Những công ty tuyệt vời

Hầu hết nhân viên đều đánh giá văn hóa công ty quan trọng không kém so với lương bổng và chế độ đãi ngộ. Có thể văn hóa công ty này sẽ không thể nào áp dụng vào công ty khác được, nhưng bạn có thể tham khảo những công ty dưới đây của Mỹ và chọn lọc những điều thích hợp nhất để có thể đề xuất cho công ty bạn nhé.

1. Zappos

Tại Mỹ, Zappos là một cái tên nổi trội trên hầu hết các bảng xếp hạng các công ty tốt nhất vì văn hóa Zappos cũng tuyệt vời như những đôi giày mà công ty này kinh doanh trên mạng.

Zappos có một hình thức phỏng vấn “phù hợp với văn hóa công ty”, và việc này quyết định 50% khả năng ứng viên sẽ được nhận vào làm tại công ty. Nhân viên mới sẽ được trả 2000 đô la Mỹ khi nghỉ việc sau tuần đầu tiên làm việc tại công ty nếu họ nhận thấy rằng công việc không phù hợp với họ.

Mỗi nhân viên luôn thuộc nằm lòng 10 giá trị cốt lõi của công ty. Nhân viên được cất nhắc dựa vào các bài kiểm tra kỹ năng và thể hiện sự hoàn thiện về năng lực làm việc chứ không dựa trên các yếu tố chính trị nơi công sở. Ngân sách dành cho các hoạt động gắn kết tinh thần nhân viên và tạo lập văn hóa công ty được ưu tiên khá hậu hĩnh.

Chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc vui vẻ là tiêu chí hàng đầu của Zappos để nhân viên lúc nào cũng phục vụ khách hàng tốt nhất, và từ đó hình thành nên văn hóa công ty đặc trưng cho Zappos.

2. Warby Parker

Warby Parker là công ty chuyên về mắt kính chuyên khoa và bán trực tuyến từ năm 2010. Công ty này tự thiết kế và bán trực tiếp cho khách hàng nên giá cả lúc nào cũng thấp hơn so với các hãng bán qua đại lý phân phối.

Văn hóa công ty tại Warby Parker được hình thành từ một đội ngũ lãnh đạo luôn rất tâm huyết xây dựng văn hóa độc đáo. Công ty luôn đảm bảo việc tổ chức một sự kiện thú vị nào đó dành cho nhân viên để giúp họ làm việc hăng hái hơn. Bên cạnh đó, công ty luôn đề cao tinh thần đồng đội bằng cách đề ra những quy tắc để mọi người lúc nào cũng giữ khu vực sinh hoạt chung sạch sẽ, gọn gàng; hoặc chọn ngẫu nhiên nhiều nhân viên từ các phòng ban khác nhau và tổ chức một buổi ăn trưa cho những nhân viên này.

3. Southwest Airlines

Ngành hàng không ở Mỹ thường bị than phiền về những nhân viên cau có và dịch vụ khách hàng kém, nhưng Southwest Airlines là một ngoại lệ. Khách hàng của Southwest thường nhận xét rằng nhân viên lúc nào cũng vui vẻ, thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ khách hàng.

Southwest đã có mặt cách đây 43 năm nhưng luôn thống nhất trong cách truyền đạt thông tin đến nhân viên để họ luôn cảm thấy công ty là một gia đình. Southwest cũng khuyến khích nhân viên đưa ra sáng kiến phục vụ khách hàng tốt hơn và trao quyền cho nhân viên thực hiện sứ mệnh công ty tốt nhất.

4. Twitter

Nhân viên Twitter lúc nào cũng tự hào về văn hóa công ty. Những buổi họp trên sân thượng, đồng nghiệp thân thiện và môi trường đề cao tinh thần đồng đội đã góp phần khích lệ và truyền cảm hứng cho nhân viên làm việc.

Nhân viên Twitter cũng được ăn trưa miễn phí tại trụ sở chính ở San Francisco, lớp học yoga và nghỉ phép thỏa thích. Những điều này hầu như không lạ lẫm gì với các công ty công nghệ, nhưng điều gì làm cho Twitter nổi bật hơn?

Mỗi nhân viên đều thích việc làm việc chung với các đồng nghiệp thông minh khác, và hầu như nhân viên không rời văn phòng cho đến khi hoàn thành xong công việc.

5. Chevron

Trong khi các công ty dầu khí và khí đốt thường có nhiều thông tin tiêu cực về mặt truyền thông công chúng (PR), nhân viên của Chevron luôn dành tình cảm ưu ái cho văn hóa công ty, và thường so sánh với những công ty khác về mặt an toàn lao động, mức độ công ty hỗ trợ nhân viên và nhân viên hỗ trợ lẫn nhau.

Chevron quan tâm nhân viên bằng cách đăng ký dịch vụ tập luyện thể dục thể thao dành cho nhân viên. Công ty cũng đề ra những khóa học mát-xa và đào tạo kỹ năng cá nhân cho nhân viên. Bên cạnh đó, Chevron luôn thể hiện rằng mỗi nhân viên đều được chăm sóc và được trân trọng bằng cách yêu cầu nhân viên phải nghỉ ngơi hợp lý và thường xuyên trong suốt ngày làm việc.

