Những câu chuyện thú vị chỉ có ở A0

Công việc của điều độ viên tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) tưởng như rất “nhàm chán” khi phải tiếp xúc với hàng chục máy tính và những con số "khô như ngói". Thế nhưng, ẩn sau đó là những câu chuyện vô cùng thú vị.

Sức nóng ở căn phòng... mát lạnh

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, ngoài tên viết tắt EVNNLDC còn có phiên hiệu là A0 hay còn gọi là Điều độ Quốc gia (phân biệt với các điều độ miền: A1, A2, A3).

Đến thăm A0 vào những ngày đầu tháng 8, cảm nhận ban đầu của tôi là “căn phòng mát lạnh, trật tự và yên tĩnh”. Trước mặt tôi là màn hình máy tính lớn với nhiều máy tính nhỏ xung quanh đang được 2 điều độ viên điều khiển.

Anh Hoàng Thanh Tùng - Trưởng ca trực điều độ cho biết: “Các bạn nhìn công việc của chúng tôi có thể nghĩ nó rất nhàn nhã khi được ngồi trong phòng máy lạnh với những cú di chuột rất nhẹ nhàng, nhưng thực tế công việc không chỉ đơn giản như vậy. Trong ca trực, các điều độ viên luôn vô cùng căng thẳng và hết sức tập trung” .

“Bất kỳ một thiết bị nào trên hệ thống điện Việt Nam bật lên hay tắt đi đều ảnh hưởng đến phụ tải của hệ thống điện và chúng tôi phải có giải pháp tức thời cho sự thay đổi đó. Bây giờ vận hành thị trường điện, ngoài đảm bảo kỹ thuật, chúng tôi phải đảm bảo các nhà máy, tổ máy được vận hành công bằng nhất, hợp lý và kinh tế nhất” - anh Tùng kể. 

Anh Tùng chỉ lên trên màn hình máy tính, giới thiệu những thông số chủ yếu của hệ thống điện quốc gia, những nhà máy đang phát điện, công suất đang được huy động,... Hai chỉ số quan trọng nhất là tần số hệ thống và điện áp trên toàn hệ thống. Nhiệm vụ của các anh phải làm sao đảm bảo tần số luôn ở mức tiêu chuẩn (50 Hz) và nếu có giao động cũng không vượt quá giá trị tối đa là 0,2.

Anh Tùng cho biết thêm: “Trước đây, chúng tôi thường xuyên phải ra các lệnh điều độ bằng điện thoại, nhưng bây giờ khối lượng công việc quá nhiều, nên phải ra lệnh bằng máy tính (lệnh DIM). Có khi, trong vòng vài phút, cùng lúc chúng tôi phải gửi khoảng 10 lệnh huy động các đơn vị, các tổ máy đáp ứng kịp thời yêu cầu phụ tải”.

Đợt cháy rừng ở Hà Tĩnh ngày 28/6 vừa qua đã uy hiếp sự an toàn của đường dây 500 kV đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh. Những người trực điều độ ở A0 cũng như ngồi trên lửa. 14g25p ngày 28/6, phụ tải tăng vọt đỉnh, công suất không đủ đáp ứng, tần số vượt mức cho phép,... Một số tổ máy thuộc các nhà máy nhiệt điện: Sơn Động, Mông Dương, Cẩm Phả,… gặp sự cố. “Không quyết định nhanh, xử lý nhanh thì chỉ trong tích tắc thôi, cục diện đã thay đổi” - anh Tùng nói.

Bởi vậy, khi ngồi trên “ghế nóng”, những điều độ viên không chỉ cần chuyên môn giỏi, lòng yêu nghề, mà cần có bản lĩnh với cái đầu lạnh, xử lý kịp thời, dứt khoát những tình huống cân não. “Có lúc, trong 1 giờ công suất hệ thống điện tăng lên đến 4.000 MW. Phải cân nhắc, tăng nguồn nào, giảm nguồn nào đó là cả một vấn đề đòi hỏi sự tập trung cao độ. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, cả thành phố, thậm chí cả nước sẽ bị mất điện”- Anh Tùng chia sẻ.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia năm 1999. Ảnh tư liệu

Tùng “hên”, Chiến “vua sự cố”,...

Đó là những biệt danh chẳng phải ngẫu nhiên có được.

Đằng sau đó là cả những câu chuyện thú vị liên quan đến câu chuyện nghề của điều độ viên hệ thống điện. Giải thích thêm về xuất xứ của những biệt danh ấy, anh Tùng cười, chia sẻ: “Tôi có phần may mắn, mỗi lần đến ca trực của mình thường gặp “vận đỏ". Chẳng hạn, khi hệ thống điện đang rất căng thẳng, nhưng chuyển giao đến ca trực của tôi, bất chợt có một cơn mưa lớn đổ xuống làm cho phụ tải giảm, hệ thống được trở lại bình thường”.

Gần đây nhất, vào ca trực ngày hè nắng nóng cuối tháng 5/2019, buổi sáng trên hệ thống có một tổ máy bị sự cố, anh Tùng và đồng nghiệp đã huy động toàn bộ các nguồn trên hệ thống. Đường dây 500 kV Bắc- Nam đã đạt và có thời điểm vượt quá giới hạn truyền tải, điện áp nhiều điểm thấp, công suất không đủ đáp ứng khi phụ tải tiếp tục tăng. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng ấy, có một nhà máy điện mặt trời xin được hòa lưới điện lần đầu để phát công suất, dẫn đến quyết định không cần cắt tải, cố gắng điều chỉnh hệ thống điện vượt qua giai đoạn khó khăn và các anh đã thành công. Cũng chính bởi cái “hên” của mình, nên nhiều khi không phải ca trực, anh Tùng vẫn được đồng nghiệp mời lên để “lây vận đỏ” cho hệ thống điện bớt căng thẳng.

Không may mắn như anh Tùng, kỹ sư điều độ Nguyễn Đình Chiến được mệnh danh là “vua sự cố”. Bởi rất nhiều lần, anh và đồng nghiệp thường “dính” phải lúc hệ thống điện đang căng thẳng, có nhiều sự cố không mong muốn xảy ra. Mặc dù trước đó, hệ thống đang vận hành rất bình thường. Nhưng khi anh Chiến vào nhận ca, phụ tải bỗng... tăng vọt. Anh em vẫn cứ hay trêu anh Chiến: “Khi nào hệ thống đang căng thì mời anh sang phòng uống nước, khi hệ thống êm ả mời anh lại vào...”.

Qua những câu chuyện vui nhộn đó, anh em điều độ viên càng gắn bó, đoàn kết hơn. Đây cũng là “bí quyết” giảm bớt căng thẳng sau những giờ làm việc mệt mỏi. 


  • 02/10/2019 10:35
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1254