Kĩ sư điện và nghề tay trái văn chương

Rất tình cờ, được đọc bài “Con vẫn là con bé bỏng của mẹ” đăng trên báo Tuổi trẻ online, kèm theo là hình minh họa có bố cục rất “đắt”: Một người con trai đạo mạo, sau lưng là gương mặt khắc khổ của người mẹ già với hai hàng nước mắt chảy xuôi, phía xa xa là cột điện cao thế. Khá tò mò, tôi đi tìm tác giả của bài viết này.

Nỗ lực phấn đấu vì lời khuyên của mẹ

Qua  phóng viên Tạp chí Điện lực, tôi biết, tác giả bài viết là Lê Văn Tám, một thời là lính đường dây của Điện lực Trần Văn Thời (Công ty Điện lực Cà Mau). Bây giờ, anh đang làm việc tại Ban Quản lý dự án Lưới điện miền Nam (Tổng công ty Điện lực miền Nam - EVNSPC). 

Sinh ra tại một làng quê nghèo ở Đồng bằng Bắc Bộ, năm 1981, cha mẹ của Lê Văn Tám dắt cả đàn con 10 đứa “Nam tiến” vào tận mũi Cà Mau mưu sinh. Tảo tần khuya sớm, cha mẹ anh làm đủ nghề, nuôi bầy con khôn lớn. Trong trái tim Lê Văn Tám, mẹ là một phụ nữ can trường đưa lũ con băng qua đói ăn và thất học. “Tâm trí tôi không thể nào quên hình ảnh mẹ - một cuộc đời lam lũ, không lẫn với ai được. Khuôn mặt vuông, mái tóc khô dài… Thời trẻ, mẹ thường mặc áo bà ba hoa, quần vải đen ống thùng thình xoăn tít như lò xo”, anh Tám kể.

Năm 1999, Lê Văn Tám có giấy báo nhập học của Trường Trung học Điện II - TP.HCM. Ngày lên Sài Gòn nhập học, mẹ nghẹn ngào trong nước mắt “Thôi con ạ! Ở nhà, năm tới thi sư phạm ở đây cho gần. Mẹ không lo nổi cho con nữa...". Nghe lời mẹ nói, lòng anh như thắt lại. May mắn, chị dâu cả về thăm nhà, cũng là để giúp cho “chú em chồng thứ 8” có tiền đi học. Thế là Tám lên trường với giấc mơ: Học xong, về lại xóm nghèo đi kéo điện thắp sáng cho bà con.

Hai năm học, cứ mỗi khi có cơ hội thực hành trên cao, tiếp xúc với đường dây trên không là anh Tám rất khoái. Tích lũy kiến thức và kĩ năng được đào tạo, sau khi ra trường, Lê Văn Tám được nhận vào làm công nhân quản lý vận hành lưới điện 22kV bậc 2/7 tại Điện lực Trần Văn Thời. 

Đời thợ đường dây miền sông nước Cà Mau cũng có những vui, buồn không thể đong đếm. Ngày ấy, ở huyện Trần Văn Thời, chỉ có điện ở khu trung tâm, còn xóm sâu thì le lói đèn dầu. “Tôi được đi học ngành Điện là niềm vui cho cả xóm. Nhưng, trong một đám cưới, có người đã hỏi mẹ tôi một câu như gièm pha, như trách móc: "Con bà làm Điện lực sao lại để gia đình người ta không có điện trong ngày vui?" Nghe thế, mẹ bỏ dở bữa cơm, lầm lũi ra về”, anh Tám rưng rưng kể về mẹ và những ngày xóm nghèo chưa có điện. 

Rồi nhớ nhất là một lần đi cắt điện do khách hàng không thanh toán tiền điện theo hợp đồng. “Đến nơi, họ cũng cho leo lên trụ để cắt điện. Nhưng rồi họ cầm dao phay và huy động người nhà ra đứng dưới, hỏi: “Chú đi cúp điện có bị chém lần nào chưa?”. Thế là ở trên, tôi ôm cột run bần bật, đợi giải cứu. Sau đó, phải nhờ đến chính quyền địa phương và công tác dân vận, tôi mới tiếp đất an toàn”, anh nói. Rút kinh nghiệm trong quá trình công tác, anh và đồng sự luôn ý thức về công tác tiếp dân, trau dồi nghiệp vụ kinh doanh, giao tiếp khách hàng để không bao giờ lặp lại tình huống tương tự.

