Kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Nhà máy điện Yên Phụ những ngày lịch sử

Cuối năm 1972, đế quốc Mỹ huy động các máy bay cường kích hiện đại nhất lúc đó như F111 (cánh cụp, cánh xòe) rồi đến "át chủ bài" B.52 đánh xối xả vào các nhà máy điện thuộc các tỉnh Hải Phòng, Thái Nguyên, Uông Bí, Thác Bà… Tại Hà Nội, Mỹ đã sử dụng nhiều loại máy bay hiện đại và bom đạn có sức công phá lớn đánh phá Nhà máy điện Yên Phụ.

Trong bối cảnh đó, lực lượng tự vệ, phòng không cũng như toàn thể CBCNV Nhà máy điện Yên Phụ đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án chiến đấu cũng như sửa chữa, khôi phục thiết bị… để hạn chế tối đa thương vong, quyết chiến quyết thắng trên mặt trận sản xuất điện.

Ngày 21/12/1972, trận bom cuối cùng của không quân Mỹ đánh vào Nhà máy điện Yên Phụ gây thiệt hại nặng nề nhất. Chỉ trong nửa ngày, máy bay Mỹ đã 2 lần đánh phá khu vực nhà máy điện và khu tập thể công nhân. Từ mờ sáng, các máy bay B52 đã ném bom rải thảm xuống khu tập thể nhà máy. Hàng trăm ngôi nhà bị đổ sập, nhiều người bị thương vong… Vừa đánh bom xong, các phương tiện truyền thông của giặc vội đưa tin: Đã xóa sổ nhà máy điện. Nhưng trên thực tế, điện vẫn sáng, máy móc vẫn đang vận hành bình thường, chưa có một quả bom nào đánh trúng nhà máy. Tuy nhiên, các máy bay trinh sát điện tử của địch vẫn vào, ra thăm dò mục tiêu “Nhà máy điện” để đánh tiếp.

Lúc 13h08’ cùng ngày, Mỹ đã huy động nhiều tốp máy bay hải quân đánh phá nhà máy điện bằng bom laze. Trên bầu trời, máy bay quần đảo, bom đạn nổ ầm ầm. Máy bay Mỹ đã phóng những chùm bom tia laze xuống nhà máy làm sập toàn bộ gian lò, kéo theo hàng trăm tấn bê tông cốt thép và than đen từ nóc lò đổ xuống… Khói bom, khói đạn quyện với than bụi bốc mùi khét lẹt,… Trong những giờ phút cam go ác liệt đó, ở khu vực sản xuất của Nhà máy, đồng chí Vũ Xuân Hòa và đồng chí Đặng Đức Thọ vẫn kiên cường bám máy, giữ lò… Và 2 đồng chí đã hy sinh anh dũng ngay bên lò hơi…

Biến đau thương thành hành động, lãnh đạo và CBCNV đã đoàn kết, quyết tâm khôi phục đưa nhà máy trở lại hoạt động sớm nhất. Kết quả, 2 ngày sau đó cán bộ, công nhân nhà máy đã đưa được điện lưới về. Một quý sau, nhà máy đã phục hồi và phát điện lên lưới phục vụ sản xuất, chiến đấu.

12 ngày đêm cuối năm 1972, trận “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây cũng là giai đoạn cuối cùng buộc Mỹ phải cân nhắc sớm đi vào ký kết Hiệp định Paris (1973), lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Từ những đổ nát hoang tàn, những người làm điện đã nỗ lực, đồng lòng quyết “làm sống lại” các máy móc thiết bị đã bị đánh phá, nhanh chóng khôi phục nguồn điện tại chỗ, phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của người dân Thủ đô Hà Nội.

Chùm ảnh tư liệu chụp ngày 21/12/1972 của tác giả Trần Nguyên Hợi:

Ống khói lò hơi Nhà máy điện Yên Phụ đã bị bom Mỹ hủy diệt trong trận đánh bằng bom laze trưa ngày 21/12/1972

Đào bới tìm thi hài đồng chí Đặng Đức Thọ bị vùi lấp dưới hàng chục tấn than và ngổn ngang những bê tông cốt thép sập xuống ngày 21/12/1972

Khẩn trương khôi phục lò, máy để nhanh chóng có điện phục vụ sản xuất, chiến đấu đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Bom laze của không lực Hoa Kỳ tàn phá hủy diệt Nhà máy điện Yên Phụ lúc 13h08 phút ngày 21/12/1972


  • 16/12/2022 04:23
  • Trần Nguyên – Thu Giang
  • 2824