Doanh nhân Việt Nam và giấc mơ hóa Rồng

"Giấc mơ hóa Rồng" là bức tranh sống động mô tả nền kinh tế Việt Nam trong 25 năm đổi mới và mở cửa, được chắt lọc lại từ hàng trăm bài báo phân tích, bình luận sâu sắc của chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn.

Đặc biệt trong đó là những nhận định của tác giả về bước chuyển mình của giới doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và bàn về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên biển lớn.

Cần thắng trên sân nhà

Theo tác giả, bước vào sân chơi hội nhập, doanh nhân Việt cần nhận thức đầy đủ rằng các lá chắn bảo vệ mà Nhà nước đã dựng lên cho mình từ trước đến nay sẽ không còn, đặc biệt khi các rào cản thuế quan và hạn ngạch bị dỡ bỏ, buộc sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với sản phẩm ngoại tại thị trường trong nước. Đôi cánh gà mẹ sẽ thu lại, không còn che chở cho đàn gà con, và chúng phải chạy ra vườn tự mình tranh giành miếng ăn với những chú gà mạnh mẽ khác.

Chúng ta nói nhiều đến vấn đề thương hiệu, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm tốt và ổn định mới là căn cơ của thương hiệu. Đó còn là trách nhiệm và cam kết lâu dài giữa doanh nghiệp Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam trong việc tôn trọng lợi ích của người tiêu dùng. Khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” sẽ mãi mãi là một sáo ngữ vô dụng nếu doanh nghiệp Việt không tạo được sự tín nhiệm bền vững của người tiêu dùng Việt Nam đối với sản phẩm của mình.

Do đó, thắng được trên sân nhà là bài học hết sức quan trọng và không hề dễ dàng.

Dù không thể phủ nhận thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn non trẻ, "yếu" cả về vốn liếng, công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật lẫn kỹ năng quản trị, nhưng ngay từ đầu, họ đã nhập cuộc với tư cách là người lính trẻ chiến đấu cho sự tự chủ kinh tế Việt Nam. Họ đã là những viên gạch xây dựng nền móng kinh tế Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới. Họ phải đương đầu với sóng gió quyết liệt của cạnh tranh nước ngoài trong quá trình nước ta hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.

Và để tồn tại, họ cần được tạo điều kiện để hội nhập vào các ngành công nghiệp trong nước, vào nền kinh tế đất nước. Cũng như người nông dân, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có được ý chí cạnh tranh và năng lực cạnh tranh khi họ biết rằng họ không chiến đấu đơn độc mà có Nhà nước và cộng đồng dân tộc ở bên.

Khí phách doanh nhân

Trong cuộc chiến kinh tế, doanh nhân là những kẻ dám đi đầu để chọc thủng vòng vây của đối phương. Con đường mà họ mở ra sẽ tạo điều kiện cho lực lượng lao động có kỹ năng tràn lên, đưa sản phẩm của quốc gia chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, lực lượng doanh nhân không phải lúc nào cũng sẵn có. Nhiều nhà kinh tế đã ví họ như những con gấu ngủ đông, có thể chúng ta biết họ hiện diện ở đâu đó nhưng họ chỉ xuất hiện khi môi trường kinh tế thuận lợi cho sự xuất hiện của họ. Muốn có họ, xã hội phải tạo ra một môi trường phát huy các tố chất đã làm nên bản chất doanh nhân của họ: sáng tạo và dám chấp nhận đương đầu với rủi ro.

Chọn lựa “nghề” doanh nhân không phải là quyết định dễ dàng trong một xã hội nhất sĩ nhì nông như nước ta. Nếu bạn đã quyết định trở thành một nhà doanh nghiệp, ít nhất bạn cũng là người có khí phách. Điều đáng trân trọng hơn, bạn không phải là người kế thừa mà là người đi đầu.

Thời kỳ bao cấp đã tạo nên một khoảng trống trong các thế hệ doanh nhân Việt Nam, và giờ đây, những người có độ tuổi trên dưới bốn mươi, phải nhận lãnh trách nhiệm tiên phong trong việc xây dựng một thế hệ doanh Việt Nam mới.

