Độc đáo phong tục đầu năm trên thế giới

Mỗi quốc gia đều đón năm mới theo cách riêng của mình, vì thế phong tục đầu năm theo đó cũng vô cùng đa dạng, giàu màu sắc, đa tầng ý nghĩa. Nhân dịp Xuân mới, xin được giới thiệu một số phong tục đầu năm đặc sắc và khác biệt.

Oshogatsu ở Nhật Bản

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc nhưng Nhật Bản là một trong số ít những quốc gia Đông Á không đón năm mới theo Âm lịch. Ngược lại, người Nhật hiện đại đón năm mới theo Dương lịch, còn gọi là Oshogatsu.

Vào ngày 28/12, người Nhật bắt đầu trưng loại bánh gạo kagami mochi trong nhà. Bánh gạo kagami mochi bao gồm 2 chiếc bánh gạo (mochi) được xếp chồng lên nhau, phía trên để một quả quất, mang ý nghĩa may mắn, mang lại điềm lành.

Ngày 29/12 theo quan niệm của người Nhật là một ngày xấu, vì số 9 đọc là ku, đồng âm với từ đau khổ. Vì vậy, vào ngày này, bánh kagami mochi sẽ được đem đi giã nát với ý nghĩa đánh bại sự đau khổ, sau đó nặn thành những chiếc bánh mochi nhỏ hơn. Những chiếc bánh này sẽ được ăn vào ngày 1/1 của năm mới.

Bên cạnh chiếc bánh gạo mochi, ở Nhật Bản, người dân sẽ để một vật trang trí bằng ống tre, gọi là kadomatsu. Kadomatsu được làm từ gỗ thông và ống tre. Người Nhật sẽ trưng kadomatsu ở trước cửa nhà từ sau Giáng sinh đến hết ngày 7/1. Người ta tin rằng đây sẽ là nơi trú ngụ của linh hồn Kami, một vị thần trong Thần đạo Nhật Bản, chuyên cai quản mùa màng, nông vụ.

Ngày lễ Seollal của người Hàn Quốc. 

Seollal của người Hàn Quốc

Tết hay còn được gọi là Seollal là ngày lễ quan trọng nhất theo truyền thống ở đất nước Hàn Quốc. Mặc dù cũng đón mừng năm mới vào ngày 1/1 hàng năm, nhưng tết truyền thống ở quê hương Hanbok được kéo dài trong 3 ngày tính từ ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.

Cũng giống như Việt Nam, trong ngày đầu năm, người Hàn Quốc cũng làm cơm, thắp hương khấn mời tổ tiên về dự năm mới (gọi là lễ Chesa). Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cháu bái lạy ông bà, cha mẹ với ý nghĩa chúc mừng năm mới và chúc may mắn.

Ông bà, cha mẹ khi nhận lễ từ con cháu sẽ thưởng tiền, vàng hoặc ngọc tùy thuộc vào độ tuổi và điều kiện kinh tế của gia đình. Vào ngày đầu năm mới, trong mâm cơm 20 món của người dân xứ sở Kimchi luôn có món ttok-kuk (một loại mỳ với nước dùng từ bò và gà) và món canh bánh gạo tteokguk để cầu mong một năm mới nhiều may mắn và thành công.

Đốt “ông năm cũ” ở Colombia

Đốt “Ngài năm cũ” (Mr. Old Year) là phong tục truyền thống của người dân Colombia trong dịp năm mới. Nghi lễ này đòi hỏi sự tham gia của toàn thể gia đình. Đây là việc làm rất vui, mọi người thường làm một con búp bê nam đại diện cho năm cũ. Sau đó, họ nhồi búp bê bằng nhiều vật liệu khác nhau. Đôi lúc, họ cho vào đó pháo hoa để khi đốt trông đẹp hơn.

Ngoài ra, mọi người thường cùng nhồi búp bê bằng những thứ họ không muốn dùng nữa, các vật đem lại đau buồn hay gợi sự không vui. Tất cả sẽ được thiêu rụi cùng với năm cũ, đồng nghĩa với việc họ muốn quên đi những điều không mong muốn đã xảy ra. Thông thường, con búp bê sẽ mặc quần áo cũ của các thành viên trong gia đình.

