Ảnh minh họa
|
Xin được bắt đầu từ 3 câu chuyện thực tế:
Câu chuyện thứ nhất: Đồng phục không phải lúc nào cũng tốt
Ở nhiều khu danh lam thắng cảnh trên thế giới, chúng ta cũng dễ nhận ra từ xa các đoàn cán bộ, viên chức Việt Nam sang công tác, tham quan đều có chung một đặc điểm rất “uniform” là mặc complê, đeo cà vạt và đi giày da mầu đen.
Những người nước ngoài khác, nhất là người Âu, họ thường chọn trang phục phù hợp với từng chuyến đi. Còn người Việt thường chọn trang phục theo nguyên tắc “3 trong 1,” đi làm, đi chơi, đi họp… đều giống nhau.
Tôi cũng đã từng tham gia một chuyến đi nghiên cứu gần 2 tuần tại Na Uy. Đoàn chúng tôi có một vị giáo sư lớn tuổi rất khả kính. Vì là chuyến đi khảo sát tình hình, nên nhiều khi phải cuốc bộ khá xa. Nhưng thầy chỉ có một đôi dày da đế cứng, đi đau chân, nên thầy rất vất vả mới theo kịp Đoàn.
Một thành viên khác trong Đoàn còn gặp một tình huống cũng “nan giải” là đang đi bộ thì một chiếc đế giày bị rơi ra. Rất nhanh, anh cúi xuống cậy nốt đế giầy còn lại vứt đi. Hết buổi làm việc, anh tìm mua giầy mới. Kinh nghiệm cho những chuyến công tác nước ngoài hoặc trong nước thời gian 1 tuần trở lên là ta cố mang được 2 loại quần áo và 2 đôi giày khác nhau dùng cho đi họp và... đi bộ.
Câu chuyện thứ 2: Rất khó áp dụng thống nhất đồng phục ở một Tập đoàn đề cao giá trị cá nhân
Tập đoàn F – có vị trí hàng đầu về công nghệ thông tin ở nước ta cũng nổi tiếng bởi một nền văn hóa đặc sắc, nhiều “đặc sản” với các giá trị tôn trọng con người, cá tính và tự do của nhân viên. Hơn chục năm nay, truyền thống văn hóa trang phục của Tập đoàn là tự do, tiện lợi… nên chuyện nhân viên đến công sở mặc quần bò, áo phông, đi dép lê là bình thường.
Song vài năm gần đây, khi đối tác nước ngoài thường xuyên đến Tập đoàn làm việc, thì hình ảnh văn hóa mặc “đặc sản” của một số công ty thành viên khiến cho Lãnh đạo của Tập đoàn cảm thấy lúng túng và khó xử. Nếu ban hành ngay quy định cứng buộc nhân viên mặc đồng phục thì lại không phù hợp với đặc điểm nghề của một số công ty thành viên và giá trị cốt lõi chung của Tập đoàn là tôn trọng cá nhân và đổi mới. Vậy nên, “tái cấu trúc” văn hóa trang phục hóa ra lại là một câu chuyện nhạy cảm, khó thống nhất.
Có công ty con đã đưa ra các quy định chi tiết về văn minh trang phục, ngủ trưa, sắp xếp máy tính, đồ vật trên bàn làm việc… song hiệu lực rất hạn chế vì bị “mất lòng dân”, có nhiều nhân viên chống đối. Đã có nhiều cuộc họp bàn cãi về vấn đề này nhưng đến nay, Lãnh đạo Tập đoàn vẫn chỉ ra được quyết định phân cấp và bộ phận mặc đồng phục công sở, chủ yếu dùng trong các dịp lễ hội. Quy định của Tập đoàn mới chỉ dừng ở việc mặc áo phông có logo và màu cam truyền thống còn việc chọn kiểu thiết kế cụ thể nào là tùy vào các đơn vị ở các vùng miền bắc, trung, nam và chuyện mặc quần hoặc váy như thế nào là để mỗi cá nhân… tùy chọn.
Câu chuyện thứ ba: Học tập sinh viên Nhật Bản
Đầu tháng 11 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức chương trình giao lưu học thuật và văn hóa với sinh viên Đại học Osaka City (Nhật Bản). Tuy chỉ diễn ra trong 4 ngày, nhưng lớp sinh viên chất lượng cao của Trường cũng đã có ấn tượng sâu sắc về sự học tập chuyên cần, ăn mặc phù hợp và tác phong làm việc nhóm hiệu quả của sinh viên Nhật Bản.
Trang phục của sinh viên Nhật Bản mang tính chuyên nghiệp cao. Khi đến dự Hội thảo thì họ mặc âu phục thắt cà vạt, đến lớp học thì bỏ cà vạt, khi đi tham quan thực tế thì mặc trang phục giản dị hơn, nhưng vẫn đeo phù hiệu, thẻ sinh viên và mặc quần hoặc váy dài.
Trong khi đó, sinh viên của ta có nhiều người mặc quần sóc, áo phông, váy ngắn khi đi tham quan thực tế, đi dự Hội thảo thì lại mặc quần áo dùng cho đi học, đi chơi… Sau đợt giao lưu này các sinh viên của ta đều nhận thấy sự thiếu hụt “kỹ năng mềm” trong văn hóa giao tiếp, trang phục và rất cần học hỏi sinh viên Nhật.
Bình luận và khuyến nghị
Bộ đồng phục màu cam của công nhân khối phân phối điện đã bước đầu thể hiện được đặc trưng ngành Điện lực Việt Nam và sứ mệnh, đặc điểm của văn hóa doanh nghiệp. Chúng ta cần quyết tâm khắc phục những điểm yếu truyền thống như ăn mặc tùy tiện, dễ bị lôi kéo bởi chủ nghĩa hình thức, a dua theo các xu hướng mốt lai căng, phá phách…
Tuy nhiên, các câu chuyện nêu trên đã cho thấy, không nên áp dụng một cách cứng nhắc việc mặc đồng phục cho cả một tập đoàn lớn với nhiều đơn vị thành viên, hoạt động ở nhiều vùng địa lý, khí hậu và văn hóa khác nhau. Theo chúng tôi, việc triển khai và quản trị trang phục công sở cần đảm bảo các nguyên tắc và 3 tiêu chuẩn chính:
1. An toàn, tiện dụng và đúng mục đích.
2. Thống nhất, chuyên nghiệp và tận tâm trong phục vụ khách hàng và xã hội.
3.Văn minh, đẹp và có bản sắc của doanh nghiệp, đơn vị mình.
Văn hóa trang phục công sở chỉ có thể thành công, đạt hiệu quả cao và bền vững khi nhân viên thấu hiểu được các giá trị và ý nghĩa của nó và tự giác, tự chủ thực hiện trong cuộc sống hàng ngày.