“Học, học nữa, học mãi”...

“Học, học nữa, học mãi, sai đâu sửa đó, vấp ở đâu thì làm lại ở đó, học tất cả các lĩnh vực, có như vậy mới làm tốt được công việc của mình”. Đó là phương châm làm việc của bà Ngô Thị Phương Khanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Điện lực Hà Nội (1991 - 1999), tiền thân là Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội ngày nay - Người phụ nữ gắn bó cả cuộc đời với ngành Điện.

Sinh năm 1944 tại vùng quê “bánh tẻ” Văn Giang, Hưng Yên, năm 17 tuổi, bà theo học tại Trường Trung cấp Kỹ thuật 1. Ba năm sau ra trường, bà về làm việc tại Nhà máy Điện phân đạm Hà Bắc. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Nhà máy phải tháo thiết bị sơ tán, thu gọn sản xuất và sắp xếp lại lực lượng lao động.

Cô công nhân Ngô Thị Phương Khanh được Ban lãnh đạo cử sang Trung Quốc học 3 năm. Tuy nhiên vào thời điểm đó, em trai của bà tham gia bộ đội, thương mẹ già neo đơn một mình nên bà quyết định trở về quê hương để phụ giúp gia đình, ít năm sau đó, bà lên Hà Nội tìm việc.

Âu cũng là duyên số, bà được nhận công tác tại Sở Điện lực Hà Nội (trước gọi là Sở Quản lý Phân phối điện Khu vực I) và được phân công làm việc tại Phân xưởng Thí nghiệm. Từ đây, Sở Điện lực Hà Nội là nơi đã gắn bó cuộc đời bà trong suốt hơn 30 năm, từ một người công nhân đến quản đốc và trở thành Lãnh đạo chủ chốt của ngành Điện Thủ đô cho đến ngày nghỉ hưu.

Bà Ngô Thị Phương Khanh

Trưởng thành từ công nhân…

Những ngày đầu bắt tay vào công việc, có lẽ là những ngày khó khăn nhất với bà Khanh khi phải làm quen trong môi trường mới, công việc mới cùng với những chiếc máy móc khô khan, lý thuyết học được thì rất khác xa với thực tế, bà hầu như phải học lại từ đầu, học bất cứ mọi lúc, mọi nơi.

Thời gian qua đi, 18 năm gắn bó với công việc nặng nhọc, vất vả vốn chỉ dành cho những người “sức dài, vai rộng”, nhưng người con gái “chân yếu, tay mềm” như bà lại luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cũng có lúc bà tưởng mình không vượt qua được những thách thức, khó khăn của cuộc sống, vì vừa phải thay chồng (bộ đội) “một nách nuôi 2 con”, cùng với những ngày làm việc căng thẳng, những đêm túc trực kiểm tra và quản trị thiết bị vận hành, đảm bảo an toàn, giải quyết sự cố gấp rút, nhưng bà vẫn dành thời gian và cả “chắt bóp” trong chi tiêu để theo học đại học, thiếu thốn mọi bề, nhưng với bản lĩnh và ý chí “vượt lên số phận”, bà Khanh đã không một phút giây lơ là trách nhiệm, làm hết sức mình, trở thành người cán bộ tận tâm với công việc, chu toàn nhiệm vụ của người mẹ, người vợ đảm đang.

Từ một công nhân, bà đã tự khẳng định được uy tín của mình, được cơ quan cất nhắc lên làm Tổ trưởng, Kỹ thuật viên, rồi Đội phó. Đến năm 1982, nhờ hội đủ các yếu tố của người cán bộ quản lý, bà được đề bạt làm Quản đốc Phân xưởng Máy biến thế. Tất cả đều đến với bà Khanh như một lẽ tự nhiên bởi công sức và sự cố gắng của bà được bù đắp xứng đáng.

