"Dự tiệc, liên hoan cố gắng có mặt đầy đủ" - một góc khác của văn hóa doanh nghiệp

Khi đọc bài “Thực thi văn hóa doanh nghiệp: Dự tiệc, liên hoan cố gắng có mặt đầy đủ” của tác giả Minh Nguyên đăng trên Trang tin điện tử của Tổng công ty Điện lực miền Trung EVNCPC ngày 31/10/2014 (http://www.cpc.vn/Home/Ttuc_Detail.aspx?pm=ttuc&sj=TDIEM&id=13537#.VGxI7me8rFw), có điều gì đó khiến tôi băn khoăn và phải đọc đi đọc lại...

Tôi rất cảm thông với nỗi lòng anh Trần Công Minh - Phó chánh văn phòng Tổng công ty Điện lực miền Trung khi anh bộc bạch rằng: "... Đôi khi nhìn khách đến thưa quá mà sốt cả ruột. Cứ thỉnh thoảng mình phải chạy ra cổng nhà hàng để... ngóng thử có anh em nào đến nữa không cho bữa tiệc thêm rôm rả. Những tình huống như vậy, không khí chung đã không vui và lại lãng phí. Theo thành phần tham dự, văn phòng đã đặt suất cả rồi, nhà hàng cũng đã chuẩn bị, phía mình không dự đủ cũng phải thanh toán như thế, lại càng xót hơn...".

Vâng, “lãng phí” chính là “đối thủ” mà văn hóa doanh nghiệp hướng đến để tránh và quyết liệt tránh. Đồng ý với bạn Minh Nguyên rằng tổ chức tiệc, bữa cơm thân mật sau hội nghị, hội thảo đúng với mục đích mà bạn đề cập cũng là thực thi VHDN và mọi người hưởng ứng đến dự đông đủ càng làm tô đậm thêm nét văn hóa đó.

Nhưng thử nhìn ở một góc khác: Nhu cầu của người được mời. “Mời” có nghĩa là không phải bị “triệu tập”, người ta có quyền từ chối đến hoặc không đến. Có 1001 lý do chính đáng để người được mời không dự buổi tiệc: Thăm bà con, người thân, dự sinh nhật bạn bè, phải về kịp tàu, xe đã đặt khứ hồi, phải chuẩn bị buổi họp ngày mai, chưa kể lý do sức khỏe, ăn kiêng... Tôi nghĩ không trách họ được.

Bạn Minh Nguyên dùng cụm từ “cố gắng đến dự” ở đây cũng hàm chứa kêu gọi sự tự nguyện của người được mời, nên cố gắng thu xếp việc riêng để góp phần cho cuộc vui chung. Nhưng điều đó cũng phi thực tế nếu họ có những việc quan trọng hơn.

Như vậy, ở một góc nhìn văn hóa khác trong trường hợp chống lãng phí này là gì?: Tôn trọng sự lựa chọn của đối tác được mời, bằng cách xem xét nhu cầu thực tế, cần thiết có một bữa liên hoan sau hội nghị hay không? Động thái tiếp theo là đăng ký tham dự: Tham dự cơm thân mật, tham dự buổi tham quan dã ngoại, có đăng ký khách sạn không? Ở bao nhiêu người? Có lái xe không?… Các giấy mời hội nghị hiện nay thi thoảng đều có mục này ở một góc nhỏ.

Đấy mới chính là văn hóa doanh nghiệp trên mặt trận chống lãng phí. Thực thi nét văn hóa này đòi hỏi người tổ chức tăng cường trách nhiệm, sâu sát, nhạy bén, tránh lãng phí.

Ở một khía cạnh nào đó, lãng phí còn tệ hơn cả tham ô. Khối lượng tài sản trong tham ô còn có cơ hội thu hồi lại được. Nhưng lãng phí thì không thể. Xã hội có thể chống tham nhũng một cách trực diện và có thể đi đến triệt tiêu (theo lý thuyết), nhưng chống lãng phí sẽ còn dài dài vì nó có mặt ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Ngành Điện chúng ta phát động tiết kiệm điện, hay nói một cách khác là chống lãng phí điện đấy thôi. Đây là một nét văn hóa đang lan tỏa từ ngành Điện đến cộng đồng xã hội hiện nay.

Cám ơn bạn Minh Nguyên đã nêu lên một đề tài thú vị và tôi cũng xin góp thêm một vài ý tưởng cá nhân, tất cả cũng chỉ để góp phần xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp hiệu quả.                                                                                                   


  • 19/11/2014 02:33
  • Văn Thuận
  • 1465


Gửi nhận xét