghiệm, cùng đồng nghiệp xử lý thành công nhiều sự cố thiết bị trong quá trình vận hành Nhà máy Điện Chợ Quán. Ngay từ khi mới vào nghề, ông Chi may mắn được các thợ điện tay nghề cao, lâu năm, làm việc có nguyên tắc, không bao giờ làm bừa, làm ẩu dìu dắt, hướng dẫn. Điều đó đã giúp ông sớm hình thành thói quen tuân thủ nghiêm quy trình sửa chữa thiết bị cơ điện trong thời kỳ bao cấp thiếu vật tư, phụ tùng thay thế.
Đến năm 2002, Nhà máy Điện Chợ Quán ngừng hoạt động, ông Chi được chuyển về làm việc tại Đội Quản lý Lưới điện Công ty Điện lực Sài Gòn - Tổng công ty Điện lực TP. HCM. “Công việc quản lý vận hành trạm và đường dây trung, hạ áp tại khu vực quận 1 và quận 3 luôn đòi hỏi sửa chữa “nhanh - gọn - chính xác”, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Anh em luôn động viên nhau phải cố gắng hết mình để giữ cho dòng điện được thông suốt, nhất là hiện nay, ngành Điện đã được cung cấp nhiều vật tư thiết bị hiện đại hơn trước đây. Khi chúng ta làm việc bằng lương tâm và trách nhiệm thì công việc có khó khăn mấy cũng sẽ vượt qua” - Ông Hoàng Chi chia sẻ.
Tinh thần ấy đã giúp ông vượt qua không ít “ca khó” trong cuộc đời làm nghề. Nhớ về cơn bão số 1 quét qua TP. HCM cách đây 3 năm, ông được lãnh đạo đơn vị điều động vào ứng cứu lúc 19h, trên đường đi, cây cối ngã đổ đầy đường, có cành cây bay ngay đầu, ông thoáng nghĩ “không lẽ cuộc đời mình ngắn ngủi vậy sao?” Ông cố gắng chạy một mạch, vượt qua nhiều chướng ngại vật, khẩn trương cùng anh em giải quyết công việc, sớm cấp lại điện, đảm bảo an toàn, tài sản và tính mạng cho nhân dân.
Khi nhận được quyết định công nhận là gương điển hình tiên tiến tại Đại hội Thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ IX, ông Chi vừa tự hào, vừa bất ngờ, vì nghĩ rằng, việc làm hằng ngày của mình cũng bình thường như bao công nhân khác.