Ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam (ảnh đơn vị cung cấp)
|
Tôi viết bài này đặt mình ở vị trí là một trong những người bạn đồng hành, là đồng nghiệp của CBCNV Điện lực Quảng Nam, là người đã từng cùng với các bạn lăn lộn trong những năm tháng gian khổ, khó khăn nhất của ngành Điện, có những thành công, thất bại, có cả niềm vui lẫn nỗi buồn của người làm điện xứ Quảng.
Khi tham gia biên soạn và ban hành nội dung Văn hóa doanh nghiệp Điện lực Quảng Nam năm 2005, nhiều lúc tôi cũng băn khoăn tự vấn: Những phẩm chất nào cần thiết cho người công nhân điện lực hiện đại để xây dựng nên tiêu chí phấn đấu cho tất cả mọi người? Có lẽ chúng ta cùng thống nhất với nhau một quan điểm: Xây dựng văn hoá doanh nghiệp là xây dựng một tập thể có văn hoá, những con người có nếp sống, phong cách trong sinh hoạt xã hội ở trình độ cao (tương xứng với các nước tiên tiến). Vì vậy, cần phải có tiêu chí buộc mọi người tuân thủ để hình thành nên quy củ, nề nếp, và tránh trùng lắp với các quy định, quy chế của ngành Điện đã ban hành.
Phải kết hợp phẩm chất, đạo đức truyền thống của dân tộc để phù hợp với con người thời đại mới như thế nào cho hợp lý? Liệu những giáo huấn của Nho giáo về Tam cương (quân, sư, phụ) và Ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) có còn phù hợp với lối sống hiện đại hay không? Những tiêu chí về xây dựng con người mới có văn hoá, đạo đức hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” phải được cụ thể hoá như thế nào? Trả lời những câu hỏi trên không dễ bởi điều đó thuộc phạm vi giáo dục vĩ mô. Còn đối với chúng ta, mong muốn Văn hóa doanh nghiệp Điện lực Quảng Nam sẽ góp phần để bản thân mỗi người ngày càng hoàn thiện hơn, năng động hơn, tự tin khẳng định mình trong xã hội hiện đại mà vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam.
Trên thực tế, sau 3 năm triển khai văn hoá doanh nghiệp, Điện lực Quảng Nam đã hình thành nên đội ngũ những người lao động mạnh cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt nổi trội là ý thức trách nhiệm trước công việc, sự đồng thuận, quan hệ cấp trên - cấp dưới, tinh thần tương thân tương ái, công tác xã hội, quan tâm đến lợi ích của khách hàng…
Từ thực tế rút ra kinh nghiệm: Muốn văn hóa doanh nghiệp thành công phải có nỗ lực từ nhiều phía, nhất là phải xuất phát từ “cái tâm” của mỗi người. Chúng ta phấn đấu cho đến khi có một nhân viên nào đó làm trái với những tiêu chí quy định trong văn hoá doanh nghiệp sẽ cảm thấy lạc lõng, cắn rứt lương tâm thì khi đó thực thi văn hoá doanh nghiệp mới thành công.
Hiện tại, trong số 621 CNVC - LĐ của Điện lực Quảng Nam đã có hơn 28% trình độ đại học; trên 90% tốt nghiệp phổ thông trung học; hơn 70% có trình độ chuyên môn về điện. Như vậy, trình độ học vấn, năng lực công tác đã tăng hơn nhiều so với những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Chắc chắn “cái tầm” thì hơn hẳn ngày xưa rồi, và về cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Song “cái tâm” thì thế nào? Tôi không có ý định so sánh "cái tâm" của hiện tại với quá khứ, bởi như thế sẽ khập khiễng, nhưng tôi cũng tự hỏi, không hiểu vì sao trong giải quyết công việc hằng ngày chúng ta thường “duy tình” hơn “duy lý”, vậy mà trong hành vi “đối nhân, xử thế” đôi khi lại chưa thể hiện đủ chữ "tình"?
Trước cơ quan có quán cà phê cóc, một số CBCNV thường đến uống lúc “kém 5 phút” và ngồi kéo dài “hơn 10 phút”, nhưng ra về thì “đúng giờ”. Vậy thì tại sao chúng ta không đi sớm hơn 15 phút để uống cà phê rồi vào làm việc đúng giờ? Cái mất của cơ quan chẳng mấy người quan tâm, nhưng khi cá nhân thiệt thòi một chút thì so bì, kiện tụng!
Khi bão lớn đổ bộ, một số anh, chị em không quản ngại đêm tối, dầm mình trong gió mưa, lặn lội đến chằng chống cơ quan thì cũng có người ở nhà lo việc riêng, và cũng không hề quan tâm đến chỗ làm việc mà họ đã từng gắn bó mỗi ngày 8 tiếng trong mấy chục năm liền! Trong mọi trường hợp, chữ lý và chữ tình đều thật cần thiết, nhưng phải lý trước, tình sau.
Ý thức trách nhiệm cá nhân là vấn đề đáng quan tâm nhất. Khi người lãnh đạo giao việc thì họ đặt hết niềm tin vào bạn, và bạn cũng nên lấy đó làm vinh dự vì được tin cậy để giao việc. Tuy nhiên, một số người vẫn “tuần tự nhi tiến”, việc đến đâu hay đó, chẳng quan tâm gì đến kết quả. Có người còn quá tệ hại, nhiệm vụ được giao không làm đến nơi đến chốn, cứ để tình trạng “nước chảy bèo trôi” đến khi vấp váp, khuyết điểm mới lấp liếm, đổ thừa cho nhau.
Rất nhiều những chuyện nhỏ lẻ không nên có như thế đã trở thành những “hạt sạn”. Tuy nhiên, đáng buồn là ít người đấu tranh, nhắc nhở. Trong kiểm điểm cuối năm, nhiều cá nhân thường tự nhận mình “chưa mạnh dạn đấu tranh” nhưng thấy chưa khắc phục nhiều. Tiến bộ là đấu tranh. Nhưng xem nhẹ đấu tranh như vậy làm sao đơn vị tiến bộ được trong xã hội “duy tình” này? Và điều đó có thể dẫn đến sai phạm sẽ khó được phát hiện kịp thời.
Vì vậy chúng ta cần suy ngẫm, xem xét lại việc thực hiện các tiêu chí văn hoá doanh nghiệp của bản thân mỗi người đến đâu? Trách nhiệm vào cuộc của các đoàn thể như thế nào? Cán bộ chủ chốt nêu gương ra sao để từ đó điều chỉnh, sửa đổi những tiêu chí văn hoá doanh nghiệp phù hợp với tình hình mới. Mỗi người phải tự đổi mới, chỉnh trang chính bản thân mình; kiên quyết xóa bỏ những nếp nghĩ lạc hậu, lỗi thời cùng với những hành vi không phù hợp với văn hoá doanh nghiệp.