“Em sẽ về bằng đường khác”

Câu chuyện về liệt sỹ Phạm Văn Dung, tự vệ Chi nhánh điện Nam Định như tái hiện quá khứ oanh liệt một thời chiến đấu bảo vệ dòng điện quê hương trong những năm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt...

Chúng tôi đi Nam Định vào một ngày trời mưa xối xả. Trong không khí mát mẻ, trong lành, ông Đặng Phúc Thùy  và ông Trần Quang Tá - cán bộ lão thành Công ty Điện lực Nam Định, bạn học, đồng nghiệp của liệt sỹ Phạm Văn Dung - tự vệ Chi nhánh Điện Nam Định, Sở Quản lý phân phối Điện khu vực 3 (Sở QLPP điện 3) đã kể cho chúng tôi nghe những “câu chuyện cổ tích” vô cùng xúc động thời chống Mỹ cứu nước.

Thư sinh, dí dỏm và rất…nguyên tắc

Nhớ về ký ức một thời đã làm cho người đàn ông năm nay đã ngoài thất thập như được trở lại những ngày tuổi trẻ, khi ông cùng Phạm Văn Dung còn là bạn học cùng trường Trung cấp Cơ điện Nam Định. “Anh Dung sinh năm 1950, dáng cao gầy, nước da trắng, mái tóc đen cắt ngắn, gương mặt hiền lành và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi. Tôi còn nhớ, trong các anh em cùng học khóa II Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định khi ấy, anh Dung là người có dáng vẻ thư sinh nhất. Năm 1969, sau khi ra trường, chúng tôi cùng vào làm việc trong ngành Điện, là công nhân sửa chữa vận hành Trạm Diesel Cầu Giành”. Nhìn ra phía cửa sổ, ông Đặng Phúc Thùy hồi tưởng lại hình ảnh người đồng nghiệp đã mãi ra đi.

“Quãng thời gian chúng tôi bước chân vào ngành Điện cũng chính là giai đoạn giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai (năm 1969 -1972). Máy bay Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc, hòng chặn đứng chi viện của hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam. Đây là giai đoạn chiến tranh khốc liệt, CBCNV và lực lượng tự vệ Điện lực ngày ấy vừa phải kiên cường bám trụ, giữ cho nguồn điện lưới quốc gia luôn tỏa sáng, đồng thời phải xây dựng các nguồn điện dã chiến cơ động trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn điện khu vực khi lưới điện quốc gia bị đánh phá” - ông Đặng Phúc Thùy kể lại và cho biết thêm: “Đặc biệt, do nằm ở vị trí quan trọng, gần cầu, gần tuyến đường sắt, gần bệnh viện, lại ở thế “phơi mình” cho máy bay Mỹ bắn phá, nên Trạm phát điện Diesel Cầu Giành (nằm trên quốc lộ 10, cách thành phố Nam Định 6 km) là mục tiêu bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Có những ngày giặc đánh bom đến vài lần, anh em công nhân mặt mũi, tay chân, quần áo đều nhem nhuốc, dầu mỡ, vừa ăn vừa chạy máy bay. Thế nhưng, chỉ vừa ngớt tiếng bom, chúng tôi lại tiếp tục công việc, như không có chuyện gì xảy ra. Khi ấy, những câu chuyện tiếu lâm dí dỏm, tiếng hát khe khẽ của Phạm Văn Dung lại cất lên hòa cùng tiếng búa, tiếng va đập của cờ lê, mỏ lết…làm chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Anh Dung ít nói, nhưng nói câu nào là làm cho mọi người vui cười sảng khoái đến chảy cả nước mắt. Nhờ đó, khí thế lao động, sẵn sàng chiến đấu trong đơn vị càng thêm sục sôi, không còn sợ gì hết!”.

Luôn biết cách động viên anh em, lại chu đáo và cẩn trọng, nên ngay từ khi lực lượng tự vệ Chi nhánh điện Nam Định được thành lập với 03 tiểu đội, ông Dung được lãnh đạo tin tưởng phân công là Tiểu đội trưởng Đội tự vệ Trạm Diesel Cầu Giành. Trong hồi ức của cán bộ lão thành Trần Quang Tá - nguyên Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định, lúc ấy còn là một thợ điện trẻ, thành viên trong đội tự vệ của Chi nhánh điện Nam Định, người tiểu đội trưởng trẻ tuổi Phạm Văn Dung được ông trìu mến gọi với cái tên “Dung nguyên tắc”.

Ông Tá cho hay: “Thời chiến, trạm điện không được bảo vệ như hiện nay, anh em sửa chữa vận hành phải thay nhau túc trực ở cổng nhà máy làm nhiệm vụ cảnh giới phòng không và kiểm soát các người ra, vào trạm. Vốn rất nhiệt tình, nên Tiểu đội trưởng Phạm Văn Dung xung phong làm luôn cả nhiệm vụ này. Phạm Văn Dung là người rất nguyên tắc, ngay cả tôi là đàn anh học khóa trên cùng Trường Trung cấp cơ điện Nam Định, ngày nào cũng ra, vào trạm, vậy mà mỗi lần tới cổng, chú ấy đều yêu cầu xuất trình giấy tờ. Chỉ khi kiểm tra thấy giấy tờ đã đầy đủ, chú ấy mới gãi đầu cười tươi: “Anh thông cảm, em bị “cái tật” cứ phải đúng nguyên tắc mới được.” Vừa kể, ông Tá vừa xúc động, ngập ngừng đôi chút, nhìn vào khoảng không xa xăm phía trước, ông mỉm cười bổ sung: “Nụ cười của cậu ấy luôn rất tươi và thân thiện”.

