Người thợ vận hành cẩu giỏi của Công ty Thủy điện Sơn La

Trước khi ra công trường gặp người lái cẩu đã hạ 6 rôto tổ máy phát điện thành công, tôi hình dung chắc người công nhân này tuổi cao, vào nghề đã rất nhiều năm mới đảm nhận trọng trách lớn lao như vậy được, nhưng thực tế thì tôi đã nhầm…

Vũ Văn Phương

Công nhân Vũ Văn Phương, sinh năm 1982, quê ở Hòa Bình, học nghề vận hành cẩu tại Trường Đào tạo công nhân kỹ thuật Việt - Xô. Ra trường vào làm công nhân tại Tổng công ty Sông Đà, được đi khắp các công trường xây dựng thủy điện từ Nam ra Bắc. Tại công trình Thủy điện Sơn La, ông Hoàng Trọng Nam - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, nguyên Phó Ban quản lý dự án - nhiều lần tận mắt chứng kiến Phương lái cẩu an toàn, chính xác, không để xảy ra sai sót. Ông “dụ dỗ” kéo về Nhà máy làm việc ổn định, lâu dài. Đây cũng là một cách tuyển người “độc đáo” của ông Nam.

Phương tâm sự, nhiều năm làm việc tại công trình Thủy điện Sơn La, Phương đúc rút được không ít kinh nghiệm quý báu về cách lắp đặt cầu trục và vận hành các cầu trục, như: Biết được những ưu, nhược điểm của từng cầu trục, những hỏng hóc thường gặp để kịp thời báo cáo, xử lý trước khi đưa vào cẩu những thiết bị quan trọng. Luôn theo sát lặn lội và không ngại khó khăn tìm tòi, học hỏi về các hệ thống điện, hệ thống cơ khí của 2 cầu trục 560 tấn từ các anh em kỹ sư, Phương đã được các cấp lãnh đạo Công ty Thủy điện Sơn La tin tưởng giao cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là cẩu hạ roto tổ máy số 1 trọng lượng trên 1000 tấn từ vị trí sàn lắp ráp vào vị trí lắp đặt tổ máy. Phương rất vui vì mình được giao một trong những công việc quan trọng mang tính chất quyết định đến tiến độ, nhưng cũng rất lo lắng. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Phương đã thực hiện các công việc sau:

Công trình Thủy điện Sơn La là công trình có nhiều các thiết bị sản xuất và lắp ráp trong nước và hệ thống cầu trục gian máy cũng nằm trong số đó, thiết bị còn có một số chi tiết bị hạn chế như: Hệ thống thu, nhả cáp tải của móc nâng chính quấn chưa theo lớp cáp ở trong tang quấn cáp là yếu tố rất nguy hiểm dẫn đến tình trạng kẹt cáp, không lên, xuống được. Do đó, trước khi cẩu roto, Phương đã cho người dùng đòn bẩy để cưỡng bức quấn lại cáp tải xếp theo lớp ở trong tang quấn cáp.

Bước tiếp theo, Phương kiểm tra tính an toàn hệ thống phanh của tất cả các móc nâng, xe cầu, xe con. Kiểm tra các mối ghép bulong, ghép hàn, các điểm cuối của chốt cáp… xem có vấn đề gì bất thường để kịp thời xử lý. Và đặc biệt phải làm quen với hệ thống điều khiển từ xa của 2 cầu trục 560 tấn khi kết nối lại với nhau để cẩu hạ roto. Điều quan trọng là người thợ lái cẩu phải thành thạo tất cả các chức năng có trên bộ điều khiển từ xa và xác định đúng hướng khi người vận hành cầu trục di chuyển và quan sát vật cẩu ở dưới đất mà vẫn làm đúng tín hiệu của người xi nhan cầu trục, chỉ một động tác bất cẩn của người thợ lái cẩu sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thành quả của toàn bộ CBCNV các đơn vị trên công trình, và đặc biệt là ảnh hưởng đến tiến độ phát điện của tổ máy. Đến thời điểm hiện nay, Phương đã tiến hành cẩu phục vụ lắp đặt thành công được các thiết bị siêu trường, siêu trọng của 6 tổ máy.

Qua quá trình vận hành cầu trục phục vụ lắp đặt thành công các thiết bị siêu trường, Phương đúc rút được một số kinh nghiệm sau: Muốn cẩu thành công được các thiết bị siêu trường, siêu trọng đòi hỏi người thợ vận hành cẩu phải hiểu rõ được quy trình kỹ thuật an toàn trong khi vận hành cầu trục và thực hiện đúng các bước kiểm tra theo quy trình cầu trục trước khi cẩu nâng, hạ thiết bị. Đối với thiết bị siêu trường, siêu trọng thì thường phải sử dụng 2 cẩu để nâng, hạ thiết bị, đòi hỏi người lái cẩu phải căn chỉnh độ cân bằng của đòn gánh trước khi móc vào thiết bị. Trong quá trình căn chỉnh và chống lắc hàng để tránh bị va đập vào stato hay các thiết bị khác. Với công việc lắp ráp cần độ chính xác cao như khi lắp đặt bánh xe công tác có trọng lượng 210 tấn mà khe hở cho phép tối đa là 4 mm, lắp trục tuabin với bánh xe công tác là 2,5 mm và khe hở giữa stato và roto là 30 mm. Trong khi tốc độ tối thiểu của cơ cấu di chuyển xe cầu từ 2,17 đến 15 m/phút, tốc độ di chuyển tối thiểu của xe con là 1,4 đến 14 m/phút và thời gian đóng phanh của hệ thống xe cầu và xe con này là 3 giây, với việc phanh đóng chậm cùng với quán tính của hàng lớn nên khi căn chỉnh đặt thiết bị vào vị trí lắp đặt là rất khó, đòi hỏi sự cảm nhận, tay nghề của người lái cẩu phải rất tinh tế mới thực hiện được.

Chia tay Phương, người công nhân trẻ tuổi đời, “già” tuổi nghề, nhỏ nhắn, tận tụy trách nhiệm với công việc, tôi biết sau này, trong quá trình vận hành sẽ còn trung, đại tu các tổ máy, Nhà máy sẽ còn cần đến kinh nghiệm lái cẩu của Phương.

Tôi chân thành tâm sự với ông Nam nên bố trí việc cho vợ Phương, làm lao công trong khu hành chính cũng được, để Phương an tâm công tác lâu dài. Ông Nam giãy nảy: "Sao lại thế! học Đại học Sư phạm ra không thể làm thế được, tôi sẽ xin cho vào dạy một trường cấp hai ở huyện này". Phương biết chuyện chắc sẽ vui lắm!


  • 20/12/2012 04:36
  • Theo Bản tin Công đoàn Điện lực Việt Nam
  • 3831


Gửi nhận xét