Kỹ sư Nguyễn Quốc Hoàn: Đã trót nặng tình với... máy biến áp

Với anh Nguyễn Quốc Hoàn (Tổ trưởng Tổ sửa chữa máy biến áp, Xưởng sửa chữa thiết bị điện, Công ty Truyền tải điện 1), việc trở thành kỹ sư điện không chỉ để thỏa đam mê với máy móc, thiết bị kỹ thuật, mà đó còn là một công việc đầy ý nghĩa khi anh được nối nghề của cha mẹ...

 “Lửa nghề” cha truyền con nối

Kỹ sư Nguyễn Quốc Hoàn. Ảnh: CTV

Sinh trưởng trong một gia đình mà cả cha và mẹ đều từng công tác tại Sở Truyền tải điện miền Bắc (nay là Công ty Truyền tải điện 1), với anh Nguyễn Quốc Hoàn, gia đình chính là “chiếc nôi” nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão nghề nghiệp.

22 năm trôi qua, nhưng anh Hoàn vẫn nhớ như in cảm giác của những ngày đầu khi mới hăm hở vào nghề. Anh kể: “Lúc ấy, tôi còn non tay, chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý trong công việc. Quãng thời gian đó, tôi đi theo các chú, các anh để học việc. Rồi về nhà, tôi cũng trao đổi với cha mẹ để hiểu thêm về ngành, về nghề. Cứ vừa làm vừa học hỏi".

Sau nhiều năm trải nghiệm, cống hiến hết mình trong công việc, giờ anh Hoàn đã là một kỹ sư lành nghề ở Xưởng sửa chữa thiết bị điện. Bên cạnh công việc chuyên môn, anh trực tiếp quản lý Tổ sửa chữa máy biến áp có 18 anh em kỹ sư, công nhân kỹ thuật. Máy móc, thiết bị ở các trạm biến áp trên 25 tỉnh thành miền Bắc đều do đội của anh phụ trách. Nay đi công tác ở Nho Quan (Hà Tĩnh), mai lại ngược lên vùng núi Thái Nguyên lo sửa chữa thiết bị. Đâu cần đại tu, đâu có trục trặc tại trạm biến áp, anh và đồng nghiệp lại khăn gói đồ nghề, tất bật lên đường.

Trót “yêu”… máy biến áp

Năm nay đã bước sang tuổi 41, nhưng anh Nguyễn Quốc Hoàn vẫn chưa chịu... lập gia đình. Đồng nghiệp thường trêu đùa, anh chưa dứt áo đi lấy vợ là vì quá "nặng tình" với máy biến áp. Tối ngày say mê làm việc bên máy móc, tự tay lắp đặt những chiếc máy mới, rồi lại tự tay bảo trì, sửa chữa, anh Hoàn nắm trong lòng bàn tay đặc điểm của từng máy biến áp tại từng trạm. Máy nào hay “đổ bệnh” trong quá trình vận hành, rồi máy nào đã đến hạn phải tân trang, bảo dưỡng…, anh đều nhớ rõ để chăm sóc “các em” máy biến áp một cách tốt nhất.

Ông Ngô Thế Phong, Xưởng phó - Xưởng sửa chữa thiết bị điện - Công ty Truyền tải điện 1 cho biết: "Anh Hoàn là một cán bộ mẫn cán, nhiệt tình trong công việc. Anh có sự tập trung cao độ khi làm việc, luôn toàn tâm toàn ý cho công tác chuyên môn. Mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó, anh đều nỗ lực hoàn thành với hết khả năng của mình".

Từ sự nhiệt huyết và niềm đam mê trong công việc, những sáng kiến hiệu quả, thiết thực đã ra đời. Năm 2012, anh đã được Công ty Truyền tải điện 1 ghi nhận, khen thưởng vì có sáng kiến: Kê tích, tháo hạ bộ chuyển nấc OLTC để cẩu lắp chuông khi đại tu MBA 220 kV – 125 MVA của Liên Xô cũ.

Thực tế công việc luôn đặt ra những thử thách, và lời giải hiệu quả nhất chính là những sáng kiến. Với cá nhân anh Hoàn, do đặc biệt “cưng” những chiếc máy biến áp Liên Xô cũ, do vậy, anh đặt nhiều tâm huyết vào việc đại tu, sửa chữa loại máy này. Anh cứ tấm tắc khen máy biến áp Liên Xô cũ là loại "nồi đồng cối đá", bền bỉ, vận hành rất “ngoan”. Nhưng tôi thì nghĩ, “của bền tại người”, nhờ có những người thợ điện tận tâm, chịu khó áp dụng sáng kiến vào việc đại tu, bảo dưỡng, thì máy móc mới có thể “30 năm vẫn chạy tốt” như vậy.

Những thành tích của kỹ sư Nguyễn Quốc Hoàn:

  • Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở từ năm 2008 – 2011.
  • Giấy khen của Công ty Truyền tải điện 1, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia : “Có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất”, từ năm 2007 – 2011.
  • Giấy khen của Đảng bộ Công ty Truyền tải điện 1: “Đảng viên hoàn thành suất sắc nhiệm vụ” năm 2012, 2013.
  • Danh hiệu: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giai đoạn 2011 – 2013.

 


  • 03/07/2014 03:02
  • M.Hạnh
  • 2124


Gửi nhận xét