"Ngồi lê đôi mách" nơi công sở

Thói "ngồi lê đôi mách" từ lâu đã trở thành một nét xấu trong văn hóa công sở. Dẫu biết là thế, nhưng nhiều người không thể từ bỏ được nó một cách dễ dàng.

(Ảnh minh họa)

Lâm vừa bước vào phòng, lập tức các đồng nghiệp đang túm năm tụm bảy chuyện trò rôm rả nhanh chóng ngừng ngay câu chuyện dang dở, tản ra và cắm cúi làm việc "ra vẻ" nhân viên mẫn cán. Nhưng Lâm thừa biết họ vừa "tám" chuyện trên trời dưới đất với nhau và trong những câu chuyện được thêu dệt thêm mắm thêm muối ấy, Lâm luôn là nhân vật chính được ưa chuộng nhất. Được giám đốc điều chuyển sang giữ chức trưởng phòng bộ phận nhân sự, Lâm ngay lập tức trở thành nạn nhân của những câu chuyện "buôn dưa" của mấy bà mấy chị rỗi hơi chuyên chờ sếp ra khuất cửa là "họp kín". Ngặt một nỗi thấy các bà các chị chuyện trò rôm rả là mấy đồng nghiệp nam cũng hăm hở góp "dưa cà muối mắm". Đã không ít lần Lâm bắt tại trận đám nhân viên đang "ăn cắp" giờ công sở trắng trợn như vậy, nhưng nhắc nhở, kiểm điểm chán chê mà cuối cùng chỉ được một thời gian lại vẫn đâu vào đấy. Là sếp mới, Lâm cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.

Tuy nhiên, Lâm bực mình nhất là khi anh trở thành nạn nhân của chính những câu chuyện tầm phào ấy. Vốn là người ít nói, Lâm cho rằng "chính sách" thích hợp nhất để đối phó chính là lờ đi, coi như không nghe thấy gì cả. "Sự im lặng sẽ chứng tỏ tôi không mảy may quan tâm tới những chuyện vớ vẩn không có thực ấy", Lâm chia sẻ. Tuy nhiên, Lâm cũng cho biết "Nếu những điều tiếng ấy ngày càng tăng và tỏ ra nguy hại thì tôi sẽ dùng đến biện pháp thẳng tay".

Còn Hương, một người vốn ít nói, nhưng sau khi được các bà chị đồng nghiệp "đào tạo" cũng đã trở thành nhân vật chủ chốt không thể thiếu trong các vụ "buôn dưa". Chẳng biết từ bao giờ cô coi thói "ngồi lê đôi mách" của mình như một cái gì đó bình thường, không đáng bận tâm cho lắm. "Hồi đầu mới vào làm ở đây, trong phòng làm việc, tôi thường thấy các đồng nghiệp tụ tập nhau lại và nói đủ mọi thứ chuyện trên trời. Lúc đó, tôi cũng thấy mấy chuyện tầm phào, vớ vẩn ấy rõ chỉ tốn thời gian, nhưng dần dần, tôi không thể lờ đi việc tham gia vào những câu chuyện như vậy", Hương nói.

Hương còn cho biết: "Không hiểu sao, nhưng nó lại có sức lôi cuốn rất lớn đối với tôi. Làm nhiều mới rút ra kinh nghiệm, "buôn chuyện" trong giờ mỗi khi sếp đi vắng là thú vị nhất, có cảm giác hồi hộp, ly kỳ".

Những nhân viên của Lâm hay Hương và đồng nghiệp đều coi thói "ngồi lê đôi mách" là cái gì đó bình thường, một thú vui, thậm chí là thói quen khó bỏ, mà không nhận thức được rằng đó là một trong những rào cản cho sự thăng tiến với những tác hại xấu mà đôi khi bạn không thể đoán trước được hậu quả khôn lường của nó.

Kinh nghiệm của Lâm là không bao giờ giao nhiệm vụ quan trọng cho một người mà ngồi đâu cũng ba hoa như đám nhân viên dưới quyền anh. Theo Lâm, những kẻ như vậy rất khó giữ được chữ tín. Do vậy, phần lớn anh đều đảm đương những việc cần giữ bí mật hay giao cho những nhân vật thuộc diện thân tín mà thôi.

Còn Hương cũng thành thật chia sẻ, cô đã nhận thấy không ít mặt tiêu cực của thói quen này, nhưng vẫn không thể bỏ được. Nó chiếm một khoảng thời gian khá lớn của cô ở công ty, do đó hiệu quả công việc thấp. Từ ngày gia nhập vào hội "bà Tám", Hương cũng thường xuyên bị sếp soi xét và để ý hơn. Và cô biết trong mắt lãnh đạo, cô không còn là hình ảnh một nhân viên sống kín đáo, khéo léo và chỉ biết đến công việc như trước nữa.

Thói "ngồi lê đôi mách" từ lâu đã trở thành một nét xấu trong văn hóa công sở. Dẫu biết là thế nhưng nhiều người không thể từ bỏ được nó một cách dễ dàng. Một lời khuyên dành cho giới nhân viên văn phòng là hãy biết kiềm chế bản thân và tốt nhất là tỏ thái độ thờ ơ với những câu chuyện đó. Đó sẽ là quyết định đúng đắn giúp bạn phá bỏ rào cản vô hình trong sự nghiệp tiến thân của mình.


  • 23/08/2012 05:23
  • Theo VTV
  • 3540


Gửi nhận xét