Gia đình hạnh phúc là nền tảng của mọi thành công

Gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, lối sống; chi phối hành vi, sự thành - bại trong cuộc đời của mỗi con người. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, phóng viên trang web evn.com.vn đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý Nguyễn Quỳnh Nga – Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và phát triển con người Nhật Minh, về vai trò của gia đình trong sự thành công của mỗi người.

PV: Có câu “đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ”, hiểu rộng ra, đằng sau sự thành công của mỗi con người đó là gia đình. Khi xã hội ngày càng phát triển, bình đẳng giới được thực hiện nghiêm túc, rất có thể đằng sau người phụ nữ thành đạt là một người đàn ông. Ảnh hưởng của gia đình tới sự thành - bại của hai giới có sự khác biệt không, thưa bà?

Bà Nguyễn Quỳnh Nga

Bà Nguyễn Quỳnh Nga: Hầu như không có sự khác biệt, ít nhất là trong xã hội hiện đại, khi mà sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới gần như là cân bằng. Người phụ nữ ngoài áp lực về công việc, họ còn phải chịu những áp lực trong việc nuôi dạy và chăm sóc con cái, vun vén gia đình. Nếu người phụ nữ không có một gia đình hạnh phúc ổn định, tâm lý của họ sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo hiệu suất công việc thấp, giảm sự đóng góp cho xã hội.

Còn với người đàn ông, họ giao du nhiều, quan hệ rộng, có thể có nhiều mối quan tâm, thậm chí có quan hệ tình cảm ngoài luồng, nhưng không có nghĩa là gia đình với họ không quan trọng. Đàn ông tưởng là phái mạnh thì trong mọi trường hợp họ đều mạnh mẽ, thực tế không phải vậy, sức chịu đựng của đàn ông kém hơn phụ nữ, những hệ lụy của hôn nhân như gia đình không hạnh phúc, không được đáp ứng đủ về tâm sinh lý, ly thân, ly hôn đều ảnh hưởng lớn đến đời sống sức khỏe, công việc của họ…

PV: Vậy ảnh hưởng của gia đình tới sự thành công của một ông sếp có khác  so với một nhân viên bình thường không, thưa bà?

Bà Nguyễn Quỳnh Nga: Theo tôi, không có sự khác biệt lớn, bởi sự ảnh hưởng của gia đình với người lao động ở đây thường xét về góc độ tâm lý. Từ sự thỏa mãn tâm lý giúp cho người lao động có một đời sống tinh thần khỏe mạnh, giúp tăng nhiệt huyết, yêu cuộc sống, yêu con người, yêu công việc, là động lực giúp họ làm việc hăng say, hiệu quả, cống hiến hết mình. Một người lãnh đạo, ngoài những mối quan hệ xã hội, những lý luận cao siêu, những đòi hỏi cấp thiết trong công việc, họ cũng có những mối lo đời thường về gia đình, con cái, cũng có mối quan hệ vợ chồng, cũng chịu chi phối về tâm, sinh lý giống như một người lao động bình thường, địa vị thấp hơn họ.

Tuy nhiên, người lãnh đạo, chính trị gia, người có địa vị cao thường phải chịu áp lực lớn hơn, vì thế nếu có sự đổ vỡ về gia đình, không thỏa mãn về tâm sinh lý, họ dễ bị tổn thương và khó vượt qua hơn. Áp lực về công việc, cuộc sống càng cao, họ càng cần một gia đình hạnh phúc làm chỗ dựa tinh thần vững chắc, giúp họ đủ mạnh mẽ, nghị lực, lý trí vượt qua khó khăn, cám dỗ để cán đích thành công.

PV: Đánh giá của bà về vai trò của gia đình với công việc và sự nghiệp của CBCNV ngành Điện?

Bà Nguyễn Quỳnh Nga: Nhìn ở góc độ tâm lý, như tôi đã nói, những tác nhân, hệ lụy từ gia đình không loại trừ một ai, không phân biệt người lao động cấp thấp hay cao, trong ngành nghề nào, họ đều có những cung bậc tình cảm như nhau nên sẽ chịu sự chi phối về tâm, sinh lý như nhau.

Tuy nhiên, nhìn về góc độ công việc, chuyên môn, ngành Điện là một ngành kinh doanh chuyên biệt, lao động nặng nhọc, để phát triển sự nghiệp hay làm tốt mọi yêu cầu công việc trong ngành Điện, đòi hỏi người lao động phải rất nỗ lực. Áp lực lớn, thời gian dành cho công việc nhiều thì thời gian dành cho gia đình sẽ ít đi, hoặc khó có thể đáp ứng yêu cầu như vợ (chồng) con cái họ mong muốn. Lúc này cần đòi hỏi sự chia sẻ, cảm thông rất lớn từ gia đình. Nếu có tiếng nói chung, có sự động viên từ gia đình, họ sẽ có thêm động lực để thành công, để cống hiến.

Đã là gia đình, cần có sự tôn trọng, chia sẻ, cùng có ý thức, trách nhiệm gánh vác, xây dựng và phát triển hạnh phúc gia đình. Một con người mẫu mực, có trách nhiệm trong gia đình, cũng sẽ là một người lao động chân chính, có tay nghề, có đạo đức, và ngược lại.

PV: Xin cảm ơn bà !


  • 21/06/2012 10:10
  • Minh Hạnh
  • 5249


Gửi nhận xét