Một trong những kinh nghiệm để đội ngũ chiến binh kinh tế trong nước theo kịp đội ngũ các nước, để nền kinh tế quốc gia rút ngắn khoảng cách tụt hậu về kinh tế, theo tác giả Huỳnh Bửu Sơn, chính là kinh nghiệm sao chép. Người Mỹ đã sao chép người Anh vào cuối thế kỷ XIX và đã thay thế người Anh trong vị trí cường quốc kinh tế hàng đầu vào giữa thế kỷ XX. Người Nhật đã sao chép người Mỹ để tạo nên sự thần kỳ kinh tế ở thập niên 70 của thế kỷ XX.

Sao chép không khó nhưng não trạng sai lầm về sự sao chép – sự thủ cựu được che đậy bởi lòng tự tôn dân tộc và tính đặc thù quốc gia – mới là những trở ngại chính trong việc tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm của thế giới để đào tạo các chiến binh kinh tế tầm cỡ thế giới, những người sẽ mang lại chiến thắng trên thương trường quốc tế.

Bài học lãnh đạo

Hội nhập kinh tế luôn tạo ra dòng xoáy ban đầu giữa hai nước, giữa hai cơ chế thị trường. Những doanh nhân đi tiên phong phải đối đầu với thử thách khốc liệt ấy. Có những người đã không thể vượt qua và phải trả giá không chỉ bằng tài sản ngoại thân của họ, nhưng nhiều người đã vượt qua, bản lãnh được trui rèn, chuẩn bị để đương đầu với những thử thách mới.

Thế hệ doanh nhân trẻ của chúng ta ngày nay chịu khó học hỏi nhiều hơn và có điều kiện để tiếp cận thông tin nhiều hơn. Nhưng các bạn cần nhớ rằng bạn không cần có đủ cả kiến thức chuyên sâu để tự làm tất cả mọi việc. Điều quan trọng đối với bạn là có một bộ tham mưu giỏi, còn kiến thức và kinh nghiệm mà bạn học hỏi được chỉ cần đủ để giúp bạn lựa chọn được những ý kiến đóng góp tối ưu và có những quyết định đúng đắn, không thể giúp bạn làm thay công việc của bộ tham mưu đó.

Doanh nhân không phải là người tự làm lấy mọi việc mà là người lãnh đạo những người khác thực hiện điều mình muốn. Lãnh đạo chính là khả năng sử dụng những sở trường, ưu thế của người khác. Đối với một doanh nhân, học những thủ thuật kinh doanh không khó, cái khó chính là ở chỗ có thể làm việc chung với nhiều người và khai thác hết các sở trường của họ.

Có những điểm rất giống nhau giữa việc doanh nhân xây dựng cơ nghiệp và một vị hoàng đế xây dựng vương triều. Cả hai đều phải nhờ đến công sức, thời gian, tài năng và cả của cải, tiền bạc của người khác. Cả hai đều phải biết chiêu hiền đãi sĩ. Cả hai đều phải biết phép dùng người.

Và đặc biệt, dù họ không phải là người có học thức cao, có tài năng nhưng lại luôn biết cách làm cho những người có học thức cao, có tài năng phục vụ cho mục tiêu của mình.

Hãy học kinh nghiệm của Henry Ford, ông vua xe hơi của Mỹ. Có một nhóm trí thức chê bai Ford học thức kém, ngu dốt. Ông bèn mời họ đến gặp mình và thách thức họ nêu lên bất cứ vấn đề gì mà ông không trả lời được. Được thế họ liên tục tấn công ông bằng một lô câu hỏi hết sức chuyên môn. Ông lắng nghe, ghi chép toàn bộ những câu hỏi đó và nhấn chuông gọi vào văn phòng một ê kíp trợ lý gồm toàn những tiến sĩ, kỹ sư và những người này dễ dàng trả lời toàn bộ những câu chất vấn của nhóm tri thức nọ.

Chính Ford là người đã đưa ra nhận định rằng phương pháp tốt nhất của ông là thuê những người có kiến thức giúp ông giải quyết những bài toán chuyên môn để ông dành thời gian và bộ óc cho việc suy nghĩ những ý tưởng. Đó mới là điều khó khăn nhất, và cần thiết nhất, cho một doanh nhân muốn thành đạt.

Sách Giấc mơ hóa Rồng dày 499 trang, do NXB Thế giới ấn hành, bản quyền thuộc Thái Hà Books, giá bìa 129.000 đồng.


  • 04/05/2016 05:15
  • Nguồn: doanhnhansaigon.vn
  • 1360