Nhân viên an tâm công tác, nâng cao hiệu quả công việc

An tâm công tác là một nhân tố hàng đầu trong việc xây dựng thái độ lao động của nhân viên.

Xây dựng thái độ an tâm công tác

Thiếu an tâm công tác làm giảm hiệu năng lao động, giảm sự gắn bó với doanh nghiệp, với tập thể lao động. Chiến lược sử dụng nguồn nhân lực của các công ty Nhật Bản luôn đề cao sự gắn bó lâu dài cả về lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần giữa người lao động với doanh nghiệp như: Chế độ làm việc suốt đời, thăng tiến nội bộ đã tạo cho người lao động hội nhập được mục tiêu sự nghiệp của họ vào mục tiêu chung của doanh nghiệp và tạo tiền đề để xây dựng cái gọi là “tình cảm một khối”.

Ảnh minh họa

Sự an tâm trong công tác này được tạo ra bởi các mối quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp như quan hệ của cấp trên với cấp dưới và ngược lại, quan hệ của những người đồng cấp. Các quan hệ ứng xử trong doanh nghiệp phải đảm bảo rằng mọi người không bị phân hóa bởi những nghi kỵ, những bất đồng ý kiến, gièm pha… Hơn nữa phải cho họ những quyền chính đáng để thích nghi và đóng góp vào những quyết định chung của tập thể. Và như thế những nhu cầu cấp cao trong bậc thang nhu cầu của Maslow có điều kiện được thỏa mãn, khiến người lao động có thể cống hiến lại một cách tích cực cho doanh nghiệp. Một số yếu tố khác tác động đến thái độ an tâm trong nội bộ doanh nghiệp như: Khoảng cách đi lại thuận tiện, phương tiện đưa đón của doanh nghiệp, sự phân công công việc, nhiệm vụ phù hợp, khen thưởng, đề bạt…

Một số yếu tố tác động đến thái độ yên tâm công tác

Tiền lương: Lương không chỉ thể hiện giá trị công việc, mà còn là giá trị con người. Có ba yếu tố cơ bản để xét thang lương, đó là: Chức vụ, năng lực, và mức độ hoàn thành công việc. Chế độ lương không rạch ròi, việc khen thưởng tùy tiện... thì trước sau cũng dẫn đến việc bất mãn ở nhân viên. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo rằng mặt bằng lương của doanh nghiệp không "lỗi thời" so với các doanh nghiệp khác trên thương trường, nhằm hạn chế việc nhân viên không yên tâm công tác, "nhảy việc" sang các công ty khác, hoặc đối thủ.

Mối quan hệ với đồng nghiệp: Có không ít nhân viên "gạo cội" của các công ty lớn sau một thời gian "lăn lộn" ở những công ty lớn - nơi mà đồng nghiệp ít có thời gian quan tâm đến nhau vì quá đông - nay lại thích về làm việc tại những công ty nhỏ - nơi mà mọi người có thể chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong hoặc ngoài công việc. Nếu có được bầu không khí làm việc thân thiện trong công ty thì nhân viên không chỉ yên tâm công tác mà còn rất vui vẻ, thoải mái khi làm việc ở công ty.

Sự công nhận của cấp trên: Hầu hết nhân viên đều thích được sếp khen trước tập thể về thành tích công việc của mình. Nếu làm tốt mà sếp chẳng nói gì, làm sai thì từ trên xuống dưới ai nấy đều biết, thì còn ai hứng thú để cống hiến làm việc hết mình? Nói thế không có nghĩa khen nhân viên là xong, nhà quản lý nên thể hiện sự công nhận đó bằng nhiều hình thức khác nhau tùy theo mong muốn của nhân viên: Có nhân viên thích được sếp tăng lương, nhưng có người lại thích được giao công việc thử thách hơn, hoặc giao quyền nhiều hơn,...

Cơ hội thăng tiến phát triển nghề nghiệp: Trừ những nhân viên yếu kém, hầu hết nhân viên thường có tinh thần cầu tiến, khao khát tìm kiếm cơ hội thăng tiến phát triển nghề nghiệp của mình. Nhà quản lý nên vạch ra những nấc thang kế tiếp cho họ, để họ khỏi "phấp phỏm".

4 yếu tố trên chưa phải là tất cả. Điều quan trọng là nhà quản lý phải biết nhân viên muốn gì, sau đó xem mình có thể đáp ứng họ ở những vấn đề gì và ở mức độ nào, rồi từ đó chọn lựa và đưa ra các phương án phù hợp để họ yên tâm công tác, từ đó nâng cao tinh thần làm việc.


  • 04/12/2014 10:30
  • Nguyễn Thúy
  • 2890


Gửi nhận xét