Lời chào cuối cùng…

Cổng Trạm Diesel Cầu Giành có một hầm trú ẩn cá nhân chỉ rộng chừng 3 m2, đủ cho một người chui vừa. Đó là ngôi nhà nhỏ thân thiết của Tiểu đội trưởng Phạm Văn Dung. Vì chưa có gia đình, lại lo anh em bám máy, bám lò vất vả, không có thời gian thay ca trực cho mình, nên có khi cả tuần, Tiểu đội trưởng Dung tình nguyện “sinh hoạt” tại nhà bảo vệ 24/24h. Hễ có máy bay địch xuất hiện là ông Dung nhanh chóng bấm chuông báo động rồi hô hào mọi người xuống hầm trú ẩn, còn mình bao giờ cũng là người xuống cuối cùng.

“Nhiều lần anh em bảo ông Dung ở lại hầm trú ẩn trong nhà máy, nhưng ông nhất quyết không nghe, chỉ vội vàng giải thích: Tôi phải về hầm cá nhân, ở đấy còn biết địch quay lại lúc nào mà cảnh giới phòng không!” Biết tính bạn nguyên tắc nên chúng tôi chẳng ai dám “gàn” nữa” – Ông Đặng Phúc Thùy tâm sự và cho biết thêm: “Những ngày tháng 06 đầy nắng lửa của năm 1972 cũng vậy -  “sống bám lò, bám máy, chết kiên cường dũng cảm” đã trở thành khẩu hiệu trong sản xuất và chiến đấu của Tiểu đội trưởng Phạm Văn Dung và công nhân sửa chữa vận hành Trạm Diesel Cầu Giành”.

Sáng 01/06/1972, anh em vào ca lúc 7h30 đã thấy Tiểu đội trưởng Dung vẫy tay chào tạm biệt chị gái ở cổng Trạm “Tối nay em sẽ về bằng đường khác chị nhé!”. Chiến tranh là vậy, khi bom đạn rải khắp nơi, sáng tuyến đường gần nhà vẫn còn nguyên vẹn, chiều đã đổ nát hoang tàn do bom Mỹ oanh tạc, nên việc sáng đi một đường, chiều phải về đường khác không còn là điều gì lạ lẫm. “Tôi không ngờ câu chào của Dung hôm ấy lại là lần cuối cùng tôi được nghe tiếng bạn.” – Trầm ngâm nhớ về ký ức của hơn 40 năm trước, ông Đặng Phúc Thùy xúc động kể lại: “15h00 chiều cùng ngày, tại Trạm phát điện Diesel Cầu Giành, máy bay Mỹ bất ngờ bắn phá dữ dội. Hôm đó, chúng ném nhiều bom bi, súng bắn bốn phía sáng lòa. Từng tốp máy bay Mỹ lao xuống cắt bom, bắn rốc két như đàn muỗi đói thấy hơi người. Một quả bom rơi trúng kho nhiên liệu, xăng dầu bốc cháy ngùn ngụt, còi báo động vang lên inh ỏi khắp nơi. Với tinh thần dũng cảm, không sợ hy sinh, lực lượng tự vệ và CBCNV của Trạm đã lao vào dập lửa ngay dưới làn bom đạn. Tiểu đội trưởng Phạm Văn Dung khi ấy rất bình tĩnh, vừa chỉ huy đồng đội, vừa tự tay xúc cát dập lửa. Bất thình lình bom nổ hất Tiểu đội trưởng Dung văng ra xa, rơi xuống gần bể dầu của Trạm phát điện, chỉ cách hầm trú ẩn vài bước chân. Tối hôm ấy, Phạm Văn Dung trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của đồng đội” – Câu chuyện phải dừng lại bởi sự xúc động trào dâng, những giọt nước mắt tuôn trào trên gương mặt ông Thùy.

Đã hơn 40 năm kể từ ngày ấy, những người còn sống sót sau trận bom ác liệt ngày 1/6/1972 đã lấy ngày giỗ của Tiểu đội trưởng Phạm Văn Dung là ngày họp mặt hàng năm của cán bộ, công nhân Đội sửa chữa vận hành Trạm điện Diesel Cầu Giành. Mỗi lần gặp mặt, họ vẫn thoải mái, tự nhiên, gọi nhau bằng  mày - tao, cười nói, vỗ vai nhau như hồi còn trẻ. Những gương mặt đã hằn lên những nếp nhăn qua năm tháng, nhưng tình đồng đội và lòng yêu nghề thì vẫn vẹn nguyên như thủa ban đầu . Tuy câu chuyện về liệt sỹ Tiểu đội trưởng Phạm Văn Dung vẫn chưa đủ để chúng tôi có thể hình dung hết sự khắc nghiệt, tàn bạo của cuộc chiến tranh, nhưng những người trẻ như chúng tôi, được sinh ra và lớn lên trong thời bình, cũng có thể hình dung được về tình yêu nghề của những người thợ điện Việt Nam luôn coi “dòng điện như dòng máu cơ thể mình”.

Liệt sỹ Phạm Văn Dung:

- Sinh năm: 1950.

- Tốt nghiệp Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định: năm 1966 -1968.

- Vào làm việc trong ngành Điện: Năm 1969.

- Là công nhân bảo vệ Trạm phát điện Diesel Cầu Giành, Chi nhánh điện Nam Định, Sở QLPP Điện 3 (nay là Công ty Điện lực Nam Định).

- Hy sinh: Ngày 01/06/1972.

 


  • 25/07/2022 09:42
  • Nguồn sách: Tim có thể ngừng đập, điện không thể tắt
  • 670