Người phụ nữ chọn nghề "chinh phục trái tim"

“Ngoại giao là lĩnh vực rất coi trọng mối quan hệ giữa người với người. Do đó, để chinh phục được đối tác, bạn cần phải nhạy bén, tinh tế, cẩn trọng, mềm dẻo, nhưng cũng quyết liệt khi cần” - Đó là trải lòng của chị Lương Lan Dung - Trưởng ban Quan hệ Quốc tế (QHQT), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về công việc mà chị đã lựa chọn và theo đuổi gần 30 năm.

Lãnh đạo EVNNPT và chị Dung (thứ hai, từ trái sang) làm việc với Tổng công ty Truyền tải điện 50Hertz - CH Liên bang Đức - Ảnh NVCC.

Khởi nghiệp với hành trang khiêm tốn

Năm 1988, Tốt nghiệp khoa Tiếng Anh, trường Đại học Tổng hợp Huế, khi các bạn khác chọn tổ chức quốc tế hoặc các công ty nước ngoài để “đầu quân”, chị Dung xin về làm cán bộ đối ngoại Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung). 

Hành trang ban đầu của chị Lương Lan Dung khá khiêm tốn với vốn liếng thu được từ trường Đại học, một ít kiến thức chung về ngành Điện cộng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, quả thật không dễ làm việc trong một ngành có hàm lượng khoa học công nghệ chuyên ngành cao như ngành Điện. Chị còn nhớ như in hình ảnh cô sinh viên trẻ lần đầu được tham dự một buổi làm việc với đối tác Đức về vấn đề cơ khí. Với khả năng tiếng Anh trôi chảy, song chị đã “choáng” khi gặp khó khăn trong việc sử dụng thuật ngữ chuyên ngành, những khái niệm mà khi nói bằng tiếng Việt cũng đã khiến nhiều người ngoài ngành phải “chào thua”.

Ngày ấy, Internet còn chưa phổ cập, việc tiếp cận nguồn thông tin rất khó khăn. Chị phải dành nhiều thời gian hơn để đọc báo, nghe đài và tranh thủ “học lỏm” những thuật ngữ chuyên ngành từ đồng nghiệp. Với sự chủ động của bản thân, cộng với sự chịu khó “tầm sư học đạo”, chị đã vượt qua giai đoạn khó khăn đầu tiên, quen dần với công việc.

Nghị lực và đam mê

Năm 1992, chị Dung lập gia đình với một kỹ sư trong ngành Điện và năm 2000, vợ chồng chị quyết định chuyển công tác về Hà Nội. Một lần nữa, chị lại gặp thử thách trong vai trò là chuyên viên Ban Quan hệ Quốc tế EVN. 6 năm sau, chị được đề bạt Phó Ban Quan hệ Quốc tế. Đây là khoảng thời gian “lửa thử vàng, gian nan thử sức” đối với chị trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và ngành Điện nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu.

Chị Dung luôn tâm niệm, muốn làm tốt công tác QHQT, phải cố gắng tiếp cận, gặp gỡ bạn bè quốc tế và đến với đối tác bằng sự chân tình, trung thực, chủ động. Đồng thời phải có những đề xuất cụ thể, hợp tình, hợp lý, cả đối tác và mình đều có lợi, từ đó thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng phát triển bền vững. Ngược lại, khi đối tác có những đề xuất trong đàm phán song phương, mình cũng phải nghiêm túc nghiên cứu theo đuổi đến cùng. Theo chị Dung, thời gian làm việc ở Tập đoàn đã giúp chị trưởng thành rất nhiều.

Đến năm 2008, chị nhận lời đề nghị về làm Trưởng ban Quan hệ quốc tế Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT). Thay đổi công việc đối với một phụ nữ đã có gia đình ổn định là một quyết định vô cùng khó khăn. Dù biết trước lựa chọn này sẽ mang tới nhiều vất vả, khó khăn, nhưng chị vẫn quyết tâm làm theo “lời mách bảo của trái tim”. Những lúc như vậy, có lẽ bản lĩnh, niềm tin và đam mê nghề nghiệp là điều quan trọng nhất. Chỉ cần có nghị lực, quyết tâm và biết sắp xếp công việc hợp lý, mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Thách thức là cánh cửa mở thành công

Tiếp nhận vị trí quản lý tại đơn vị mới thành lập, trong tay chị là lực lượng cán bộ “mỏng”, năng lực làm việc về hợp tác quốc tế còn nhiều mới mẻ, bỡ ngỡ. Thời gian đầu, để mọi thứ đi vào nề nếp, chị đã cùng đồng nghiệp bắt tay vào cải tiến phương thức quản lý, khơi dậy niềm say mê nghiên cứu, đổi mới tư duy trong mỗi cán bộ, nhân viên.

Từ đó tạo niềm tin cho mọi người trong Ban mạnh dạn đề xuất sáng kiến, cải tiến lề lối làm việc, thực hiện phương thức phối hợp ngang và làm việc theo nhóm.

“Thời điểm đó, nhiều lúc tôi cảm thấy mình bị quá tải. Mỗi lần như vậy tôi phải tự sắp xếp, cố gắng động viên mọi người làm thật tốt công việc. Không còn cách nào khác” - chị Dung tâm sự và cho biết thêm: “Một trong những chức năng chính của Ban QHQT là thu xếp vốn và quản lý các dự án vay vốn ODA nhằm đáp ứng nhu cầu vồn đầu tư lớn hàng năm của EVNNPT (ước tính khoảng 1 tỷ USD/năm). Để có được nguồn vốn vay này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa rất nhiều cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương... Chỉ có sự am hiểu về luật pháp, quy định, kiến thức xã hội là không đủ mà còn cần sự linh hoạt trong xử lý, áp dụng các biện pháp phù hợp để tháo gỡ các vướng mắc trong từng giai đoạn, trường hợp cụ thể”.

Còn nhớ, năm 2010, khi theo chân lãnh đạo Tổng công ty tham dự buổi làm việc với chuyên gia Pháp, chị đặc biệt ấn tượng với cách lãnh đạo nước ngoài tiếp xúc với đối tác bằng những ngôn ngữ bình dị, gần gũi. "Làm cán bộ QHQT mới thấy, phải tỉ mỉ, cận thận trong từng hành động, từng cái bắt tay hay món quà tặng, mới thể hiện được sự quý trọng bạn bè, không phải chỉ đứng đọc diễn văn", chị Lương Lan Dung nhấn mạnh.

Đó có lẽ cũng là kim chỉ nam trong công việc mà chị Dung cùng đội ngũ cán bộ Ban QHQT đã góp phần giúp EVNNPT đạt được những thành tích bước đầu trong hợp tác kinh tế quốc tế và khu vực. Qua những công việc chị phụ trách và hoàn thành xuất sắc, tôi có cảm nhận, thách thức chính là cánh cửa mở ra thành công nhanh nhất, chỉ vượt qua thử thách, bản thân mới có thể thay đổi và trở lên mạnh mẽ hơn. Cứ như vậy, thách thức đến trước, thành công đến sau, trong gần 30 năm làm công tác hợp tác quốc tế của chị Lương Lan Dung - người phụ nữ chọn nghề “chinh phục trái tim”.


  • 17/04/2017 05:04
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 2731