Khi sếp mắc bệnh... 'nghề nghiệp'

Là kế toán hàng chục năm nay, không biết có phải cái nghiệp tính toán, chứng từ đã ăn vào máu hay không mà ngay cả cho đồng nghiệp vay tiền, Tùng cũng viết giấy ghi nợ và hai bên ký vào hẳn hoi.

Đến bây giờ, thi thoảng, mọi người trong phòng vẫn nhớ mãi cái lần sếp Tùng cho Hoài vay tiền. Gọi là sếp bởi Tùng là kế toán trưởng ở công ty và cũng là trưởng phòng của Hoài. Hoài mới lập gia đình, hai vợ chồng đều ở xa về Hà Nội bươn chải kiếm sống nên cũng khá vất vả.

Chán cảnh đi thuê nhà, vừa chật chội lại tốn kém, hai vợ chồng Hoài tích cóp mãi và vay thêm để mua miếng đất ngoại thành Hà Nội, đợi một thời gian có tiền thì xây lên. Chạy vạy khắp nơi vẫn chưa đủ, Hoài hỏi vay cả đồng nghiệp trong phòng. Chẳng hiểu ai nói hay Tùng nghe thông tin ở đâu mà tự nhiên gọi Hoài vào và trực tiếp đề nghị cho Hoài vay tiền: “Em đang định mua đất hả, hai vợ chồng cố gắng mua mà xây nhà riêng. Còn thiếu nhiều không, nếu cần thì anh cho vay 8 triệu, bao giờ có thì trả anh. Mai anh đưa cho nhé”. Đang lúc túng thiếu, chưa biết xoay xở ở đâu nên Hoài cảm ơn rối rít dù lúc đầu cũng hơi bối rối vì dù sao Tùng cũng là sếp của cô.

Đầu giờ chiều hôm sau, trước khi đưa phong bì đủ 8 triệu cho Hoài, Tùng không quên kèm theo tờ giấy vay nợ, ghi đầy đủ họ tên bên vay, bên cho vay, ngày tháng, địa điểm… và cuối cùng là chữ ký của hai bên. Sau một lúc ngớ người, Hoài cũng cầm bút ký tên mình vào. “Chẳng lẽ lại bảo là không vay nữa, với lại mình cũng đang cần tiền thật. Có lẽ tại sếp quen với kiểu xuất tiền là phải có giấy tờ, đề nghị đầy đủ, chỉ có điều làm thế khiến mình không thoải mái lắm”.

Khi mọi người trong phòng biết chuyện, ai cũng buồn cười vì không ai nghĩ kế toán trưởng lại làm sẵn cái giấy cho vay như thế. Người xuề xòa thì bảo rằng, đó là do sếp làm kế toán nhiều năm nên mắc bệnh nghề nghiệp thôi. Kẻ khó tính hơn thì kết luận một câu xanh rờn “ông này bị dở hơi”. Thực sự, Tùng cũng là một vị sếp biết quan tâm đến nhân viên. Dù đôi khi Tùng có nóng nảy, quát mắng nhưng về bản chất, Tùng không đến nỗi nào. Nghĩ vậy, chị Hoài cũng không mấy đắn đo về cái giấy vay nợ nhưng vợ chồng chị vẫn bảo với nhau rằng, cố gắng trả khoản tiền đó sớm cho sếp. Cũng chỉ hai tháng sau, Hoài trả lại khoản tiền đó cho Tùng. Hơi bất ngờ khi thấy Hoài trả tiền sớm thế nhưng có lẽ Tùng cũng chẳng hiểu lý do thực sự cũng chỉ vì cái giấy vay nợ có chữ ký và ghi rõ họ tên của Hoài mà anh đang giữ.

Không được xởi lởi như sếp của Hoài, Sơn - trưởng phòng của Thu khá cầu kỳ và khó tính. Làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhiều năm, chịu trách nhiệm liên hệ, tìm kiếm đối tác, khách hàng trong và ngoài nước và công việc chủ yếu là thường xuyên viết mail, tiếng Anh, tiếng Việt đủ cả. Không biết có phải vì mỗi ngày viết hàng chục cái mail nên lúc nào có bất kỳ việc gì dù lớn hay nhỏ, Sơn cũng không chịu ngồi nghe mọi người nói trực tiếp. Nguyên tắc của Sơn là “có vấn đề gì thì gửi mail trình bày”.

Đúng là nhiều khi, làm việc qua email cũng vô số điều tiện lợi nhưng lắm lúc, nguyên tắc của Sơn khiến nhân viên dở khóc dở cười. Bởi lẽ, nhiều khi chỉ cần báo cáo một vài câu để xin ý kiến sếp về một khách hàng nào đó, đang cần gấp nên cũng muốn trao đổi dăm ba câu với sếp cho nhanh để trả lời khách hàng.

Đằng này, thời gian gửi mail, thưa gửi rồi đợi thư trả lời cũng mất kha khá thời gian, đó là chưa kể trường hợp sếp bận quá nhiều việc mà chưa trả lời kịp. Đó là chưa kể yêu cầu của Sơn, dù gửi mail cho ai cũng phải có đầu có đũa, trình bày rõ ràng, mạch lạc vì theo Sơn “phải tập thói quen như thế để khi gửi mail cho khách hàng thể hiện sự chuyên nghiệp của công ty mình”. Mà viết mail vì những việc nho nhỏ, riêng cái khoản thưa gửi, Thu thấy cũng lằng nhằng lắm rồi.

Bao nhiêu lần Thu mắc trường hợp đó. Không phải lỗi của Thu nhưng khi công việc bị đình trệ, cô lại bị sếp nhắc nhở, “sao không nói với anh sớm hơn” nhưng thực tế, mỗi lần Thu định nói điều gì, bao giờ cũng nhận được câu cửa miệng của sếp “Mail đi em”. Có lần Thu “bật” lại: “Em nói thì anh có nghe đâu, lúc nào cũng bảo em gửi mail còn gì”. Chẳng hiểu có nhận ra một phần lỗi của mình hay không nhưng Sơn vẫn thêm “lần sau, em phải chú ý. Nếu có vấn đề gì phải báo cáo sớm, nếu anh bận thì phải nhắc anh, anh không đến công ty thì có thể email, gọi điện”.

Với nhiều người nhất là các sếp, thói quen nghề nghiệp trở thành bệnh, thành thói quen trong cách ứng xử hằng ngày với mọi người xung quanh. Nhưng đôi khi, bệnh nghề nghiệp đó lại trở thành “chướng ngại vật” khiến nhân viên ái ngại.


  • 02/10/2018 04:50
  • Nguồn: Bưu điện Việt Nam
  • 2164