Làm sao để xác định được nội dung tài liệu văn hóa doanh nghiệp?

Ở nhiều tổ chức, doanh nghiệp hiện nay, vấn đề không còn là có nên triển khai văn hoá doanh nghiệp (VHDN) hay không, mà là làm thế nào để có thể triển khai VHDN thành công?

Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai VHDN, nhiều đơn vị còn rất lúng túng. Những khó khăn mà các đơn vị gặp phải thường ở ba vấn đề: Thứ nhất là khó khăn trong việc xác định nội dung tài liệu về VHDN; hai là lúng túng trong việc biên soạn tài liệu về VHDN và thứ ba là làm cho tài liệu VHDN thực sự gắn với hoạt động của đơn vị. 

Bài viết này xin được trao đổi xung quanh vấn đề thứ nhất.

Việc xây dựng kế hoạch hành động cho mọi tổ chức đều được bắt đầu từ xác định mục đích. Đối với các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, để xác định mục đích, cần trả lời 4 câu hỏi cơ bản:

- Thị trường mục tiêu được lựa chọn mà đối tượng chính để tập trung phục vụ là ai?

- Nhu cầu cần thoả mãn ở họ là gì?

- Doanh nghiệp lựa chọn sẽ thoả mãn những nhu cầu này của đối tượng mục tiêu bằng các biện pháp gì hay như thế nào?

- Doanh nghiệp trả lời câu hỏi “Tại sao đối tượng mục tiêu lại chọn doanh nghiệp của bạn mà không chọn doanh nghiệp khác” và bằng cách nào?

Đây là bốn câu hỏi về định hướng chiến lược của một tổ chức.

Chiến lược chỉ có thể thực thi thành công khi được quản lý, điều hành một cách đúng đắn. Thông thường, khi triển khai chiến lược, các nhà quản lý chỉ tập trung vào 5 đối tượng là khách hàng, người lao động, nhà đầu tư/cổ đông, đối tác/đối thủ và chính sách của chính phủ và ít khi phân tích đồng thời tất cả đối tượng trong mối quan hệ thống nhất. Lợi ích cũng luôn là mối quan tâm hàng đầu. Mặc dù không sai, nhưng cách tiếp cận như vậy là phiến diện.

Khi triển khai VHDN, ý nghĩa và nội dung của 4 câu hỏi trên được mở rộng. Về ý nghĩa, triển khai VHDN là để định hướng quản lý và để xây dựng các biện pháp quản lý và điều hành các hoạt động tác nghiệp hằng ngày khi thực thi kế hoạch tác nghiệp. Về nội dung, phạm vi các đối tượng được mở rộng để bao quát thêm những đối tượng hữu quan khác như cộng đồng, xã hội, môi trường sống… Mối quan tâm chủ yếu là sự cân bằng, hài hoà và phát triển.

Triển khai VHDN, xác định giá trị là có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đó là điểm khởi đầu. Mục tiêu về giá trị được thể hiện ở 3 câu hỏi cơ bản:

- Hình ảnh (thương hiệu) mong muốn tạo ra cho tổ chức/doanh nghiệp là gì?

- Hình ảnh đó có thể được tạo ra bằng (cái) gì?

- Làm thế nào để mọi thành viên và bằng cách nào họ có thể đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh cho tổ chức/doanh nghiệp?

Nội dung trả lời cho những câu hỏi trên được biên soạn thành những tài liệu VHDN chính thức. Trong các tài liệu này, 3 câu hỏi trên được trình bày thành những nội dung rất ngắn gọn, cô đọng liên kết hệ thống chặt chẽ. Đó là: Tầm nhìn và sứ mệnh - câu hỏi 1; giá trị cốt lõi và triết lý/nguyên tắc hành động – câu hỏi 2; quy tắc ứng xử, các cam kết và phương châm quản lý – câu hỏi 3.

Trong đó, tầm nhìn thể hiện ước muốn về hình ảnh của tổ chức/doanh nghiệp, được thể hiện thành những nội dung cụ thể trong sứ mệnh. Giá trị cốt lõi là chất liệu/nguyên tố chính để xây dựng hình ảnh mong muốn, bằng những nguyên tắc/triết lý hành động mang phong cách đặc trưng cho tổ chức/doanh nghiệp. Những nguyên tắc này được thể hiện cụ thể thành quy định thống nhất về cách thức ra quyết định, được chỉ dẫn bằng các quy tắc ứng xử, được đảm bảo bằng định hướng và đảm bảo bằng những cam kết chính thức. Hoạt động hằng ngày trong tổ chức được điều hành bởi phương châm quản lý thể hiện qua những “mẫu tính cách” điển hình và biện pháp quản lý nhân lực hiện đại, phù hợp.

Những nội dung trên được biên soạn thành một hệ thống các văn bản chính thức với mức độ chi tiết khác nhau, thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện, được sử dụng làm tài liệu VHDN của tổ chức/doanh nghiệp và được phổ biến rộng rãi cho tất cả mọi thành viên để thực hiện.

Về cơ bản, bộ tài liệu VHDN thường bao gồm một tài liệu tuyên bố chính thức của tổ chức, các tài liệu hướng dẫn thực hành cho nhân viên (bộ quy tắc ứng xử, bộ chuẩn mực hành vi, sổ tay nhân viên, chỉ dẫn thực hành VHDN…), hệ thống các biểu trưng trực quan (các đặc trưng kiến trúc, hoạt động xã hội, hệ thống lô-gô, biểu tượng, khẩu hiệu, chương trình PR, quảng cáo…). Và đặc biệt là những “khuôn mẫu phong cách điển hình về VHDN” trong tổ chức. Hệ thống các tài liệu VHDN cần được thiết kế đồng bộ và được chuyển hoá vào trong các hoạt động tác nghiệp hằng ngày ở đơn vị.

* Thị trường mục tiêu? Đối tượng phục vụ là ai?

* Tìm cách thỏa mãn nhu cầu gì, mong muốn tâm sinh lý nào?

* Dự định sẽ thỏa mãn nhu cầu của họ bằng những gì? Bằng cách nào?

* Làm thế nào để có thể tạo niềm tin, được họ ủng hộ, gắn bó (chung thủy) với sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp, tổ chức

 

* Hình ảnh mong ước sẽ tạo ra trong  mắt những người hữu quan là như thế nào?

- TẦM NHÌN

-  SỨ MỆNH

* Hình ảnh mong muốn có thể được tạo ra bằng những gì?

-  GIÁ TRỊ CỐT LÕI

-  NGUYÊN TẮC HÀNH ĐỘNG

* Làm thế nào để có thể tạo niềm tin, sự nhiệt tình, tính tự giác và phong cách riêng cho tổ chức?

- QUY TẮC ỨNG XỬ

- GIAO ƯỚC CÁ NHÂN

- PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ

 


  • 01/09/2011 03:58
  • theo Tạp chí Điện lực chuyên đề QL&HN tháng 6
  • 4675


Gửi nhận xét