Làm gì khi nhân viên ăn cắp?

Quá trình phát triển của một doanh nghiệp có thể gặp phải những thời điểm mà văn hoá bị suy đồi. Một số cá nhân vì lợi ích bản thân đã làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích chung của tập thể.

Ngày nay, mỗi doanh nghiệp đều cần xây dựng nền văn hoá của mình, đó là điều mà hầu như ai cũng biết và phải làm.

Trong nền tảng văn hoá doanh nghiệp, có thể xây dựng chi tiết và sâu rộng đến nhiều cấp độ khác nhau. Cấp cơ bản nhất thể hiện trong các công việc hàng ngày. Cấp cao hơn nằm ở các giá trị tinh thần của trong mục tiêu kinh doanh. Cao hơn nữa là niềm tin ăn sâu vào tiềm thức của mỗi thành viên trong doanh nghiệp, trở thành đạo lý và có tính tiếp nối thế hệ.

Quá trình phát triển của một doanh nghiệp có thể gặp phải những thời điểm mà văn hoá bị suy đồi. Một số cá nhân vì lợi ích bản thân đã làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích chung của tập thể. Trong nhiều trường hợp, sự tổn hại đó không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, và cứ âm ỉ tồn tại. Điển hình nhất của việc này ở nhiều doanh nghiệp là tình trạng ăn cắp sản phẩm hay nguyên liệu để tuồn ra ngoài bán. Việc đó xảy ra ở các công ty hoặc các doanh nghiệp quản lý lỏng lẻo. Thậm chí các sản phẩm thải loại, sản phẩm cũ hỏng hay hết hạn cũng bị một số cá nhân lấy đem bán. Hành vi đó vẫn bị gọi là ăn cắp, dù cho trên thực tế không gây hại cho doanh nghiệp về kinh tế, nhưng gây hại nghiêm trọng về uy tín và văn hoá.

Việc của bất cứ CEO nào khi có tình trạng ăn cắp là phải tìm cách giải quyết càng sớm càng tốt. Phần lớn đuổi việc ngay người ăn cắp, thậm chí giao cho cảnh sát. Những CEO giàu kinh nghiệm hơn thì cho điều tra bí mật để tìm xem có tổ chức trong những người ăn cắp không, có người đứng đầu không. Trong nhiều trường hợp, CEO lại chọn cách không xử lý kỷ luật, không công bố danh tính người ăn cắp mà đi sâu tìm hiểu tâm tư, tình cảm của thủ phạm, tìm hiểu nguyên nhân, động cơ của việc ăn cắp, qua đó giải quyết tận gốc hành vi đó trong doanh nghiệp.

Chuyện xảy ra ở một công ty thương mại dịch vụ với hơn 300 lao động. Lĩnh vực đem lại doanh thu chủ yếu cho công ty này là may mặc. Trong quá trình sản xuất, có nhiều sản phẩm lỗi, theo đúng nguyên tắc phải bỏ đi, nhưng một số lao động lại lấy rồi đem ra ngoài bán với giá rẻ. Việc làm đó tuy không ảnh hưởng về kinh tế đến công ty nhưng ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của công ty, vì các sản phẩm lỗi mang kiểu dáng của công ty có thể đến tay nhiều người. Chỉ cần có người nào lợi dụng để tung ảnh sản phẩm lỗi lên mạng xã hội để bêu xấu, công ty sẽ tổn thất nặng nề.

Sự việc có lẽ vẫn âm thầm tồn lại nếu không có mâu thuẫn trong nhóm lao động ăn cắp hàng lỗi. Một người đã gặp giám đốc để báo cáo sự việc. CEO của công ty lúc đầu đã rất tức giận và định cho nghỉ việc tất cả những người ăn cắp. Nhưng sau khi bình tĩnh lại, ông đã suy nghĩ: Hiện tại là thời gian quan trọng trong năm, với nhiều hợp đồng đang phải "chạy" hết công suất mà sợ vẫn không kịp thời hạn giao hàng. Nếu bây giờ đuổi việc số công nhân đó thì công ty sẽ thiệt hại rất lớn, lại mất uy tín với khách, bởi việc tuyển gấp lao động mới đủ khả năng để thay thế số công nhân lành nghề kia là không đơn giản.

Người CEO đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia tư vấn, và đã có kế hoạch giải quyết vụ việc sau khi suy nghĩ và bàn bạc cẩn thận với ban lãnh đạo. 

Ông tổ chức một cuộc gặp mặt với nhóm công nhân tuồn sản phẩm lỗi ra ngoài bán, hỏi thẳng họ một câu: "Các bạn có muốn tiếp tục làm trong công ty này không?" Các công nhân, vốn là người làm lâu năm, cũng hiểu ra việc ăn cắp của họ đã bị lộ và thú nhận với ông chủ. Trong cuộc gặp đó, vị giám đốc đã làm rõ 3 vấn đề với số công nhân: Thứ nhất là nguyên nhân của hành vi trộm sản phẩm; thứ hai là nói rõ thiệt hại vô hình của công ty do hành vi đó; và cuối cùng, hỏi các công nhân có khó khăn gì trong công việc và cuộc sống không. 

Vị CEO cũng đã làm một việc khiến công nhân phục là nhận lỗi vì đã không quan tâm đến hoàn cảnh của công nhân, và nhận lỗi vì đã không quản lý chặt chẽ. Ông còn nhấn mạnh với công nhân là may mà công ty chưa thiệt hại gì lớn, nếu không ông buộc phải giao cho công an xử lý, và kể cả bây giờ cũng có thể giao cho công an rồi, nhưng ông không làm thế bởi ông coi trọng tình cảm với người lao động của mình. Nhanh chóng, số công nhân đó đã khai nguyên nhân lấy cắp sản phẩm lỗi đem bán là do hoàn cảnh gia đình túng thiếu nên đã không kìm lòng được trước số sản phẩm lỗi đó. 

Ông chủ doanh nghiệp sau khi biết nguyên nhân chỉ là hành động bột phát, đã đưa ra cách giải quyết. Một là tha thứ cho số công nhân kia, hai là thành lập một quỹ đặc biệt dùng để giúp đỡ cho các lao động khó khăn, ba là tăng cường giáo dục pháp luật và quy định cho công nhân. Vụ việc đã trôi qua trong êm đẹp, doanh nghiệp tiếp tục giữ vững hoạt động của mình và lao động vẫn có thể tiếp tục làm việc.

Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, có những sự việc phát sinh từ sự suy đồi văn hóa doanh nghiệp, mà nguyên nhân chỉ là một phút giây nổi lòng tham, nói rộng ra là suy đồi đạo đức chung của xã hội, của con người. Nếu xét thấy nguyên nhân của sự cố không xuất phát từ âm mưu tấn công từ bên ngoài thì người CEO, hay chủ doanh nghiệp cần giải quyết một cách khôn khéo, trên cơ sở và với mục đích thu phục lòng người. 

Chính những sự việc, cách giải quyết như vậy sẽ như những dòng phù sa bồi đắp cho một nền văn hóa doanh nghiệp bền vững, trở thành những câu chuyện "đi vào huyền thoại" của mỗi doanh nghiệp.


  • 21/01/2018 02:51
  • Nguồn: Trí thức trẻ
  • 15343