Khi nhân viên phạm sai lầm

Để mang lại hiệu quả tốt nhất cho công việc, ngoài sự quyết đoán, nhà quản lý cần có những kỹ năng cư xử và phản ứng nhanh với chính đội ngũ nhân viên của mình.

Dưới đây là 5 lời khuyên hữu ích cho các nhà quản lý để giải quyết tình huống khi nhân viên phạm sai lầm:

1. Chỉ ra những khuyết điểm của nhân viên

Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhà quản lý nên xem xét vấn đề cẩn thận và chỉ ra những khuyết điểm mà nhân viên đã vi phạm. Hãy học cách kiểm soát cơn giận và phát ngôn trước nhân viên khi nhà quản lý chưa thực sự tìm hiểu kĩ về những khuyết điểm đó.

Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, nhân viên có thể không nhận ra chính những sai lầm mà họ gây ra. Việc khiển trách qua loa, kiểm điểm hay cam kết sẽ không còn tác dụng khi bản thân nhân viên không biết họ đã làm sai điều gì, ở đâu và như thế nào.

Vì vậy, nhà quản lý cần thảo luận và chỉ ra những sai phạm để các nhân viên có thể tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân.

2. Giải thích về những khuyết điểm

Sau khi chỉ ra những vi phạm mà nhân viên mắc phải, nhà quản lý nên đặc biệt giải thích cho nhân viên hiểu về hậu quả và mức độ nghiêm trọng của những sai phạm đó. Điều này sẽ giúp nhân viên nhìn nhận và đánh giá đúng những khuyết điểm của họ để tránh lặp lại lần sau.

Đặc biệt, việc chỉ ra những khuyết điểm và giải thích không chỉ có ý nghĩa với cá nhân vi phạm mà còn giúp các nhân viên khác có thể hiểu và tránh lặp lại những sai phạm đã xảy ra.

3. Hỗ trợ định hướng và xây dựng những mục tiêu cụ thể

Để khắc phục những vi phạm hiệu quả nhất, nhà quản lý nên đặc biệt hỗ trợ định hướng và xây dựng những kế hoạch, mục tiêu cụ thể cùng các nhân viên. Hãy đề ra những quy trình đúng đắn và chuẩn mực để tạo ra những nguyên tắc cơ bản làm việc cho nhân viên.

Nhà quản lý cũng nên chia sẻ những mong muốn, dự định và mục tiêu đạt được trong những khoảng thời gian cụ thể trước nhân viên. Việc này sẽ giúp nhân viên hiểu họ nên làm gì và tránh những sai phạm ở đâu. Bởi các nhân viên cần có một chỉ dẫn cụ thể và đúng đắn để hoàn thành tốt những công việc được giao.

4. Đừng la hét, trách phạt

Sự tức giận và la hét chỉ khiến nhà quản lý mất bình tĩnh và không đủ thông minh để giải quyết vấn đề. Bởi trong lúc tức giận, thái độ và lời nói của nhà quản lý sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm trạng và suy nghĩ của nhân viên.

Đặc biệt, sự giận dữ sẽ phá vỡ các mối quan hệ thân thiết, niềm tin giữa các nhà quản lý và nhân viên. Vì vậy, thay vì giận dữ, trách mắng, nhà quản lý nên bình tĩnh và xem xét các vi phạm thật cẩn thận để tìm ra hướng giải quyết hiệu quả nhất.

Điều này cũng sẽ giúp nhân viên tâm phục, khẩu phục và có trách nhiệm hơn với những sai phạm của họ. Tuy nhiên, nhà quản lý cũng cần có thái độ nghiêm khắc với những sai phạm của nhân viên để tránh tình trạng lặp lại khuyết điểm nhiều lần.

5. Khen ngợi công khai và khiển trách có phương pháp

Khi các nhân viên đạt thành tích tốt và hoàn thành công việc xuất sắc, các nhà quản lý nên khen ngợi công khai trước mọi người trong công ty. Hành động này không chỉ mang ý nghĩa khích lệ tinh thần làm việc và công hiến của nhân viên mà còn khơi dậy tinh thần cạnh tranh làm việc giữa mọi người.

Tuy nhiên, khi nhân viên mắc lỗi, thay vì la hét, quát mắng trước mặt các nhân viên khác, nhà quản lý nên khiển trách cá nhân tại phòng làm việc riêng. Điều này sẽ giúp nhân viên có cảm giác được tôn trọng và giữ thể diện ngay cả khi mắc lỗi.


  • 21/06/2017 03:58
  • Nguồn bài: Doanh nhân Sài Gòn
  • 2734