“Học, học nữa, học mãi”…

Bà Khanh luôn tâm niệm và nhắc nhở bản thân mình phải luôn luôn học hỏi, không ngừng trau dồi kiến thức cho mình và trên tất cả, bằng nghị lực, tâm thế vững vàng, để vượt qua những trở ngại, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Còn nhớ, năm 1984, khi ngành Điện bắt đầu chuyển từ bao cấp sang chế độ hạch toán kinh doanh, Ban Lãnh đạo Sở đã bổ nhiệm bà là Trưởng phòng Kinh doanh. Khó ở chỗ, bà chỉ có kinh nghiệm chuyên môn 18 năm chuyên làm về kỹ thuật, còn kinh doanh thì bà “bó tay”. Bà có làm được việc không? là câu hỏi nghi ngờ của rất nhiều người và cũng là nỗi lo lắng của chính bà lúc đó.

Thời gian đầu khi mới chuyển sang công việc mới, bà đã vấp phải không ít trở ngại, vừa phải học, vừa phải quản lý một phòng kinh doanh đông tới 104 người, già có, trẻ có, lại nhiều người có nghiệp vụ, kinh nghiệm lâu năm, phải va chạm, dung hòa biết bao nhiêu mối quan hệ. Nhiều người còn nghĩ bà không đủ năng lực để đảm nhiệm được công việc này, cũng có không ít lời dèm pha, gây khó.

Nhưng bằng sự quyết tâm và nỗ lực của mình, người phụ nữ đã ở cái tuổi tứ tuần, nay lại phải rẽ lối sang một hành trình mới, tiếp tục chinh phục “cái chữ”  để tìm hiểu về kinh doanh, xem cái tài khoản thế nào, báo cáo, công nợ, hóa đơn, sổ sách ra sao? May mắn thay, bà được tạo điều kiện giúp việc cho Phó Giám đốc kinh doanh một thời gian để tiếp cận và làm quen dần, cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình của những  đồng nghiệp tâm huyết, kinh nghiệm, ý thức cầu thị, thái độ chân tình, chưa biết thì bà hỏi, không ngại hỏi cả cấp dưới của mình, vừa học vừa làm, sai đâu sửa đó, ngoài giờ làm, bà còn dành thời gian hàng tối bên ánh đèn, soi từng con chữ, tính toán cộng trừ nhân chia từng con số…

Để rồi, sau một thời gian, với hiệu quả kinh doanh đạt được rõ rệt, khi mọi người đều nhận ra lòng yêu nghề, tinh thần học hỏi, sự tân tụy, hết mình vì công việc của bà thì mọi sự đố kỵ, ganh ghét dần được thế chỗ cho sự đồng tình, ủng hộ, tin tưởng và nể phục. Bà không hề trách cứ một ai mà cho rằng, đó chỉ là vì họ chưa hiểu mình. Đến tận bây giờ, nhiều lúcnghĩ lại, bà cũng  hông hiểu sao mình có thể vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn, thách thức lớn như vậy?

… Trở thành nữ Phó Giám đốc tận tụy

Sau một thời gian quản lý, điều hành, công việc của Phòng Kinh doanh tiến triển tốt, đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần đưa công tác sản xuất kinh doanh điện năng vào nền nếp, khó khăn từ đây giảm dần và thuận lợi cũng đến một cách tự nhiên.

Năm 1991, với những nỗ lực của bản thân đã được ghi nhận, được cấp trên và mọi người tin tưởng, bà Ngô Thị Phương Khanh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Điện lực Hà Nội. Thời của bà, việc một người phụ nữ được đề bạt lên chức Phó Giám đốc có thể nói là khá “hiếm” thấy,  nhất là trong ngành Điện, vì vậy,  trọng trách đặt lên vai bà cũng không phải nhẹ nhàng.

Thời  điểm bà nhận chức, giá điện bắt đầu được hạch toán theo quy định của Nhà nước, cộng thêm tình trạng lưới điện cũ nát, người dân đang quen dùng điện bao cấp, cần là dùng, không phải trả tiền hoặc trả rất thấp. Vì vậy, khi giá điện tăng, tình trạng ăn cắp điện xảy ra liên miên ở khắp các chi nhánh, gây tổn thất  điện năng rất lớn. Chỉ tiêu tổn thất điện năng của Hà Nội trung bình khoảng 20%, có thời điểm lên tới trên 30 - 40%, kết quả kinh doanh vì đó mà bị ảnh hưởng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, trong khi đó, nội bộ cơ quan lại có biểu hiện thiếu trách nhiệm, quản lý không chặt chẽ, để thất thoát chứng từ, sổ sách, gây thiệt hại kinh tế,… kinh doanh không hiệu quả.

