EVN đẩy mạnh mô hình đào tạo trực tuyến

Theo báo cáo của Hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến Dobeco, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng ứng dụng công nghệ đào tạo trực tuyến (E-learning) cao hàng đầu khu vực châu Á, chiếm tỷ lệ 40%. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ứng dụng E-learning từ tháng 11/2018 và bước đầu xây dựng thói quen tự học của CBCNV mọi lúc, mọi nơi.

Mô hình chức năng hệ thống E-learning tại EVN.

Tiêu chuẩn xây dựng E-learning tại EVN

Đặc thù của ngành Điện là ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Nếu tổ chức đào tạo theo phương thức truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn về thời gian, chi phí và kết quả làm việc của người được cử đi học. Do vậy, sử dụng E-learning là lựa chọn hợp lý cho quá trình chuẩn hóa đào tạo của EVN.

Thông qua E-learning, Ban lãnh đạo EVN sẽ nắm được bức tranh toàn cảnh về đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, xác định được mức độ ROI (tỷ lệ hoàn vốn trong đầu tư, được dùng để đánh giá kết quả đào tạo nhân viên) cho việc đầu tư đào tạo hiệu quả.

Với bộ phận quản lý và các phòng, ban chức năng, E-learning giúp quản lý trình độ, nội dung đào tạo của nhân viên, từ đó xác định và phân công công việc hợp lý; còn với nhân viên, khi muốn nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc sẽ xác định được nội dung học, kiến thức chuyên ngành cần bổ sung... Điều này giúp họ chủ động sắp xếp thời gian học mà không làm ảnh hưởng tới công việc hàng ngày.

Theo bà Phan Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng ban Tổ chức và Nhân sự EVN, để áp dụng đào tạo trực tuyến một cách hiệu quả, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chú trọng 3 vấn đề gồm: hệ thống công nghệ, nội dung và phương thức vận hành. Trong đó, hệ thống công nghệ (LMS) cần đủ mạnh, đáp ứng được quá trình quản lý tài liệu học và người sử dụng. Ngoài ra, hệ thống cần xây dựng các báo cáo đặc thù cùng khả năng trao đổi thông tin với các hệ thống quản lý khác.

Nội dung đào tạo được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau như: nội bộ, các trung tâm đào tạo, đơn vị nước ngoài. Hình thức đào tạo cũng có sự lựa chọn khác nhau như: khóa học VOD (video on demand - được ghi hình), realtime (học theo thời gian thực), blended và flipped learning (học theo hình thức kết hợp hoặc đảo ngược), các khóa học offline… Các khóa học cần đảm bảo tiêu chí đào tạo và hiệu quả chung theo tiêu chuẩn E-learning.

Cụ thể, những khóa học có nhiều lý thuyết (nghiệp vụ, kỹ năng mềm, kiến thức ngành, các quy định, quy chế); các khóa kỹ thuật cơ bản; ngoại ngữ… sử dụng hình thức đào tạo trực tuyến (online); những khóa học thiên về làm việc nhóm, khích lệ tinh thần tập thể, tương tác cảm xúc… sử dụng hình thức đào tạo trực tiếp (offline). Một số khóa học sẽ kết hợp cả 2 hình thức online và offline để tăng hiệu quả đào tạo.

Bước đầu xây dựng văn hóa tự học tập

Tính đến hết năm 2020, trên hệ thống E-learning đã có 281.972 bài học hoàn thành (chiếm khoảng 94% tổng số lượt truy cập) tương đương với hơn 30% số lượt học của toàn EVN mỗi năm.

EVN bắt đầu triển khai hình thức đào tạo trực tuyến E-Learning từ tháng 11/2018 và bước đầu đã xây dựng thói quen tự học tập cho CBCNV mọi lúc, mọi nơi. Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh là đơn vị có số lượt hoàn thành các bài học cao nhất với 112.704 lượt, chiếm gần 40% tổng số lượt học.

Anh Mai Ngọc Dũng, chuyên viên Ban Truyền thông, Tổng công ty Điện lực miền Bắc chia sẻ: “Tôi vô cùng hứng thú với phương pháp đào tạo này. Bởi bản thân có thể tiết kiệm chi phí đi lại, có thể linh hoạt sắp xếp lịch đào tạo, lựa chọn học tập những khi có thời gian rảnh và đặc biệt, nhiều bài giảng về các kiến thức chung của ngành khá hấp dẫn, rành mạch, khiến tôi có thể áp dụng hiệu quả những kiến thức đó vào công việc”.

Trong năm 2020, Tập đoàn cũng đã triển khai các đợt học và thi về Khung năng lực trong EVN với hình thức đào tạo trực tuyến trên phần mềm E-learning và đã thu được những hiệu quả rất đáng ghi nhận, với 377.097 lượt học và thi trong chưa tới 01 tháng triển khai (từ 10/4-05/5/2020). Trong giai đoạn tới, EVN sẽ tiếp tục chuẩn hóa hệ thống tài liệu đào tạo, ngân hàng câu hỏi, đề thi, đưa toàn bộ những tài liệu trên E-learning để CBCNV thuận tiện trong việc tự học, ôn tập.

Cũng theo bà Phan Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng ban Tổ chức và Nhân sự EVN: Giai đoạn 2016 - 2020, công nghệ thông tin đã, đang và sẽ được ứng dụng rộng rãi trong việc đào tạo và tổ chức thi tại các đơn vị thành viên trong toàn Tập đoàn, góp phần tiết giảm chi phí và bước đầu thay đổi văn hóa học tập của người lao động. EVN đặt ra mục tiêu, mỗi CBCNV được đào tạo tập trung tối thiểu 1 lần/năm và tự học tập trên hệ thống E-learning tối thiểu 10 lần/năm; toàn bộ các đơn vị tổ chức phần thi lý thuyết an toàn, thi giữ bậc, thi nâng bậc thông qua E-learning.  

Với sự phát triển không ngừng của giáo dục trực tuyến trong thời đại công nghệ số như hiện nay, chắc chắn rằng, E-learning sẽ mang lại nhiều lợi ích không những cho EVN nói chung và mỗi CBCNV Tập đoàn nói riêng, góp phần vào việc thúc đẩy doanh nghiệp tiến đến doanh nghiệp số trong lĩnh vực quản lý đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân viên.

Mục tiêu tổng quát dự kiến trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực của EVN giai đoạn 2021 - 2025:

- CHUẨN HOÁ: Chuẩn hoá năng lực để xây dựng nền tảng nâng cao trình độ nguồn nhân lực của Tập đoàn, tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao để hoàn thành tốt các nhiệm vụ SXKD của EVN giai đoạn 2021 - 2025;

- SỐ HOÁ: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong đào tạo, xây dựng môi trường học tập hiện đại để hỗ trợ thúc đẩy văn hóa học hỏi chủ động trong toàn Tập đoàn; Xây dựng văn hoá học hỏi chủ động của người lao động hướng đến tự học tập và phát triển năng lực cá nhân;

- HIỆN THỰC HOÁ: Xây dựng hệ thống tài sản tri thức hữu hình, từng bước phổ biến kiến thức chuyên gia thành kiến thức phổ thông nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.


  • 17/05/2021 03:56
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý & Hội nhập.
  • 2834