Giám đốc Điện lực An Nhơn: Hát mãi khúc quân hành

Tôi gặp anh Trần Nghiêm Bằng - Giám đốc Điện lực An Nhơn (thuộc Công ty Điện lực Bình Định) vào thời điểm anh chuẩn bị tham dự Hội nghị tổng kết 5 năm Phong trào lao động sáng tạo do Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định tổ chức. Câu chuyện về anh để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc và gợi liên tưởng về nét đẹp văn hóa người thợ điện Việt Nam.

Giám đốc Trần Nghiêm Bằng

Tốt nghiệp kỹ sư hệ thống điện tại Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng miền Nam, Trần Nghiêm Bằng về nhận công tác theo đúng chuyên ngành học kỹ thuật điện tại Ty Công nghiệp Nghĩa Bình. Nhưng không thỏa mãn việc “làm điện” bằng quy hoạch trên giấy, trong lúc quê hương đang “đói điện” nên chàng sinh viên mới ra trường quyết đầu quân hẳn sang ngành Điện với nhiệm vụ quản lý, vận hành Trạm điện Diesel Trà Ổ - huyện Phù Mỹ. Nhà máy điện Diesel Trà Ổ công suất chưa đến 3 MW nằm ở đoạn giữa "vùng lõm" điện của tỉnh Bình Định.

Từng giọt dầu diesel, từng kWh điện hồi đó quý lắm, đòi hỏi sự nghiêm ngặt trong công tác quản lý vận hành. Anh gương mẫu, ý thức cao trong vận hành, cẩn trọng, trách nhiệm, không để xảy ra sự cố, đảm bảo cung ứng điện  theo phương thức “4 có - 3 không” cho địa phương.

Khi được giao nhiệm vụ đột xuất tham gia giám sát thi công đường dây 500 kV, hoàn cảnh gia đình anh lúc đó rất khó khăn, vợ anh đang mang bầu con thứ 2 sắp sinh, nhưng anh vẫn quyết tâm lên đường nhận nhiệm vụ với khí phách của một người lính ra trận, trải nghiệm và hy sinh.

Hôm nhận quyết định điều động, anh an ủi vợ : “Anh biết hoàn cảnh của em ở nhà vô vàn khó khăn, nhưng anh tin em sẽ vượt qua được!”. Trong giờ phút chia tay hôm ấy, anh đã khẽ hát tặng vợ bài: “Khi đường dây 500 của Tổ quốc cần … chúng mình biết sống xa nhau…”. Không ngờ câu hát ấy cứ theo anh suốt chiều dài đường dây như một hành khúc, tự động viên mình hoàn thành nhiệm vụ.

Từ vị trí thi công móng trụ ở độ cao 102 m lưng chừng triền dốc, anh cùng đồng đội bám dây thừng, băng qua suối trở về lán trại tại một buôn làng người dân tộc M’Nông. Đây là “Bộ chỉ huy tiền phương”, kho dã chiến tập kết vật tư công trường xây dựng đường dây 500 kV phân đoạn Đăklăk - Đà Nẵng. Hoàng hôn nhuộm đỏ rực phía Tây làm nổi lên hàng cột điện sừng sững trên bầu trời - như xác nhận tiến độ thi công từng ngày của đội quân 500 kV.

Về đến lán trại, nét mặt anh như rạng rỡ hẳn lên khi nhận được thư của con gái: “Ba kính mến! Xin báo cho ba một tin vui, má đã sinh em bé được một tuần rồi, có bà ngoại lên giúp đỡ. Má đặt tên em bé là Ngọc Thanh, đúng như ý của ba. Con gái Ngọc Dung của ba thì vẫn học giỏi và ngoan, ba yên tâm công tác, giữ gìn sức khỏe và sớm về với gia đình ba nhé - Hôn ba.”

Có thể nói, cường độ lao động và gian khổ trên công trường “ruồi vàng, bọ chó, gió Đrăklây” này không "làm khó" được anh em thi công, nhưng đôi khi lòng họ vẫn "trùng xuống" với nỗi nhớ nhà da diết không ngủ được...

12 tháng sau, Trần Nghiêm Bằng trở về với tấm bằng khen của Tổng công ty Điện lực Việt Nam: “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia xây dựng đường dây 500 kV” và nhận nhiệm vụ công tác mới - Điều độ viên Sở Điện lực Bình Định, vẫn xa nhà gần 30 km. Sau đó là nhiệm vụ trưởng Chi nhánh điện Bồng Sơn, xa nhà đến 80 km .

Đây là giai đoạn thể hiện năng lực quản lý kinh doanh điện năng của Trần Nghiêm Bằng rõ nhất. Thời điểm ấy, Bình Định đang đón điện lưới quốc gia và phong trào làm điện ở nông thôn đang rộ. Chi nhánh điện Bồng Sơn có nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh điện năng trên địa bàn 4 huyện phía Bắc tỉnh gồm: Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ và huyện miền núi An Lão. Để triển khai nhiệm vụ cung ứng điện năng và xây dựng lưới điện trên một địa bàn rộng và phức tạp, cả miền núi, đồng bằng trung du và ven biển, cần một “tư lệnh” có bản lĩnh vững vàng, chuyên môn giỏi và ý chí tiến công.

