Một mình chốn công sở - chuyện không của riêng ai

Chọn “một mình” chốn công sở không có nghĩa là sợ hãi hay xa lánh những người khác mà chỉ đơn giản là “một mình” chốn công sở khiến họ dành nhiều thời gian để đầu tư vào sự nghiệp.

“Một mình chốn công sở” - chuyện chẳng của riêng ai - nhất là đối với những nhân viên mới gia nhập vào môi trường làm việc hoàn toàn xa lạ, với những nhân viên trẻ mới vào nghề - bởi có khi, trong chốn công sở, các bạn trẻ rơi vào kiểu “một mình một lứa tuổi” và sẽ rất khó hòa hợp với những anh chị lớn tuổi trong phòng nếu không thực sự cố gắng.

Những người trẻ tuổi, những người lần đầu bước chân vào một không gian làm việc khác hẳn, to lớn hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng của mình sẽ cảm thấy rất bất ngờ và có những người sẽ dấy lên suy nghĩ: Chắc những người ở đây giỏi lắm, họ được làm việc những chỗ thế này cơ mà; liệu họ có chấp nhận 1 người trẻ tuổi như mình được vào làm ở đây không? Hay là ngoài mặt vui vẻ chào hỏi nhưng trong bụng đang thầm chê bai mình? Có bạn còn nghĩ, ai cũng chăm chú công việc như thế này, liệu có ai cùng sở thích thể thao, ai cùng gu xem phim, shoping… với mình hay không?

Những suy nghĩ cá nhân ban đầu đó là bức tường đầu tiên được xây lên để ngăn cách bạn trẻ với những người còn lại trong chính nơi mình làm việc. Đó cũng là bức tường ngăn bạn mở lòng, tìm hiểu và thậm chí làm quen với những người xung quanh.

Nếu bạn là người dễ hòa đồng, chỉ một thời gian ngắn sau bạn đã có thể chợt nhận ra, chị Q. trưa nào cũng tranh thủ đi tập Yoga mấy chục phút, anh H, chị N, anh B… cũng mê thể loại phim hành động chẳng khác gì mình. Anh L. lại là fan hâm mộ đội bóng Quỷ đỏ thành Manchester và cả cơn lốc màu da cam Hà Lan y như mình… và bạn đã có thể dần nói chuyện được với những “tiền bối” qua những sở thích thường nhật để dần tiến đến hòa đồng trong văn phòng, công sở.

Nhưng, nếu bạn là người trầm lặng, tự cô lập mình khi bước vào một thế giới xa lạ, bạn sẽ ngồi lỳ ngay bàn làm việc, giờ ăn có thể bạn đi sau một tí để có thể chọn một chỗ trống trong góc một mình, và bạn luôn nghĩ rằng, chắc chắn những đồng nghiệp ai chẳng muốn làm quen mình đâu, họ đã có sẵn mối quan hệ xưa nay, thêm mình vào, cuộc nói chuyện sẽ như bị kỳ đà cản mũi…

Cũng đừng vội đánh giá những bạn này, có khi họ không phải người kiêu ngạo, cũng không phải người lạnh lùng, mà thực chất chỉ là họ thuộc tuýp người muốn làm việc độc lập. Tất nhiên, thỉnh thoảng tính cách này mang cho họ khá nhiều phiền phức, khi mà bây giờ, môi trường nào cũng cần đến kĩ năng teamwork.

Luôn tồn tại song song cả 2 hai kiểu người công sở: Một kiểu rất tự tin, thích giao lưu, gặp gỡ, thích hội tụ hè, tiệc tùng. Kiểu người này, dù thả vào giữa chốn xa lạ nhất cũng sẽ rất nhanh chóng bắt chuyện, làm quen và kết thân được với một vài người trong môi trường mới – và gần như quen biết hết những người còn lại sau một thời gian rất ngắn gia nhập.

Kiểu còn lại thích yên lặng, luôn muốn có quy nghĩ độc lập. Những người này luôn tạo cho mình những phút giây bận rộn, có thể là bên quyển sách, chiếc smartphone... ngay cả những giờ nghỉ ngắn ngủi giữa ca làm để không cần phải ngại ngùng khi ai đó trong văn phòng đi qua mà mình không biết nên chào hỏi thế nào…Những người này thực ra không xấu, chỉ là, bản tính họ thế, và họ khó có thể thoát ra khỏi vỏ bọc do chính mình tạo nên – họ là những người thích cô đơn nơi công sở.

Những người cô đơn nơi công sở - họ là ai?

