Nguyên Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc: "Hãy tận tâm phục vụ, khách hàng sẽ ghi nhận"

35 năm công tác trong ngành Điện, trong đó có 19 năm tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Nguyên Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tấn Lộc chính là một trong những người “dẫn đường” về công tác dịch vụ, kinh doanh điện năng và điện nông thôn. Có thể nói, ông đã góp phần mang đến những thay đổi rất tích cực từ phía khách hàng dành cho EVN.

Ông Nguyễn Tấn Lộc

Gần 2 thập niên gắn bó với điện nông thôn, miền núi và hải đảo

Ông Nguyễn Tấn Lộc nhận công tác tại Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) từ năm 1998, với cương vị Trưởng Ban Phát triển điện nông thôn, miền núi và hải đảo, đến năm 2001 là Trưởng ban Kinh doanh và Điện nông thôn.

Ông Lộc cho hay, nhiệm vụ cung cấp điện cho khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, hải đảo, luôn được EVN đặc biệt quan tâm. Ông nhớ lại, những năm 1997 - 1998, Việt Nam đứng trước 2 thách thức lớn, đó là: Hàng triệu hộ dân chưa có điện và chất lượng điện xuống cấp nghiêm trọng, giá điện đến các hộ dân nông thôn rất cao.

Trước các thách thức đó, EVN – một Tập đoàn kinh tế Nhà nước – đã được Đảng, Chính phủ giao đóng vai trò chủ lực, để thực hiện đầu tư điện khí hoá nông thôn Việt Nam và quản lý bán điện trực tiếp đến hộ dân.

Thực tế, đưa điện về nông thôn có suất đầu tư cao, lượng điện sử dụng thấp,  không mang lại hiệu quả tài chính cho EVN. Khi triển khai các dự án, EVN đã gặp rất nhiều khó khăn để huy động vốn. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chia sẻ của người dân được hưởng lợi trong dự án, cùng với nội lực của EVN, chương trình điện khí hoá nông thôn của Việt Nam từng được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là “hình mẫu của thế giới”.

Nếu năm 1997, cả nước mới có 50,76% hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, thì đến nay con số này là trên 99,30%.Từ xuất phát điểm chỉ quản lý bán điện trực tiếp tại 2.126 xã (chiếm tỷ lệ 24%), EVN đã thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của 10.245 xã (chiểm tỷ lệ 93,7 %) và bán điện trực tiếp tới các hộ dân nông thôn. Đặc biệt, có 11/12 huyện đảo được EVN cấp điện (trừ huyện đảo Hoàng Sa), trong đó có 6/12 huyện đảo được cấp điện từ lưới quốc gia bằng đường dây trên không và cáp ngầm xuyên biển. Các huyện đảo còn lại, xa đất liền được cấp bằng điện tại chỗ (diesel, gió, mặt trời).

Trong thành tựu về thực hiện điện khí hoá nông thôn, miền núi và hải đảo của EVN giai đoạn này, không thể không nhắc tới vai trò cá nhân của ông Nguyễn Tấn Lộc, từ cương vị Trưởng ban Phát triển Điện nông thôn, miền núi và hải đảo đến Trưởng ban Kinh doanh và Điện nông thôn, sau đó là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn phụ trách lĩnh vực. Nhưng khi trao đổi với chúng tôi, ông không hề nhắc tới cá nhân mình, mà cho rằng đó là công sức của cả hệ thống, của một “cỗ máy” khổng lồ với hàng chục vạn con người âm thầm nỗ lực trong rất nhiều năm, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước.

Cải cách dịch vụ khách hàng

Dù ở cương vị nào, ông Nguyễn Tấn Lộc cũng đều trăn trở tìm ra những hướng đi nhằm nâng cao hiệu quả công tác kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng ngành Điện. Trong đó, ông đánh giá vai trò của công nghệ thông tin là vô cùng quan trọng, với phần mềm CMIS (hệ thống thông tin quản lý khách hàng) được EVN định hướng phát triển từ năm 2002.

Mục tiêu của CMIS là quy tụ và thống nhất toàn bộ các nghiệp vụ  bán lẻ điện tại các công ty điện lực. Đó là 1 cuộc “cải tổ” lớn, với dấu ấn của ông Nguyễn Tấn Lộc, khi đó là Trưởng ban Kinh doanh và Điện nông thôn, đồng thời là Tổ trưởng Tổ CMIS. Những cuộc họp “cân não” không thể đếm hết. “Thật khó khăn để chấp nhận có những việc trước đây triển khai chưa phù hợp, buộc phải thay đổi cả quy trình, nhưng sau cùng, khó đến mấy chúng ta cũng đã đồng tâm hiệp lực vượt qua và CMIS là phần mềm đầu tiên của EVN đoạt giải Sao Khuê” – ông Nguyễn Tấn Lộc chia sẻ.

Kể từ năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy mạnh công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng với nhiều chỉ tiêu/ tiêu chí được lượng hoá, tạo bước ngoặc chuyển đổi từ đơn vị  “cung cấp điện thuần túy” sang “chăm sóc khách hàng”. Khi có chủ trương xây dựng các Trung tâm chăm sóc khách hàng ngành Điện, ông Nguyễn Tấn Lộc cùng các đoàn công tác của Tập đoàn đi tìm hiểu, học tập ở Nhật Bản, Hàn Quốc…để nghiên cứu mô hình. “Các Trung tâm chăm sóc khách hàng cần được tổ chức như một mắt xích trong dây chuyền kinh doanh chứ không thể là một đơn vị dịch vụ riêng lẻ” – ông cho hay. Sau đó, 5 Trung tâm chăm sóc khách hàng ở 5 Tổng công ty Điện lực ra đời, tiến thêm một bước lớn cả về lượng và chất trong công tác dịch vụ khách hàng của EVN.

Ông Nguyễn Tấn Lộc nghỉ hưu từ tháng 10/2017. Hiện ông vẫn thường xuyên nắm bắt các thông tin của Tập đoàn, đặc biệt trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

“Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống, với niềm tự hào và với những gì đang có, chúng ta sẽ ngày càng hoàn thiện hơn nữa, chuyên nghiệp hơn nữa trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đúng như slogan EVN - Thắp sáng niềm tin”- Ông Lộc bày tỏ sự tin tưởng.


  • 04/12/2020 10:12
  • Thảo Nguyên
  • 1965