Khai thác và kiểm chứng thông tin điện lực: Khó hay dễ?

Đảm bảo tính trung thực, chính xác của thông tin đòi hỏi cả quá trình khai thác và kiểm chứng nghiêm túc và cũng đầy nhọc nhằn của người làm báo. Đặc biệt, đối với một lĩnh vực đặc thù như điện lực, việc khai thác và kiểm chứng thông tin càng không dễ dàng. Liệu báo chí hiện nay đã phản ánh được một cách đầy đủ và chính xác các hoạt động điện lực? Tọa đàm với sự tham gia của một số chuyên gia, nhà báo sẽ giúp độc giả hiểu thêm về vấn đề này.

PV: Qua theo dõi thông tin trên báo chí, ông/bà nhận thấy mức độ quan tâm của báo chí đối với lĩnh vực điện, cụ thể là EVN như thế nào?

Ông Trần Viết Ngãi: Trong nhiều năm qua, trên diễn đàn các phương tiện truyền thông đại chúng, thông tin về lĩnh vực điện nói chung và EVN nói riêng rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, báo chí mới phản ánh một phần, chứ chưa thông tin được toàn diện hoạt động của ngành Điện - một ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, phức tạp...  Đa phần, các cơ quan báo chí thường chỉ quan tâm đến những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống thường ngày như: Giá điện, chất lượng điện năng, thiết bị đo đếm, thị trường điện...

NB Ngọc Loan: Điện luôn là một trong những lĩnh vực “nhạy cảm” nhất của nền kinh tế. Vì vậy, mức độ quan tâm của báo chí đối với ngành Điện, cụ thể là EVN rất lớn. Với sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền, càng ngày dư luận càng thông cảm và chia sẻ nhiều hơn với ngành Điện và EVN. Hình ảnh những người thợ điện đã trở lên gần gũi, thân thuộc hơn với người dân. Tuy vậy, EVN vẫn chưa hoàn toàn tìm được tiếng nói chung với công chúng và sự “quan tâm” của báo chí chủ yếu là để trả lời những câu hỏi dư luận còn băn khoăn.

NB Nguyên Long: Điện là một trong những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, chỉ cần một tác động hoặc một sự kiện nhỏ liên quan đến ngành Điện, đông đảo các cơ quan báo chí, truyền thông và người dân đều rất quan tâm. Và vấn đề được quan tâm nhiều nhất, đó là giá điện, chất lượng điện và công tác chăm sóc, dịch vụ khách hàng….

PV: Theo ông/bà, thông tin báo chí viết về ngành Điện nói chung, EVN nói riêng có chính xác và hấp dẫn?

GS.VS Trần Đình Long: Thông tin về EVN được phản ánh trên rất nhiều phương tiện như, truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử... Cũng như rất nhiều doanh nghiệp, ngành nghề khác, bên cạnh những thông tin tích cực, phản ánh đúng bản chất, vẫn còn thông tin chưa hoàn toàn khách quan hoặc tư liệu mà người viết sử dụng chưa chuẩn. Một trong những nguyên nhân có thể là do “tàn dư” của tư tưởng từ một số khách hàng, đơn vị truyền thông không có “cảm tình” tốt đối với ngành Điện.

Tuy nhiên, những năm gần đây, EVN đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho đt nước và đời sống nhân dân, với chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Vì vậy, tôi thấy những đánh giá tích cực về EVN trên diễn đàn báo chí đã xuất hiện nhiều hơn.

Ông Trần Viết Ngãi: Có thể kể đến một số tờ báo đã phản ánh thông tin khách quan về ngành Điện như: Báo Nhân dân, Hà Nội mới, Lao động, Tuổi trẻ, Tiền phong, Thanh niên... Tuy nhiên, vẫn có một số báo đưa tin chưa chính xác, thậm chí phê phán chưa khách quan, gây bức xúc cho độc giả.

Thực tế, rất nhiều vấn đề của ngành Điện cần được thông tin nhưng báo chí ít đề cập đến. Đó là những khó khăn của EVN trong việc huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình điện... Đó là những vất vả, gian nan của người công nhân, kỹ sư vận hành khi phải làm việc gần như 24/24h, trong môi trường hết sức căng thẳng... Đó là thành tựu về điện khí hóa nông thôn… Những vấn đề này, báo chí cũng có đã đề cập nhưng chưa nhiều, chưa toàn  diện và tương xứng với đóng góp của EVN.

NB Ngọc Loan: Cũng như tất cả các ngành kinh tế khác, thông tin báo chí viết về ngành Điện nói chung, EVN nói riêng được tiếp cận ở nhiều góc độ. Rất nhiều bài viết thú vị, hấp dẫn, trong đó có nhiều bài bình luận, phân tích về những vấn đề dư luận quan tâm như: vì sao tăng giá điện, vai trò của thị trường điện, tương lai phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, vai trò của EVN trong việc thực hiện nhiệm vụ đưa điện về nông thôn… giúp cộng đồng hiểu hơn về người làm điện, thông cảm và chia sẻ những khó khăn của ngành Điện.

Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn một số bài viết về ngành Điện chưa thật chính xác. Sự thiếu chính xác không chỉ trong thuật ngữ, ký hiệu chuyên môn mà cả trong cách lập luận, góc nhìn. Nguyên nhân do người viết chưa có kiến thức đầy đủ về ngành Điện, chưa hiểu rõ vấn đề hoặc nhìn nhận vấn đề một cách chủ quan. Thậm chí, có những bài viết còn theo “phong trào”… Hậu quả là các bài báo đó có thể hướng dư luận theo chiều tiêu cực, khiến người đọc có thể hiểu sai.

NB Nguyên Long: Cùng một vấn đề về điện, mỗi cơ quan báo chí lại có một cách thức truyền tải thông tin khác nhau. Với những cơ quan ngôn luận chính thống, thông tin thường được đăng tải chính xác, khách quan. Nhưng, vẫn có những cơ quan công luận, đặc biệt là báo mạng, trang tin điện tử đưa tin/bài theo hướng giật gân, câu khách.

Một số bài viết không có thông tin, nhưng giật tít mang tính câu view; hay có khi chỉ cần một chi tiết cũng được đẩy lên thành một thông tin “gây sốc” đối với độc giả. Với những bài viết này, thông tin thường thiếu chính xác và khách quan. Có thể, đó là chủ đích của không ít tờ báo để câu view, nhưng cũng có khi do phóng viên chưa đi đến tận cùng của sự việc, hoặc hiểu biết của PV, nhà báo về ngành Điện còn hạn chế...

PV: Là người trực tiếp cầm bút, đã khi nào vì một lý do nào đó, nhà báo đưa thông tin thiếu chính xác?

NB Ngọc Loan: Năm 2010, khi đưa tin về việc lắp đặt thành công rotor tổ máy số 1 Thủy điện Sơn La, tôi sử dụng thông tin trên thông cáo báo chí, đó là “rotor có đường kính 15,589 m”. Tuy nhiên, tấm ảnh rotor tôi chụp tại Nhà máy lại ghi đường kính là “15,587 m”. Sau đó, bạn đọc gọi điện thắc mắc vì sao 2 số liệu "đá” nhau?  Tôi hỏi lại mới biết, số liệu thứ nhất là cách tính đường kính rotor có cả phủ bì, số liệu thứ hai là không tính phủ bì. Mặc dù cả 2 cách đều đúng nhưng đây là bài học về sự cẩn thận của nhà báo khi sử dụng số liệu trong tin, bài.

Điện là lĩnh vực nhạy cảm nên mỗi khi có sự việc liên quan, ngay lập tức trên báo mạng lan truyền thông tin với tốc độ chóng mặt, kèm theo những bình luận đa chiều, trong đó có những ý kiến hết sức tiêu cực nhưng lại được viết một cách sắc sảo, thuyết phục. Đó là yếu tố gây nhiễu rất lớn trong quá trình tác nghiệp để có những bài viết chính xác và khách quan. Khi đó, nhà báo phải xác định rõ quan điểm lập trường của mình, từ đó, chắt lọc, lựa chọn thông tin chính xác; phải tìm cách kiểm tra thông tin từ nhiều nguồn khác nhau (doanh nghiệp, nhà quản lý, đồng nghiệp, chuyên gia...). Những tờ báo chính luận thường có tính định hướng dư luận nên yêu cầu về độ chính xác rất quan trọng.

NB Nguyên Long: Một bài báo hời hợt, sai thông tin... không chỉ ảnh hưởng đến cơ quan báo chí, cả làng báo mà còn ảnh hưởng đến chính danh dự cá nhân nhà báo. Chính vì vậy, trong cuộc đời làm báo của mình, tôi luôn cẩn trọng để cố gắng không bao giờ đưa thông tin thiếu chính xác.

Với mỗi tác phẩm viết về ngành Điện, tôi luôn tìm hiểu sâu, phỏng vấn các chuyên gia trong và ngoài ngành để có được thông tin chính xác, nhiều chiều và thuyết phục nhất. Tôi luôn trăn trở, sợ mình viết chưa đủ, bởi giữa “biển” thông tin muốn phản ánh nhưng thời lượng không cho phép nên buộc phải tìm những chi tiết, thông tin đắt giá nhất, dễ hiểu nhất và có ích nhất đối với thính giả.

