Đừng sợ khi thấy sếp trên “phây”!

Có rất nhiều lý do để bạn ngại kết bạn với sếp trên facebook hay bất kỳ mạng xã hội nào khác, ví như: Sợ lỡ mồm làm sếp phật lòng, sợ những lời than thở bị sếp đọc được, sợ những lần vô tình chê bai sếp bị lộ… Thế nhưng, đôi khi làm bạn với sếp trên “phây” cũng có cái hay.

Hoảng khi thấy sếp gửi “lời mời kết bạn”

Chị Thanh Nhàn - nhân viên ngân hàng A tại quận 1, TP.HCM - không giấu được vẻ bẽn lẽn khi nhớ lại lần thấy “lời mời kết bạn” từ tài khoản facebook của giám đốc. Giám đốc của chị vốn nổi tiếng là người “sát phạt” nhân viên không chùn tay, chị lại là người nhát gan nên khi nhận được lời mời kết bạn trên facebook của sếp, chị đã mất ăn mất ngủ 3 ngày liền.

Chị Nhàn nhớ lại: “Tôi chỉ lo mình viết gì không hay trên facebook bị sếp phát hiện, hoặc sếp muốn theo dõi tôi nên mới kết bạn với mình. Sau 3 ngày suy nghĩ, tôi vẫn chưa dám nhận lời mà “treo” mãi lời mời cũng không xong. Tôi đi tâm sự với một đồng nghiệp thân thiết thì mới vỡ lẽ, mọi người đã kết bạn với sếp từ lâu. Tôi thở phào, chấp nhận lời mời”.

Vốn là người hay đem chuyện cơ quan lên facebook than thở, nhận xét người này, đá xéo người kia, anh Trần Sang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng mất ăn mất ngủ khi nhận được “lời mời kết bạn” của lãnh đạo Công ty. Anh Sang bộc bạch: Tôi biết tính tôi hay nói, lại ngứa mồm kiểu chọc ngoáy nên để không mất lòng, tôi hạn chế kết bạn với người trong công ty. Số lượng bạn bè trên facebook của tôi cũng khá ít. Vậy mà sếp vẫn biết facebook của tôi để “gửi lời mời”.

Theo anh Sang, không thể bỏ qua lời mời kết bạn của sếp được nên anh đã đồng ý. “Nhưng trước khi đồng ý, tôi chuyển toàn bộ những câu chuyện tiếu lâm, hài châm biếm, đả kích sang chế độ “chỉ riêng mình tôi” hoặc xóa hẳn. Cẩn tắc vô áy náy. Tôi cũng rút kinh nghiệm cho mình, lớn rồi nên biết tiết chế”, anh Sang chia sẻ.

Bữa ăn cải thiện vì sếp chơi… facebook!

Không né tránh và sợ hãi khi có một người bạn trên facebook là giám đốc, nhóm công nhân của chị Mỹ Lan (đang làm việc tại KCN Tân Bình) lại thấy rất mừng vì biết sếp của mình tham gia facebook, dù hoạt động không tích cực.

“Tháng này, bữa ăn của công nhân Công ty vừa được tăng lên 3.000 đồng/suất so với trước. Đây chính là kết quả của việc sếp theo dõi thông tin trên facebook công nhân. Tụi em biết điều này vì trong cuộc họp đầu tuần, sếp có phát biểu một câu là thấy anh chị em than phiền nhiều về bữa ăn trên mạng xã hội nên cho kiểm tra lại. Nghe sếp nói vậy, anh chị em công nhân vỗ tay rần rần”.

“Tôi nghĩ sếp trăm công ngàn việc, không thể theo dõi hết được facebook của chúng tôi nhưng chắc sếp có “thư ký facebook riêng” - chị Lan và đồng nghiệp của mình phỏng đoán. Và để những ý kiến của công nhân có chất lượng và được sếp lắng nghe, nhóm các chị có những nguyên tắc nhất định: Chỉ trình bày những vấn đề chính đáng, không than thở, không nói xấu, đả kích nhau. “Xem sếp như bạn thì dễ nói chuyện hơn nhiều”, chị Lan mỉm cười.


  • 08/05/2017 10:27
  • Nguồn bài: laodong.com.vn
  • 2198