Bà cùng Ban Giám đốc và tất cả lãnh đạo các phòng ban, chi nhánh phải làm việc ngày đêm, tập trung mọi sức lực  để giải quyết “khủng hoảng” này. Những việc mà bà đề xuất, triển khai được Ban Lãnh đạo ủng hộ, đó là phải tập trung “chống thù trong, diệt giặc ngoài”. Vừa thực hiện chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra chống thất thoát điện, mất cắp công tơ, xác định những khu vực bị tổn thất lớn để khắc phục; Thực hiện rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý xây dựng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhằm từng bước nâng cấp và cải thiện hệ thống lưới điện, tăng cường công tác quản lý kiểm soát tài chính, sổ sách, hóa đơn, công tác thu tiền điện, nhập vào, xuất ra không để bị thất thoát.

Trong đó, việc chống tổn thất là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, bởi nếu không thì Hà Nội sẽ là một trong hai thành phố lớn ở miền Bắc bị “vỡ trận” do nạn lấy cắp điện hoành hành. Bà đã cùng với Lãnh đạo Sở, các Phòng ban, Chi nhánh phải ngày  đêm bám  địa bàn, phối hợp với các tổ dân phố tăng cường tuyên truyền vận động, thuyết phục và đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện tình trạng câu móc điện, xử lý dứt điểm các trường hợp lấy cắp điện.

Nhờ vào cuộc chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và kịp thời của bà Khanh và ban Lãnh đạo Sở, chỉ số tổn thất điện năng ngày càng giảm, năm sau giảm hơn so với năm trước, kết quả kinh doanh dần được cải thiện và ngày càng tăng trưởng khá.

Không chỉ hết lòng vì công việc, bà còn là người luôn chăm lo đến đời sống tinh thần cho người lao động, đặt quyền lợi của CBCNV lên hàng đầu, bằng việc gắn hiệu quả lao động với các chế độ về tiền lương, tiền thưởng; hàng năm, tổ chức các chuyến cho cán bộ, nhân viên đi tham quan, du lịch…

Ngoài công việc của Phó Giám đốc, nhiều năm, bà còn đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban nữ công, tham gia Ban Thường vụ Công đoàn Sở Điện lực Hà Nội, kiêm Trưởng ban Nữ công Công  đoàn Điện - Than Việt Nam; Ủy viên BCH Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội; tham gia một khóa Hội đồng nhân dân Thành phố… Với những đóng góp tích cực trong suốt hơn 30 năm vì sự nghiệp phát triển ngành Điện Thủ đô và các hoạt động xã hội, bà đã nhận được rất nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương của các Bộ, ngành, Thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam...

Đến giờ, khi được hỏi điều gì làm cho bà tự hào nhất trong thời gian hơn 30 năm công tác ở Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, bà Ngô Thị Phương Khanh chỉ cười khiêm tốn và cho rằng, lớp phụ nữ ngành Điện thời bấy giờ, thì ai cũng đều xông xáo, nhiệt tình học hỏi, dám nghĩ, dám làm, luôn hết mình vì công việc, bà không dám tự hào mà chỉ cảm thấy hài lòng, thanh thản với những việc mình đã làm và không có điều gì phải nuối tiếc.

Có một điều, bà rất vui khi các con của mình đều xem mẹ là một tấm gương để học tập và nỗ lực cống hiến. Hiện tại, được thấy con cái của bà thành đạt, cháu con đề huề là lúc bà và người bạn đời của mình dành cho nhau những giây phút nghỉ ngơi bình lặng, cùng nhau đi bộ, cùng nhau về quê trồng cây, thả cá, ngắm cảnh bình yên - một hạnh phúc viên mãn không gì đẹp hơn!


  • 22/08/2016 04:26
  • Nguồn bài và ảnh: Ấn phẩm Phụ nữ ngành Điện - Tạp chí Công Thương
  • 2594