Nét riêng thợ điện

Nghề thợ điện mang những nét rất riêng, những người thợ điện luôn tỏa sáng với tình yêu nghề, sự nỗ lực vì dòng điện quê hương.           

Vất vả, hiểm nguy

Nghề thợ điện không chỉ vất vả mà còn vô cùng nguy hiểm, bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể nguy hại tới tính mạng của bản thân và đồng nghiệp. Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Đội Hotline Xí nghiệp dịch vụ Nghệ An) chia sẻ: “Công việc hết sức nguy hiểm và căng thẳng khi phải làm việc trên lưới điện "sống". Anh em làm nghề này không có chữ "rút kinh nghiệm" nên phải tập trung cao độ. Một khi đã lên gàu, nhất cử nhất động của mình phải nằm trong tầm kiểm soát, không được có động tác thừa hay thích với bên này, nhoài bên kia, bởi chỉ cần lệch ra khỏi vùng an toàn là mất mạng như chơi”.

Với người thợ điện, chuyện ăn cơm không đúng bữa hay ăn vội bên cột điện, giữa đồng không mông quạnh đã trở thành chuyện thường tình. Anh Nguyễn Văn Tứ (Điện lực Kỳ Anh) chia sẻ: “Cứ nghe có điện thoại hay tin nhắn thông báo sự cố thì dù nửa đêm gà gáy cũng phải lên đường. Có khi mới về nhà bưng bát cơm lên cũng phải đặt xuống đi vội vì có sự cố gây mất điện”.

Vất vả không chỉ trong mùa mưa gió, bão lũ mà ngay cả trời nắng nhiệt độ lên cao, nhu cầu sử dụng điện tăng cũng là lúc người thợ điện hoạt động “hết công suất”.  Với những người thợ điện đường dây, chuyện xuất phát từ 2-3 giờ sáng để đến nơi làm việc là chuyện thường ngày. Không chỉ vậy, mỗi khi đến vị trí cột trụ, việc đầu tiên họ phải phát quang cây, bụi rậm để giữ khoảng cách an toàn. Thế nên, đã có không ít người phải nhập viện vì bị ong đốt, rắn cắn. 

Anh Nguyễn Thanh Luân (Đội QLVH đường dây 110kV thuộc PC Hà Tĩnh) cho biết: “Đi làm ở vùng rừng núi âm u, bị muỗi đốt, ong chích, giẫm rắn bị cắn… hầu như ai cũng từng trải. Nhiều lúc bơi qua kênh, suối gặp những vũng nước sâu, không ít người đã bị hụt chân. Nhưng mệt hơn vẫn là những lần kéo chiếc máy tời nặng, đường bằng phẳng đã khó, huống chi dùng sức người kéo qua địa hình đồi núi, dốc”. 

Bữa cơm tạm bợ của người thợ điện

Yêu nghề và cống hiến

Có ai đó đã ví cuộc đời những người thợ điện giống như những người lính giữa thời bình, áp lực công việc phải luôn giữ tinh thần "sẵn sàng chiến đấu" như trên chiến trường. Có lẽ thế, để gắn bó lâu dài với nghề cần phải có sự đam mê, không ngại khó khăn, vất vả. Anh Luân bày tỏ: “Mỗi lần thấy người dân vui mừng vì dòng điện được thắp sáng, bao muộn phiền như được nén lại. Chúng tôi đều cảm thấy rất vui vì công sức của mình đã mang lại ý nghĩa. Lúc ấy, chỉ còn lòng yêu nghề và sự cống hiến cho công việc mình đang làm”.

Theo được nghề điện không hề đơn giản, đòi hỏi người thợ phải có những phẩm chất riêng như lòng yêu nghề, sự dũng cảm, tinh thần đồng đội. Chỉ khi có tình yêu nghề, họ mới có động lực gắn bó, mới thấu hiểu được vai trò cũng như những trọng trách mình đang mang để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh Tứ bộc bạch thêm: “Đã hơn mấy chục năm gắn bó trong nghề điện, biết bao thay đổi từ thiết bị, công nghệ đến con người nhưng điều không bao giờ thay đổi trong tôi chính là lòng yêu nghề”.

Nghề thợ điện mang những nét rất riêng, những người thợ điện luôn tỏa sáng với tình yêu nghề, sự nỗ lực vì dòng điện quê hương.           


  • 05/12/2019 05:08
  • Hoàng Nhung
  • 1489