Vào đêm Giao thừa, người Colombia sẽ đốt con búp bê. Hành động này biểu trưng cho việc thiêu rụi những gì không mong muốn trong quá khứ và tất cả sẵn sàng đón nhận năm mới vui vẻ.

Tục “rót chì” của người Đức

Cũng như nhiều quốc gia ở châu Âu, người Đức đón năm mới vào đêm cuối cuối cùng của năm cũ theo Dương lịch. Ở Đức, đêm giao thừa, mỗi nhà thường bày lên trên bàn tiệc một chiếc đĩa có đựng 12 củ hành, các củ hành được khoét những lỗ nhỏ và rắc muối vào. Mỗi củ hành được đặt tên cho mỗi tháng trong năm.

Ở Đức có phong tục trong đêm giáng sinh, đàn ông tụ tập với nhau uống rượu chơi bài cho đến nửa đêm. Khi sắp đến 12h, mọi người đứng lên bàn hoặc lên ghế, cùng với tiếng chuông vang lên, từng người nhảy xuống, họ gọi là “nhảy vào năm mới”, rồi ném cây gậy, bày tỏ phá cái cũ, đón cái mới. Vào thời khắc giao thừa, mọi người cùng nhau đổ về các quảng trường để ngắm những màn pháo hoa rực rỡ.

Khi chuông đồng hồ điểm những tiếng đầu tiên báo hiệu năm mới mọi người sẽ nói với nhau những lời chúc tốt lành. Sau đó họ trở về nhà và quây quần bên nhau trên một bàn tiệc thịnh soạn gồm nhiều món ăn. Mặc dù tiết kiệm là một trong những nét tính cách đặc trưng của người Đức, song trong bữa ăn đầu tiên của năm mới họ vẫn để lại một phần các món trên bàn tiệc, đồng nghĩa với mong muốn năm mới sẽ đầy đủ và no ấm.

Người Đức có một phong tục rất đặc biệt để đón năm mới là tục lệ “rót chì”. Mỗi người sẽ rót một môi chì đã được nung chảy vào bát nước lạnh. Theo quan niệm của người Đức, hình thù được tạo thành trong bát sẽ quyết định vận may của người rót trong năm mới. Nếu khối chì chụm lại thành hình trái bóng tròn tức là tượng trưng cho may mắn, nếu nó tạo thành hình mỏ neo nghĩa là sẽ cần sự giúp đỡ của người khác. Nếu khối chì tạo thành hình chữ nhật, đó là tượng trưng cho sự chết chóc.

“Bước chân đầu tiên” của người Anh

Được mệnh danh là “Đất nước mặt trời không bao giờ lặn” người dân trên khắp nước Anh có những phong tục đón năm mới hết sức đặc sắc và độc đáo. Gần giống như tục lệ xông nhà của người Việt Nam, người Anh có tục lệ “Bước chân đầu tiên”. Người này sẽ phải lẳng lặng bước vào nhà từ cửa chính, lẳng lặng rót một cốc Whiskey hay rượu vang đổ lên đầu chủ nhà. Sau đó mới được chúc mừng năm mới các thành viên trong gia đình.

Sau khi chúc mừng năm mới, vị khách xông nhà sẽ phải ra về bằng cửa sau và không được gây ra nhiều tiếng động lớn. Những người tóc đỏ, tóc vàng sẽ không được chọn là người xông nhà cho năm mới. Sáng đầu tiên của năm mới, các em bé sẽ đi tới các nhà hàng xóm xung quanh và hát những bài hát chúc mừng. Các em bé sẽ được lì xì bằng tiền xu, bánh nướng nhân thịt băm hoặc bánh táo, nước ngọt… Trong các bữa tiệc mừng năm mới, người Anh thường tặng nhau những cành tầm gửi nhỏ biểu trưng cho sự thịnh vượng và may mắn để chúc nhau thành công.


  • 08/02/2016 05:00
  • Nguồn bài và ảnh: Công luận
  • 1620


Gửi nhận xét