Họ luôn một mình trong chốn văn phòng đông đúc

Giờ ăn trưa, họ sẽ tìm một góc riêng biệt để ngồi. Họ cũng chẳng tham gia vào bất cứ cuộc trò chuyện, tán gẫu nào – và chính vì thế, họ cũng không phải “tìm hiểu sâu” về cuộc sống cá nhân của một đồng nghiệp nào đó. Và như thế, cũng sẽ chẳng có ai đi sâu và muốn tìm hiểu về cuộc sống riêng tư của họ cả.

Để lấp đầy những khoảng trống trong những giờ giải lao, họ tìm cho mình những thú vui riêng như đọc sách, chơi game, hay chỉ là ra một chỗ riêng biệt nào đó gọi điện tán gẫu với 1 người bạn thân “ở tận đẩu tận đâu”.

Họ không bị phân tâm khi xử lý công việc

Như chuyện đẽo cày giữa đường, hầu hết mọi người dễ phân tâm bởi những ý kiến của người khác. Còn những người chọn "tác chiến một mình" thì họ sẽ tự định hướng công việc theo một "lối đi" hoàn toàn mới do họ tự đào đường xới đất. Và họ sẽ tập trung cao độ đi đến cuối chặng đường mà chẳng cần "thử" rẽ nhánh mới vì "anh T nói cũng có lý"...

Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của làm việc theo nhóm, nhưng những người 1 mình cũng thường xuyên tạo cho mình những thói quen để có thể hoàn thành công việc “theo cách một mình” cũng không phải là hiếm.

Họ không cần phải chia sẻ thời gian quý báu buổi trưa với bất kì ai

Có thể nhiều người nói rằng ăn một mình thật buồn, ăn một mình ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng thời gian nghỉ ngơi ở văn phòng chắc chắn chẳng có nhiều, nên ăn uống hay nghỉ ngơi đều phải tranh thủ từng giây từng phút. Thay vì hôm nào cũng tụ họp nhóm này nhóm khác chuyện trò, họ có thể giải quyết bữa trưa nhanh gọn theo sở thích, và dành chút thời gian còn lại nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng cho buổi chiều làm việc.

Họ hoàn toàn không phải là người thu mình ở mọi nơi

Một mình nơi công sở không có nghĩa là ngoài đời, họ cũng chọn cách thu gọn mình. Họ đã có những mối quan hệ trước đó với người thân, bạn bè ở “môi trường sống khác”. Và ngoài giờ công sở, họ sẵn sàng lượn lờ mua sắm với cô bạn thân, sẵn sàng hẹn hò chạy bộ với bố, mẹ vào mỗi sáng, sẵn sàng tụ tập nhóm bạn thân picnic cuối tuần hay cùng anh bạn thân đạp xe mỗi chiều về…

Họ là những người muốn độc lập trong công việc

Dù có thân thiết với sếp hay với đồng nghiệp thì khi làm việc bạn vẫn phải một mình chiến đấu với đống nhiệm vụ được giao, chẳng ai có thể làm thay bạn được cả. Lí do đơn giản là, trong cái thế giới riêng họ tạo ra, họ thỏa sức sáng tạo và làm việc theo cách của mình, nên đạt được hiệu quả cao nhất. 

Vậy có nên "một mình chốn công sở"?

Trên thực tế, những người chỉ biết đến công sở là ngồi vào làm, ai hỏi gì nói đó, không hòa đồng, không thân thiện với đồng nghiệp, không bao giờ tham gia những buổi “ngoại khóa” với mọi người sẽ dễ bị để ý, xoi mói và cô lập. Họ là những người “không quan tâm đến mọi thứ”. Xét về lâu dài, họ sẽ là những người không có lợi cho doanh nghiệp – bởi doanh nghiệp chính là nơi nhân viên gắn kết đồng lòng để tạo nên sức mạnh và thành công.

Do vậy, nếu bạn chọn “một mình nơi công sở” theo cách đó, bạn sẽ rất dễ bị đào thải.

Tuy nhiên, nếu hiểu rằng, chọn “một mình chốn công sở" không có nghĩa là sợ hãi hay xa lánh những người khác mà chỉ đơn giản là “một mình” để tập trung công việc, để hoàn thành nhiệm vụ, để dành nhiều thời gian đầu tư vào sự nghiệp, còn ngoài ra, họ vẫn là một "nhân tố" tích cực trong tập thể, thì chắc chắn đây là cách tốt nhất. Như thế, họ sẽ trở thành người đáng quý, đáng nể phục trong chính văn phòng mình, bởi vì họ biết trân trọng công việc mình làm, dành hết sức mình để cống hiến chứ không hề bỏ phí thời gian để tám chuyện.

Dù có thế nào, lựa chọn là ở mỗi người và nỗ lực cố gắng luôn đáng được trân trọng.


  • 24/04/2019 10:19
  • Nguồn: Trí thức trẻ
  • 3003