Ròng rã 10 năm, từ 2006 đến 2016, anh đã hoàn thành chương trình học tập của 3 trường đại học khác nhau. Anh xác định, học để bù đắp cho sự hy sinh của mẹ - người đã vì anh mà rơi những giọt nước mắt khi gia cảnh khốn khó, bao lần dặn con phấn đấu khi đã trở thành người của ngành Điện. Nỗ lực không ngừng, sau 13 năm làm việc, anh được lãnh đạo cho chuyển về Công ty Điện lực Cà Mau. Bây giờ, anh lại chuyển về Ban Quản lý dự án Lưới điện miền Nam. 

Anh Lê Văn Tám vinh dự được ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN (bên trái) và ông Khuất Quang Mậu - Chủ tịch Công đoàn Điện lực việt Nam trao giải trong Cuộc thi viết về Gương sáng ngành Điện năm 2019

Mảnh ghép Văn Lê Tám

Thế nhưng, người kỹ sư điện ấy lại có “máu” văn chương và niềm đam mê viết. Văn Lê Tám là bút danh của anh khi xuất hiện trên các tạp chí văn học. Năm 2012, anh viết tản văn “Nhớ mùa cấy”, lần đầu tiên được đăng trên báo Cà Mau. Từ đó, anh bắt đầu viết nhiều hơn, từ tản văn đến truyện ngắn. Rồi, anh viết báo với góc nhìn đầy trải nghiệm về con người, công việc của người thợ điện. 

Văn của Văn Lê Tám như người, chân thật và giản dị. Dịp này, anh viết khá đều tay, chủ yếu đăng trên Tạp chí Văn học Sài Gòn. “Lúa đã đỏ đuôi”, “Tay bưu tá học đường”, “Mật ngọt của chà là…” là những truyện ngắn, ghi dấu Văn Lê Tám. Đừng ngạc nhiên, ngoài công việc chuyên môn, Lê Văn Tám còn đang giới thiệu một mảnh ghép khác về mình. Đó là viết lách, như một niềm đam mê bất tận! 

“Tôi viết vào ban đêm, bởi thói quen thức khuya, dậy sớm. Thói quen này được hình thành từ khi bà xã sinh cháu bé đầu, tôi lại phải đi làm xa nhà, nên dậy sớm giặt giũ quần áo, nấu cháo cho con… kết hợp ngồi viết luôn. Còn thức khuya là căn đúng cữ pha sữa, để vợ nghỉ ngơi, những lúc đó tôi cũng tranh thủ viết. Đến cháu bé thứ hai cũng vậy, rồi thành thói quen luôn, mà những lúc đó viết rất nhanh vì yên tĩnh và tập trung”, anh Tám thổ lộ.

Phía sau những trang viết được đăng tải, Lê Văn Tám vẫn là một kỹ sư điện cần mẫn, đam mê với nghề; vẫn là một người đàn ông luôn kề vai sát cánh bên vợ, cùng chia ngọt sẻ bùi như một cách thêm gia vị cho hạnh phúc. 

Sài Gòn, hơn 6 giờ tối, hoặc những ngày cuối tuần tại vòng xoay cầu Rạch Đỉa, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, dòng người qua đường nếu nhìn thấy một người đàn ông đeo kính cận, tóc xoăn, trông rất phong trần, lúc ngồi bơm xe, lúc đứng chặt dừa bán; đừng ngạc nhiên, chính xác đó là Lê Văn Tám! Bởi, với anh, niềm vui lao động hàm chứa cả cảm xúc sáng tác văn chương.

Sài Gòn, từ thứ Hai đến thứ Sáu, quãng đường từ Nhà Bè đến Tân Phú, lại có một kĩ sư điện Lê Văn Tám cần mẫn đến trụ sở của cơ quan Ban Quản lý dự án Lưới điện miền Nam đúng giờ. Và càng gắn bó với ngành Điện, anh càng trân quý bao mối ân tình có được, kể từ khi bước vào nghề đến nay. 


  • 15/07/2020 03:04
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1367