Nao lòng nhật ký thợ điện mùa bão

Trong ký ức của những người gắn bó với đất cố đô, có lẽ phải 10 năm rồi chúng tôi mới chứng kiến một cơn bão với sức tàn phá khủng khiếp như cơn bão số 5 vừa qua. Và không chỉ chứng kiến, chúng tôi đã chiến đấu trong tâm bão.

Quay trở lại những ngày đầu tháng 08/2020. Vốn là vùng đất khúc ruột miền Trung sống chung với bão lũ, người dân Thừa Thiên Huế từ lâu đã luôn tâm niệm sống chung với bão, với lũ và kiên nhẫn, kiên cường vượt lên thiên tai và luôn có sự chuẩn bị tốt nhất cho mỗi mùa bão. Đây cũng là mùa vất vả nhất đối với anh em ngành Điện chúng tôi. Ngoài những công việc thường xuyên, chúng tôi tăng cường kiểm tra lưới điện, phát quang hành lang tuyến, phối hợp vận động người dân cắt tỉa cây cối, diễn tập PCTT&TKCN, chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai.

Sáng 18/09/2020, cơn bão bất ngờ đến sớm hơn dự kiến. Khi nhà nhà đang tránh bão trong nỗi kinh hoàng và lo sợ tột độ, anh em chúng tôi luôn “trực chiến” 24/24 tại đơn vị, sẵn sàng và cập nhật tình hình thiên tai từng giờ từng phút. Cơn bão với gió lốc kèm mưa lớn quét qua khắp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chỉ trong hơn nửa giờ đồng hồ, bão đã gây tốc mái nhiều nhà dân, hàng loạt cây xanh trên các tuyến đường bị ngã, đổ.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 10 nhà bị sập, 21.283 nhà tốc mái, 20 trường học bị tốc mái phòng học, khu hiệu bộ, sập hàng rào, tốc mái nhà xe, hư hỏng thiết bị dạy học. Bão số 5 đã thiệt hại 439ha hoa màu, 1.130 ha rừng bị gãy đổ, cao su 863,5ha, cây ăn quả bị thiệt hại 300ha. Riêng khu vực thành phố Huế, đã có khoảng hơn 15.000 cây xanh bị gãy đổ, trong đó có một số lượng lớn các cây cổ thụ đã bị bật gốc. Ngành Điện tỉnh nhà cũng chịu hậu quả nặng nề, hàng trăm cột điện gãy đổ gây sự cố điện nghiêm trọng, thiệt hại ước tính 11,4 tỷ đồng.

Xuyên đêm xử lý sự cố lưới điện do bão số 5 gây ra

CBCNV Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cũng chịu nhiều hậu quả do bão, nhiều nhà tốc mái, gãy cây cối... Khó khăn chất chồng thêm khó khăn, nhưng gác lại những công việc cá nhân, chúng tôi luôn ưu tiên việc xử lý sự cố để cung cấp điện trở lại cho người dân tỉnh nhà.

Đó là những đêm không ngủ, làm việc hết sức mình không kể ngày đêm để mang lại nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất và nhu cầu thiết yếu cho nhân dân.

Chuyện xử lý sự cố lưới điện do thiên tai là một công việc thường xuyên của thợ điện miền Trung, tuy nhiên, với thiệt hại nặng nề trên diện rộng như cơn bão lần này gây ra, chúng tôi đã huy động tổng lực trên 500 CBCNV ngay lập tức sau khi bão vừa tan, đánh giá nhanh thiệt hại, lên phương án và tiến hành ngay việc xử lý sự cố.

Chúng tôi chia nhau xử lý sự cố trên từng cung đường, 5 ngày "chiến đấu" không biết mệt mỏi. 

Niềm vui của chúng tôi là được người dân chia sẻ, lắng nghe, trong đó niềm vui lớn nhất mà cũng giản dị nhất chính là những tiếng reo hò “Có điện rồi” cùng sự hân hoan bừng sáng của những vùng quê, những con đường mà chúng tôi đi qua.

Những ngày căng thẳng và vất vả xử lý sự cố sau bão

Những lời cảm ơn làm chúng tôi vơi bớt những mệt mỏi thường nhật, là động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa trong thời gian tới.

Khuya muộn của những ngày căng thẳng và vất vả, chúng tôi nhìn nhau, nhìn những khuôn mặt xạm đen khắc khổ vì nắng vì gió, những bàn tay chai sạn cùng bộ áo quần đồng phục bảo hộ lao động giờ đã lấm lem bùn đất, mồ hôi đã đổ xuống.

Còn lại gì sau những ngày giông bão, đó chính là niềm tự hào về công việc đang làm, về ngành điện của chúng tôi.

Công việc càng vất vả, chúng tôi càng yêu nghề. Dù là làm cần mẫn trong thầm lặng, chúng tôi quen rồi với việc làm nhiều nói ít, những anh em được khen thì mừng trong lòng, chê thì lấy đó làm động lực để khắc phục, cứ thế mà ngày ngày tháng tháng trôi qua đóng góp một phần nhỏ cho quê hương. Có khó khăn thì vượt qua, tinh thần lạc quan như ánh điện chiếu sáng tâm hồn, với sức lan tỏa mạnh mẽ.

Nếu hỏi đợt này chúng tôi có “lãi” không, thì thật sự “lãi” nhiều, “lãi” tình thương, sự thấu hiểu, sự cảm thông của người dân địa phương. Anh Nghị - Công nhân Điện lực Phong Điền chia sẻ: “Đợt bão này rất vất vả, bù lại chúng em được người dân thương, thấy anh em làm việc ngồi dưới đất giữa nắng gió phải lấy lá chuối rụng che cho bớt nắng, người dân mời nước, đem mũ tai bèo cho chúng em đội”. Rồi có những hôm người dân còn ra phụ kéo dây với anh em công nhân.

Còn đọng lại mãi trong chúng tôi những hình ảnh anh em nỗ lực như thế nào để xử lý sự cố, là những đêm không ngủ, những bữa ăn vội ngay tại hiện trường xử lý sự cố.

Nghề nghiệp nào cũng có những áp lực, những vất vả riêng và những nỗi niềm cần được thấu hiểu. Chúng tôi cứ làm, cứ siêng năng cần cù, “hữu xạ tự nhiên hương”, những mong được cảm thông, chia sẻ và động viên, đó là niềm vui lớn nhất trên mọi nẻo đường chúng tôi đi.

Cơn bão đi qua, trời lại nắng lên, cuộc sống lại tiếp tục những vòng quay vốn có. Điện lại bừng sáng trên từng con đường, từng thôn xóm, từng căn nhà nhỏ. Trở về với vòng tay chờ đón của gia đình, mọi vất vả dường như tan biến.

Nghề nghiệp nào cũng cao quý và cũng có những vất vả riêng, chúng tôi tự hào là những người con của ngành Điện, có nhiều lúc “căng thẳng như một sợi dây đàn”, để “tạo được những thanh âm kỳ diệu”.

Chúng tôi không mong công việc bớt vất vả, chỉ mong rằng có đủ nghị lực để vượt qua mọi khó khăn.

Link gốc


  • 30/09/2020 09:13
  • Nguồn: seatimes.com.vn
  • 706