Trần Nghiêm Bằng nhận nhiệm vụ mới theo yêu cầu đó. Đặc trưng trong phong cách “lính thợ 500 kV” của Trần Nghiêm Bằng là không khuất phục bất cứ khó khăn nào, dân chủ trong bàn bạc công việc, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ và quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất của CBCNV, tạo ra sự gắn bó, đoàn kết trong đơn vị. Anh luôn gần gũi, động viên và giúp đỡ từng hoàn cảnh cụ thể của CBCNV. “Làm hết mình - chơi hết cỡ”, tạo điều kiện tốt nhất cho các đoàn thể công đoàn, đoàn thanh niên phối hợp hoạt động.

Cái “được” sau 4 năm gieo hạt, công tác ở Chi nhánh điện Bồng Sơn, mà 4 huyện phía Bắc tỉnh Bình Định được hưởng là trên 92% các  xã đã có điện lưới quốc gia. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh điện năng đều đạt và vượt so với kế hoạch giao hằng năm. Trong đó chỉ tiêu tổn thất điện năng từ 2 con số giảm xuống còn 1 con số, 9%, rồi 7,2%. Chi nhánh điện Bồng Sơn trở thành đơn vị dẫn đầu thi đua trong 6 Chi nhánh điện của Điện lực Bình Định lúc bấy giờ và đạt danh hiêu tập thể lao động xuất sắc 4 năm liền.

Theo yêu cầu quản lý và sự phát triển nhanh của phụ tải, Chi nhánh điện Bồng Sơn được tách ra năm 2007, thành lập thêm Chi nhánh điện Phù Mỹ (nay là Điện lực Phù Mỹ), Trần Nghiêm Bằng được bổ nhiệm Chi nhánh trưởng Phù Mỹ và khoảng cách công tác cách nhà chỉ còn gần 50 cây số. Là 1 đơn vị mới thành lập, nhưng Điện lực Phù Mỹ đã nhanh chóng chiếm được những đỉnh cao thi đua trong các chỉ tiêu KTKT cung ứng điện năng, đưa Điện lực Phù Mỹ liên tiếp đạt giải nhất trong phong trào thi đua hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm toàn Công ty Điện lực Bình Định và đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc 3 năm liền. Tại Điện lực Phù Mỹ, Trần Nghiêm Bằng liên tiếp nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và đến năm 2010 là Chiến sĩ thi đua cấp Bộ... Người đảng viên xuất sắc này được bầu vào  Ban chấp hành - Đảng bộ Công ty Điện lực Bình Định.

Có thể nói, phong cách lãnh đạo chuyên môn của Trần Nghiêm Bằng đã trở thành “hiện tượng” trong toàn Công ty Điện lực Bình Định, bởi sự sáng tạo không ngừng trong chỉ đạo, quản lý. Anh luôn có “chủ trương mới”, mang lại hiệu quả cao trong công tác và hướng về lợi ích của người lao động: Tất cả tổ trưởng sản xuất trong đơn vị được trang bị điện thoại di động, tất cả CBCNV được nhận thiệp và quà nhân ngày sinh nhật, con em CBCNV được khen thưởng về kết quả học tập khá giỏi hằng năm và các giải năng khiếu, CBCNV đạt thành tích cao được đề xuất đi tham quan nước ngoài…

Hiện tượng ấy, phong cách lãnh đạo ấy lại được phát huy tốt tại Điện lực An Nhơn trong phong trào xây dựng Văn hóa EVN, khi anh về nhận công tác tại đây từ năm 2011 - thời điểm huyện An Nhơn được nâng cấp lên Thị xã. Chỉ sau một thời gian ngắn bố trí lại đội hình công tác, bộ mặt của Điện lực An Nhơn như được khởi sắc: Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, kinh doanh điện năng trên địa bàn được thực hiện một cách bài bản. Các phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật nở rộ tại đây và hiệu quả rõ nét nhất là chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng đã xuống dưới 5%. Chiến công đầu của Trần Nghiêm Bằng là phối hợp với các ngành chức năng phát hiện những vụ lấy cắp điện tinh vi trên địa bàn, có vụ lên đến trên 500.000 kWh. Điện lực An Nhơn đã vươn lên đạt giải Nhất thi đua toàn Công ty Điện lực Bình Định năm 2011; giải Nhất toàn đoàn Hội thao CNVC năm 2012, Đội bóng đá Điện lực An Nhơn đã giành lại cúp vô địch sau 10 năm thất thủ. Phong trào thực thi văn hóa EVN được thể hiện từ việc chỉnh trang trụ sở làm việc, đồng phục, nơi giao tiếp khách hàng văn minh lịch sự, trạm điện an toàn, xanh, sạch, đẹp...


  • 03/05/2012 09:09
  • Văn Thuận
  • 4203


Gửi nhận xét