6. SquareSpace

Đây là công ty start-up được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất ở New York với văn hóa không cấp bậc, cởi mở và sáng tạo.

SquareSpace có chế độ đãi ngộ tuyệt vời như gói bảo hiểm cao cấp, nhiều kỳ nghỉ linh hoạt, văn phòng trang trí đẹp, suất ăn miễn phí, nhà bếp đầy thức ăn, sự kiện hàng tháng, khu vực thư giãn và mời khách đến thuyết trình cho nhân viên. Quan trọng hơn cả là cấp lãnh đạo đều rất bình dân và nhân viên có thể trao đổi trực tiếp với họ mà không phải qua những rào cản các sếp trung gian.

7. Google

Nếu như không kể đến Google trong danh sách những công ty tốt nhất thì danh sách đó sẽ không thể nào chính xác. Đây là một trong những công ty tiên phong về việc xây dựng văn hóa công ty và được nhiều công ty startup khác xem là hình mẫu trong việc định hình văn hóa công ty.

Những bữa ăn miễn phí, chuyến đi chơi cho nhân viên, các bữa tiệc tùng, thưởng định kỳ, những bài nói chuyện của lãnh đạo cấp cao trong không gian mở, phòng tập gym, môi trường lý tưởng dành cho nhân viên có nuôi chó... là những yếu tố giúp nhân viên luôn hướng đến mục tiêu chung, ngày càng tài giỏi và thường là những nhân viên giỏi nhất trong những người giỏi.

8. Facebook

Giống như Google, Facebook là một trong những công ty công nghệ đã phát triển mạnh mẽ và đề ra văn hóa công ty độc đáo. Nhân viên được cung cấp thức ăn, cổ phiếu công ty, văn phòng thiết kế mở, dịch vụ giặt quần áo tại công ty… Lúc nào Facebook cũng chú trọng việc tập trung vào tinh thần làm việc nhóm, thông tin mở, môi trường làm việc cạnh tranh giúp nhân viên hướng đến việc phát triển bản thân và nhiều chế độ đãi ngộ tốt nhất.

Với quy mô ngày càng mở rộng trên phạm vi toàn cầu, Facebook đã thiết kế những phòng hội thảo, nhiều toà nhà riêng, nhiều khu vực ngoài trời để nhân viên giải lao giữa giờ làm việc, và những lãnh đạo như CEO Mark

Zuckerberg cùng làm việc với nhân viên trong không gian mở. Đây là một trong những nỗ lực của loại hình công ty ít cấp bậc như Facebook nhằm hướng đến thông điệp mọi nhân viên đều bình đẳng tại công ty.

9. Adobe

Adobe là một công ty thường giao cho nhân viên những công việc mang tính thử thách cao, nhưng cùng với đó là sự tin cậy và hỗ trợ hết mình để nhân viên vượt qua thử thách thành công.

Các sản phẩm của Adobe gắn liền với sự sáng tạo và việc hạn chế quản lý nhân viên chi li đã giúp công ty giữ vững tinh thần luôn đổi mới sáng tạo khi nhân viên được tự do làm ra những sản phẩm họ đam mê nhất. Adobe không dùng bất kỳ hệ thống xếp hạng nào để đánh giá năng lực nhân viên vì cho rằng việc làm này sẽ làm giảm sút sự sáng tạo và làm hại đến tinh thần đồng đội. Trưởng phòng có nhiệm vụ hướng dẫn để nhân viên tự đề ra mục tiêu làm việc và tự xác định cách thức mà công ty nên dùng để đánh giá các mục tiêu này.

Nhân viên Adobe cũng được tặng cổ phiếu của công ty để họ luôn biết rằng mình có một phần tài sản trong công ty và nỗ lực làm việc vì thành công chung. Các chương trình đào tạo thường xuyên và xây dựng văn hóa chấp nhận rủi ro cũng như không sợ thất bại là một phần không thể thiếu của văn hóa Adobe.

Những công ty này đều có chế độ lương thưởng cao nhưng điều này không định nghĩa được văn hóa công ty mà việc trao quyền và luôn làm cho nhân viên cảm thấy được trân trọng là yếu tố then chốt.

Mỗi công ty luôn phải làm cho nhân viên cảm thấy an toàn và được hoan nghênh tại công ty. Nếu chỉ tập trung vào việc điều chỉnh nhân viên cho phù hợp với môi trường làm việc thì những nhân viên có tính cách khác biệt sẽ không thể thành công được, ngay cả khi họ là những cá nhân xuất sắc nhất. Công ty cũng cần điều chỉnh để phù hợp với sự đa dạng về tính cách của nhân viên, nếu không thì vô tình công ty đang chỉ cố tạo ra một đội ngũ lúc nào cũng có suy nghĩ và hành động phải giống nhau và sẽ dần dần mất đi tính đột phá và cạnh tranh trên thị trường.


  • 02/06/2016 09:26
  • Nguồn bài: careerbuilder.vn
  • 2408