Người lính truyền tải đam mê công việc làm báo

Trước khi rẽ sang nghề báo, anh Nguyễn Quang Thắng đã có thời gian gần 6 năm làm công tác quản lý vận hành đường dây tại Đội Truyền tải điện Đà Nẵng – Công ty Truyền tải điện 2.

Anh Nguyễn Quang Thắng bên tác phẩm ảnh đoạt giải.

Năm 1998, anh được điều động về Văn phòng Đoàn thanh niên và sau đó làm công tác Thi đua - tuyên truyền của Công ty Truyền tải điện 2. Dù chưa qua đào tạo bài bản về báo chí, nhưng khi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, anh rất chịu khó tìm tòi, học hỏi. Học hỏi trong sách vở, từ những nhà báo chuyên nghiệp, những tay máy kinh nghiệm và đặc biệt nhanh nhạy nắm bắt từ yêu cầu thực tế để hoàn thành công việc được giao.

Anh đã đề xuất lãnh đạo Công ty ra Bản tin nội bộ với mong muốn phản ánh được các hoạt động của toàn đơn vị trải dài 7 tỉnh dọc duyên hải miền Trung, từ Quảng Bình đến Kon Tum - Gia Lai. Mới đầu, Bản tin hàng quý lưu hành nội bộ chỉ in đen trắng trên giấy A4 và cũng đầy đủ các mục tin bài, ảnh. Nhưng số lượng tin bài, hình ảnh còn ít ỏi, nội dung hình thức giản đơn do đội ngũ cộng tác viên còn khá khiêm tốn. Trước thực tế đó, anh đã tham mưu lãnh đạo Công ty đầu tư cho công tác truyền thông, bắt đầu từ việc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí, tuyên truyền nhằm xây dựng đội ngũ cộng tác viên từ chính những người thợ truyền tải điện có khả năng viết văn, chụp ảnh. Từ đó, các lớp tập huấn kỹ năng này được tổ chức thường xuyên hàng năm. Đến nay, đội ngũ cộng tác viên không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nếu không có sự nhiệt tình, niềm đam mê, tinh thần trách nhiệm và sáng tạo thì khó có thể làm tốt công việc như vậy.

Năm 2008, khi Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thành lập cũng là lúc Bản tin Truyền tải điện ra đời, nhằm chuyển tải thông tin, phản ánh hoạt động và chia sẻ đầy đủ, sâu rộng các giá trị văn hoá doanh nghiệp EVNNPT. Anh được giao làm thư ký Ban biên tập - thư ký đầu tiên của Bản tin Truyền tải điện. Đến nay, Bản tin Truyền tải điện được đánh giá là bản tin có nội dung phong phú, hình thức đẹp trong số các tạp chí, bản tin ngành Điện. Và cái tên Nguyễn Quang Thắng đã khá quen thuộc, được biết đến là cộng tác viên tích cực của các báo, tạp chí ngành Công Thương, tạp chí ngành Điện và nhiều tờ báo khác trong cả nước.

Đã từng là lính đường dây, nay do yêu cầu nhiệm vụ nên anh càng có điều kiện đến các đơn vị cơ sở. Bước chân anh đã đi hầu khắp các cung đường truyền tải theo chiều dài đất nước. Đến đâu, chất dí dỏm, hài hước và chân thật của người xứ Quảng ở Quang Thắng cũng để lại những thiện cảm ngay cả với những người lần đầu mới gặp. Với anh, khi có điều kiện là anh lên đường. Anh nói, anh muốn gặp tất cả những người anh em trong mái nhà chung Truyền tải điện, nhất là những nơi vùng sâu vùng xa, nơi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Đến với họ, không chỉ phản ánh những hoạt động sản xuất đơn thuần, mà còn để ghi lại những những câu chuyện đầy cảm xúc, những hình ảnh đẹp, bình dị từ trong đời sống sinh hoạt thường ngày, từ công việc vất vả, hiểm nguy, lặng thầm nhưng đầy tự hào của người lính truyền tải điện.

