Kỹ sư điện Đỗ Châu Tuấn: 25 năm gắn bó với núi rừng

Đã hơn 11 giờ đêm, ánh điện vẫn hắt qua ô cửa nhỏ trong phòng làm việc của kỹ sư Đỗ Châu Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Thủy điện Đăk Pring, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC). Hơn nửa đời người gắn bó với núi rừng đã làm nên một kỹ sư điện Đỗ Châu Tuấn rất đỗi bình dị, người anh cả, chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy cho những người thợ trẻ nơi đây.

Người anh cả "cứu sống" các tổ máy

Tôi biết anh trong một dịp cùng tham gia hội diễn văn nghệ của ngành Điện bởi chúng tôi được phân ở cùng một đội. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh, đó là khả năng tự sáng tác và biểu diễn ca khúc của mình. Bằng giọng ca trầm ấm, sâu lắng, với cây đàn ghi ta mộc mạc, ca khúc của anh đã để lại ấn tượng trong lòng tôi và khán giả đến cổ vũ hôm ấy. Giọng ca nhẹ nhàng, chất phác ấy vẫn hàng đêm ngân nga vang lên trên núi rừng Chal Vàl, trở thành "liều thuốc" xua đi nỗi nhọc nhằn, nhớ quê hương, của những thợ điện xa xứ ở lại với mảnh đất Chal Vàl, nơi có công trình Nhà máy Thủy điện Đăk Pring.

Kỹ sư Đỗ Châu Tuấn (bên trái) nói chuyện cùng bà con dân tộc Cơ Tu về nếp sống, nếp canh tác, chăn nuôi trồng trọt sao cho hiệu quả, tiết kiệm điện năng. 

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp ngành Cơ khí động lực, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, kỹ sư Đỗ Châu Tuấn vào làm việc trong ngành Điện và nhận công tác tại Nhà máy Thủy điện An Điềm. Ở thời điểm đó, Thủy điện An Điềm là đứa con đầu lòng của thủy điện miền Trung và kỹ sư Đỗ Châu Tuấn cũng như bao người thợ trẻ trên nhà máy gánh vác trọng trách vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Với tố chất thông minh, tính tình xốc vác, anh luôn lăn xả vào công việc, vừa tìm tòi học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm để sửa chữa, bảo dưỡng nâng cao khả năng vận hành an toàn và hiệu quả các tổ máy.

Trong công việc, anh là người được đồng nghiệp "nhớ mặt, chỉ tên" ngay từ những lần làm việc đầu tiên bởi không chỉ nhiệt tình, sáng tạo, chịu khó tìm tòi học hỏi trong lao động sản xuất mà anh Tuấn còn có rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Nhiều thiết bị của các tổ máy tại Thủy điện An Điềm sau thời gian dài vận hành đã hư hỏng, xuống cấp cần thay thế nhưng không thể mua được các linh kiện cần thiết vì không còn sản xuất nữa, anh Tuấn đã cùng với anh em công nhân tự gia công, chế tạo đưa vào vận hành hiệu quả với chi phí thấp nhất.

Bằng sự nhiệt huyết và lòng yêu nghề, trong suốt những năm qua, kỹ sư Đỗ Châu Tuấn đã làm "sống lại" các thiết bị tưởng như đã hư hỏng bỏ đi. Chính vì vậy, sau hơn 25 năm vận hành, Nhà máy Thủy điện An Điềm vẫn cho sản lượng điện phát bình quân hàng năm là 25 triệu kWh, năm nào lượng nước tự nhiên nhiều thì sản lượng sẽ tăng cao hơn, đóng góp gần 600 triệu kWh điện vào lưới điện Quốc gia. Và những người thợ vận hành tại Thủy điện An Điềm cũng trìu mến gọi anh Tuấn với cái tên: Người anh cả "cứu sống" các tổ máy.

