Những lỗi lịch sự khiến nhiều người trở nên vô duyên

Đôi khi, bạn hỏi quá kỹ chuyện riêng của họ hàng, đòi xem từng phòng trong nhà người khác...

1. Không giới thiệu những người chưa quen nhau

Khi bạn đang đứng trò chuyện với ai đó, có một người quen của bạn tới gần. Do mải trò chuyện, bạn quên luôn việc giới thiệu hai người đó với nhau khiến người mới tới trở thành nhân vật thừa, không thể tham gia giao tiếp. Bạn đừng để tình huống này xảy ra, hãy luôn giới thiệu người mới tới. Vừa thể hiện được sự lịch sự, bạn vừa giúp cuộc trò chuyện thú vị hơn.

2. Đòi xem nhà của người khác

Rất nhiều người có thói quen yêu cầu đi từng phòng khi tới chơi nhà của mọi người. Có thể bạn chỉ muốn xem cách bố trí nhà để học tập nhưng sự tò mò này thường tạo ra cảm giác bất tiện. Chủ nhà có thể không muốn các không gian riêng tư bị soi mói nhưng ngại nói lời từ chối. Các thành viên khác trong nhà có thể đang ngủ, mặc đồ không chỉn chu và sẽ thấy phiền toái khi bất ngờ có người tới phòng mình. 

3. Hỏi những câu quá riêng tư

Trước khi hỏi ai chuyện gì mang tính cá nhân, bạn hãy tự vấn: Nếu mình là anh (cô) ấy, mình có thích trả lời câu đó không? Bạn có sẵn lòng tiết lộ lương thưởng, có vui khi người khác hỏi liên tục về việc sao chưa lấy chồng, sinh con? Nếu không muốn người khác tránh mặt mình, bạn đừng khiến họ rơi vào tình huống lúng túng khi nói chuyện với bạn. 

4. Khơi gợi lại chuyện buồn của người xung quanh

Một người phụ nữ đã nguôi ngoai sau nỗi buồn bị sảy thai. Nhưng các đồng nghiệp liên tục hỏi thăm chi tiết khiến cô cảm thấy đau lòng trở lại. Nhiều người cho rằng khi người khác gặp chuyện buồn, bạn nhất định phải hỏi thăm để thể hiện sự quan tâm. Tuy nhiên, điều này không đúng và còn phản tác dụng. Hãy thể hiện sự chân tình của mình bằng hành động như giúp họ làm bớt việc, rủ đi ăn, xem phim... Khi có nhu cầu chia sẻ và cảm thấy đủ tin tưởng, họ sẽ tự nói ra. 

5. Nói lấn át mọi người

Bạn là người tự tin, hiểu biết nhiều vấn đề nhưng mọi cuộc trò chuyện cần có sự cân bằng giữa hai bên. Theo Spruce, bạn sẽ được đánh giá là người có duyên ăn nói khi biết khơi gợi người khác chia sẻ. Có nhiều người được khen là thông minh và có duyên dù họ không thông thạo mọi chuyện. Lý do đơn giản: Lắng nghe cũng là một nghệ thuật giúp người khác cảm thấy họ được tôn trọng. 

6. Bật loa ngoài khi nói chuyện điện thoại

Trừ khi ở phòng riêng, bạn không nên bật loa ngoài khi gọi điện. Ở chỗ đông người, cuộc trò chuyện của bạn sẽ làm phiền người khác. Ngoài ra, bạn cần hỏi người gọi điện cho bạn có muốn bật loa ngoài không. Họ có thể chia sẻ những chuyện bí mật hoặc chuyện đùa mà không hề hay biết có người thứ ba, thứ tư nghe được.

7. Không nói khi trong miệng đang có thức ăn

Có người không để ý nên hỏi đúng lúc bạn vừa đưa thức ăn vào miệng. Bạn ngại nên cố trả lời luôn nhưng điều này là không nên. Mọi người sẽ nhìn thấy bạn nhồm nhoàm thức ăn, trông rất xấu. Bạn nên nhai hết rồi trả lời. Bạn sẽ chỉ mất một phút để nhai xong, nên người hỏi có thể chờ được. Bạn có thể ra dấu khéo léo là mình đang nhai. 

8. Không thì thầm ở chỗ đông người

Nếu bạn có chuyện riêng tư và gấp cần nói, bạn hãy khéo léo rủ người quen ra chỗ kín đáo để chia sẻ. Bạn tuyệt đối không nên thì thầm ở chỗ công cộng. Điều này sẽ khiến người khác cảm thấy bạn không tin tưởng họ hoặc có điều gì khuất tất không muốn họ biết.

9. Không nói cảm ơn, xin lỗi

Với những người thân quen, bạn có thể nghĩ việc cảm ơn, xin lỗi quá xã giao. Tuy nhiên, các chuyện gia tâm lý đã tư vấn: Một mối quan hệ sẽ bền vững nếu hai bên luôn đối xử lịch sự như những người mới quen. Hãy nói lời cảm ơn ngay và tỏ thái độ trân trọng với món quà được nhận, hành động tốt người khác làm cho bạn. Còn khi mắc sai sót dù nhỏ, bạn cũng đừng quên nói lời xin lỗi chân thành và tìm cơ hội chuộc lỗi có thể. 


  • 07/07/2017 09:59
  • Nguồn bài: vnexpress
  • 3419