Anh tâm sự: Từ khi được lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 2 giao nhiệm vụ làm công tác thi đua - tuyên truyền anh mới bắt đầu cầm đến máy ảnh, viết bài. Biết bao khó khăn thưở ban đầu, nhưng khi vào việc, say mê tìm tòi để trước hết phục vụ công việc đưa tin bài, dần dà đam mê lúc nào không hay, đặc biệt là nghề “phó nháy”. Anh có lợi thế hơn những phóng viên khác khi chụp ảnh hay viết bài về lĩnh vực truyền tải điện, bởi đã từng là lính đường dây. Vì thế, anh hiểu rõ từng nội dung công việc. Và hơn nữa, anh có thể trèo lên cao để chụp được cận cảnh những khoảnh khắc thường nhật của người công nhân đường dây khi đang lơ lửng trên lưng trời hay chon von trên đỉnh cột. Những hình ảnh anh chụp về người thợ, về công việc quản lý vận hành, sửa chữa đường dây đều mang đến cho người xem rất nhiều cảm xúc. Qua đó, công chúng phần nào hiểu hơn và cảm thông hơn với những gian nan, vất vả của nghề truyền tải.

Một số bức ảnh anh chụp không chỉ ghi lại sự kiện mà còn được nâng tầm nghệ thuật và đạt giải thưởng qua nhiều cuộc thi như: Tác phẩm “Những Yết Kiêu trên đồng bằng sông Cửu Long” đã đạt giải Nhì nội dung bài viết và giải Nhì nội dung ảnh tại cuộc thi “Nét văn hóa người thợ điện” do Công đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức năm 2012; giải Nhất cuộc thi ảnh “Trên những cung đường Truyền tải điện” do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức năm 2013; giải Ba nội dung ảnh tại cuộc thi “Vẻ đẹp Năng lượng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức năm 2014; giải Nhì ảnh cuộc thi “Vinh quang người thợ truyền tải điện” do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức năm 2016 và giải Ba ảnh cuộc thi “EVNNPT-10 năm vượt khó vươn lên ” do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức năm 2018.

Những giải thưởng là sự ghi nhận những nỗ lực và là nguồn động viên tinh thần rất lớn để anh tiếp tục đam mê, sáng tạo, tìm tòi những góc máy, những khoảnh khắc, hình ảnh đẹp về đường dây, trạm biến áp, về những người lính truyền tải điện đang cần mẫn ngày đêm giữ an toàn lưới điện, truyền niềm tin sáng toả khắp mọi miền Tổ quốc. Điều dễ nhận ra ở Nguyễn Quang Thắng ngoài sự tận tụy, đam mê đó là đức tính khiêm tốn, hoà đồng và cầu tiến. Anh luôn hiểu những khó khăn của người cộng tác viên cơ sở khi viết bài, đưa tin. Đồng thời, luôn tin tưởng, sẵn sàng giúp đỡ, động viên để họ có hứng thú say mê và trở thành đội ngũ công tác viên tích cực, đông đảo xung quanh mình, từ đó, đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, quan hệ cộng đồng của EVNNPT ngày càng tốt hơn.

Với anh, tôi không muốn so sánh làm báo nghiệp dư hay chuyên nghiệp, mà đối với những người trong ngành Điện, anh em chúng tôi vẫn quen gọi anh là Quang Thắng “nhà báo”. Ít nhất anh cũng là nhà báo yêu mến của những người lính truyền tải điện chúng tôi.

Tác phẩm "Người lính truyền tải đam mê công việc làm báo" của tác giả Hiền Phương đã đạt giải Ba tại cuộc thi viết "Gương sáng tiêu biểu ngành Điện" năm 2019.

 

                                                                               


  • 25/11/2019 02:14
  • Hiền Phương
  • 1055