Những sai lầm trong giao tiếp khó tránh khỏi

Steven Pinker, giáo sư tâm lý học tại Đại học Harvard đã chỉ ra lỗi sai số 1 trong việc giao tiếp khiến các mối quan hệ cũng như công việc đi sai cách mong muốn. Dù bạn là một người vô cùng thông minh và khéo léo thì cũng khó tránh khỏi.

"Trong lịch sử đã có rất nhiều trận đánh thất bại vì hiểu lầm trong giao tiếp, truyền thông. Cuộc sống không thể tránh khỏi điều đó. Ngay cả trong cuộc sống hiện đại, giữa cuộc họp trực tiếp hay qua email cũng đều tiềm ẩn những rủi ro về giao tiếp sai lạc. Và tất nhiên, không ai là miễn nhiễm với điều đó", giáo sư Steven Pinker nói.

Trong cuốn "The Sense of Style" của mình, ông chỉ ra nguyên nhân cho việc hiểu nhầm này là "lời nguyền của kiến thức". Cụ thể, chúng ta có xu hướng cho rằng người khác cũng biết điều mà mình biết, từ đó bạn có nhiều khả năng sử dụng thuật ngữ mà hầu hết mọi người không hiểu, bỏ qua các bước và giải thích, và dựa vào trừu tượng thay vì mô tả những điều cụ thể. Chính điều đó đã khiến những sự hiểu nhầm và hiểu sai xảy ra.

Vậy bạn có thể làm gì để vượt qua được “lời nguyền của kiến ​​thức” trong cách viết và nói của chính bạn? Pinker đề nghị bốn chiến lược sau đây:

Kiểm tra thông điệp cẩn thận

Dù bạn đang nói chuyện, diễn thuyết hay viết một bản ghi nhớ thì điều quan trọng nhất là phải truyền tải thông điệp đến tất cả mọi người một cách rõ ràng và dễ hiểu. Bạn sẽ thấy sốc khi một việc hiển nhiên với bạn nhưng lại không phải là hiển nhiên đối với bất cứ ai khác. Thậm chí khi làm việc trong cùng 1 lĩnh vực, chúng ta vẫn có những thiếu hụt trong kiến thức.

Chọn từ ngữ một cách cẩn thận

Từ ngữ không phải là điểm giới hạn của truyền thông mà ngược lại, đó là cánh cửa để mở ra thế giới. Bạn sử dụng từ ngữ để phác họa hình ảnh tinh thần, truyền đạt ý tưởng và kể chuyện. Đó là lý do tại sao việc chọn những từ trực tiếp, rõ ràng, giúp mọi người hiểu những gì bạn đang cố gắng nói hơn rất quan trọng. Đừng tham dùng thành ngữ, tục ngữ hay những từ có tính chất tượng hình ẩn dụ nếu không muốn bị hiểu sai.

Nghỉ ngơi một lát

Một cách đơn giản khác để hiểu rõ một văn bản đang trong tình trạng rối rắm là đặt nó sang 1 bên và quay lại sau một thời gian cho đầu óc nghỉ ngơi. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi đọc lại một văn bản sau một vài giờ hoặc một vài ngày đấy, chúng thực ra không đau đầu như bạn từng thấy đâu.

Chỉnh sửa một cách tỉ mỉ

Nếu bạn đang phải làm việc với một văn bản, Giáo sư Steve Pinker đề nghị hãy chỉnh sửa thật tỉ mỉ từng câu chữ trước khi quyết định công bố. “Thử chỉnh sửa câu từ vài lần, viết lại với mục đích duy nhất là làm cho lời văn rõ ràng hơn. Đối với mỗi câu văn hãy đặt câu hỏi: Điều đó có thực sự truyền tải được hết ý nghĩa đến người đọc? Có cách nào làm cho nó ngắn hơn, sống động và cụ thể hơn không?”

Rõ ràng, việc truyền tải thông điệp một cách rõ ràng có khả năng giúp bạn hạnh phúc hơn và thành công hơn trong cuộc sống cũng như công việc. Những vấn đề như hiệu quả kinh doanh, giáo dục, chính phủ… càng cần coi trọng việc này.


  • 23/02/2018 03:27
  • Nguồn: nhipsongkinhte.vn
  • 2286