PV: Là chuyên gia đã có nhiều năm kinh nghiệm và gắn bó với ngành Điện, theo ông, việc kiểm chứng thông tin có vai trò thế nào trong quá trình tác nghiệp của nhà báo và tạo lập giá trị của mỗi bài báo?

GS.VS Trần Đình Long: Các nhà báo đa phần đều rất thiện chí khi tìm hiểu thông tin về ngành Điện. Đặc biệt, trước mỗi vấn đề “nóng” mà dư luận quan tâm, như: biểu giá điện bậc thang, sự cố đường dây truyền tải 500 kV Bắc – Nam gây mất điện các tỉnh phía Nam, làm sao để thị trường điện thực sự là một sân chơi “minh bạch”… rất nhiều PV, nhà báo đã tham khảo ý kiến tôi. Điều đó cho thấy, họ thực sự có thái độ cầu thị và muốn tìm hiểu rõ bản chất của vấn đề. Theo tôi, đây là việc làm cần thiết và cần phải được thực hiện triệt để, từ đó có những thông tin chính xác chân thực về ngành Điện.

Ông Trần Viết Ngãi: Việc kiểm chứng thông tin là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi nhà báo khi cầm bút. Đó là nghiệp vụ, là đạo đức của người làm báo. Đặc biệt đối với một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù như Điện lực, nếu không có ý kiến của các chuyên gia, những người làm chuyên môn trong lĩnh vực điện thì thông tin được phản ánh đến công chúng sẽ thiếu tính chính xác, thậm chí sai lệch. Điều đó không chỉ làm suy giảm giá trị của bài báo mà còn gây xáo trộn dư luận xã hội.

PV: Bài báo mà chị tâm đắc nhất khi viết về lĩnh vực Điện lực?

NB Ngọc Loan: Tôi ấn tượng nhất là bài viết về chuyến đi khởi động chương trình 30a của EVN tại Lai Châu. Chuyến đi đúng vào mùa mưa bão, nên chặng đường từ Hà Nội đi Lai Châu, đoàn xe bị ách lại tại huyện Tam Đường vì núi lở. Trong đêm tối, đoàn người phải bò qua đống đất đá lẫn cây cối lổn nhổn, dưới chân là dòng sông cuồn cuộn nước lũ, chỉ cần một chút sơ sảy là trượt chân. Qua bên kia núi, trên đường về thị xã Lai Châu, thỉnh thoảng đá vẫn rơi trên nóc xe nhưng đoàn xe chở “cánh” nhà báo chúng tôi vẫn chạy băng băng vì lái xe giải thích, biết núi lở chỗ nào mà tránh. Lãnh đạo EVN cũng gọi điện liên tục hỏi thăm tình hình vì lo lắng. Hôm sau vào bản, xe bị “treo bụng” vì đường sống trâu quá cao. Mọi người phải "tăng bo" bằng xe máy để vào trường học. Không thể kể hết nỗi xót xa của mọi người khi thấy học sinh quá thiếu thốn, khổ sở. Thế mà, khi nghe giới thiệu về Chương trình 30a sẽ được EVN tài trợ, cả thày trò mắt đều sáng lên, làm chúng tôi cũng vui lây… Sau khi đăng bài báo, rất nhiều đồng nghiệp, người quen đã gọi điện chia sẻ, thậm chí có người còn "ghen tỵ": chỉ có nhà báo theo dõi ngành Điện mới có được những chuyến đi “nhớ đời” như thế.

NB Nguyên Long: Loạt bài Điện cho phát triển kinh tế biển đảo: Nguồn nào, giá nào? là một trong những tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất, tuy loạt bài này chỉ lọt vào Chung kết Giải báo chí quốc gia năm 2013. Không chỉ có quá trình thực tế hơn 10 năm tìm hiểu về điện nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo... mà khi thực hiện bài viết, tôi còn thường xuyên trao đổi với những người có trách nhiệm trong quản lý, chuyên gia và ngành Điện như: Cục Điều tiết điện lực, Tổng cục Năng lượng, Hiệp hội Năng lượng, Hội Điện lực, EVN...

Khi Chính phủ quyết định đưa giá điện biển đảo đồng nhất với giá bán trên đất liền (ngày 1/6/2014), ông Trương Cộng Hòa - nguyên Phó Ban Thời sự VOV đã nói với tôi rằng: “Chúc mừng nhà báo Nguyên Long, tuy bạn không được đứng trên bục vinh quang nhận giải báo chí quốc gia nhưng bạn đã góp phần đưa giá điện biển đảo đồng nhất với giá bán trên đất liền”. Có thể nói, đây là một hạnh phúc, là niềm tự hào trong cuộc đời làm báo, dù rằng bài viết của mình cũng chỉ là góp thêm một tiếng nói nhỏ trong quyết sách của Đảng và Nhà nước...


  • 29/07/2016 11:12
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 2353