Đứa con của núi rừng

Năm 2016, kỹ sư Đỗ Châu Tuấn được điều chuyển và bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Thủy điện Đăk Pring (thuộc Công ty Lưới điện cao thế miền Trung) đóng tại thôn Tà Ul, xã Chal Vàl, huyện Nam Giang của tỉnh Quảng Nam. Đây là dự án thủy điện vừa và nhỏ nhằm cung cấp điện cho địa bàn vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và xóa đói giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam.

Nơi xây dựng nhà máy được bao phủ bởi những cánh rừng già xanh ngút ngàn, dân cư thưa thớt, chủ yếu là các làng của bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu và dân tộc Ve. Về làm việc trên mảnh đất xa xôi này, kỹ sư Đỗ Châu Tuấn trở thành thủ lĩnh của 23 công nhân trẻ, đảm nhận nhiệm vụ tiếp quản và quản lý vận hành Dự án Nhà máy Thủy điện Đăk Pring.

Không thể nói hết được những khó khăn bước đầu, với một khối lượng công việc đồ sộ của dự án, anh cùng tập thể CBCNV Xí nghiệp đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy hoạt động, tham gia bám sát công trình, nghiên cứu nắm bắt hệ thống quy trình, quy phạm vận hành, sẵn sàng làm chủ thiết bị công nghệ và toàn bộ nhà máy sau khi hoàn thành, đưa nhà máy vào vận hành hiệu quả.

Thời gian này, công việc hành chính của anh Tuấn và CBCNV Xí nghiệp thường bắt đầu từ 7 giờ tối. "Đây là thời gian sau khi anh em công nhân đi công trình về và ăn bữa cơm tối" - anh Tuấn tâm sự và cho biết thêm: "Cả ngày anh em ra công trường giám sát, kiểm tra chất lượng thi công các hạng mục, thực hiện những công việc theo nhiệm vụ được giao, nên buổi tối mới làm công việc hành chính như làm báo cáo, giải quyết công văn trong ngày. Công việc này thường được anh em trong đơn vị giải quyết hoàn thành trước 11 giờ đêm để dành sức cho công việc ngày hôm sau".

Tất bật là vậy, nhưng ngoài việc chuyên môn, anh Tuấn luôn động viên anh em trong đơn vị cố gắng học hỏi để nói và hiểu được tiếng của đồng bào Cơ Tu nhằm tuyên truyền cho bà con về các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tham gia bảo vệ nhà máy và cũng là giúp bà con thay đổi nếp sống, nếp canh tác, chăn nuôi trồng trọt sao cho hiệu quả. 

Khi được hỏi sau 25 năm gắn bó với núi rừng An Điềm, rồi lại tới Chal Vàl, có bao giờ anh nghĩ tới việc xin chuyển công tác về đồng bằng cho gần vợ con? Anh Tuấn chỉ vui vẻ trả lời: Mặc dù có những phút chạnh lòng nhớ tới vợ con, nhưng mình gắn bó với nơi đây lâu, như là người con của núi rừng rồi, vắng rừng sẽ nhớ lắm".

Có lẽ cũng vì thế mà đêm nay, khi mảnh trăng cuối rừng Đăk Pring sáng vằng vặc trong đêm, trên bàn kỹ sư Đỗ Châu Tuấn vẫn ngổn ngang, bộn bề những công văn, báo cáo, những lo toan, trăn trở để cống hiến nhiều hơn cho mảnh đất nơi đây.

Kỹ sư Đỗ Châu Tuấn:

- Sinh năm: 1967

- Tốt nghiệp ngành Cơ khí động lực, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

- Năm 1991: Vào công tác trong ngành Điện, là kỹ sư vận hành Nhà máy Thủy điện An Điềm.

- Năm 2008: Được bổ nhiệm làm Phó giám đốc và Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Thủy điện An Điềm.

- Năm 2016: Được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Thủy điện Đăk Pring (thuộc Công ty Lưới điện cao thế miền Trung) đóng tại thôn Tà Ul, xã Chal Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

- Năm 2014: Được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng Lao động sáng tạo.


  • 23/12/2017 02:00
  • Bài và ảnh: Thanh Huyền - Văn Minh
  • 1791