Để nhân viên đồng lòng vượt qua nguy biến

Xây dựng đội ngũ nhân sự đoàn kết, gắn bó là mục tiêu của hầu hết doanh nghiệp. Tình đoàn kết ấy sẽ càng thấy rõ hơn khi doanh nghiệp (DN) gặp những cơn nguy biến.

"Như ngày cuối cùng bên nhau"

Công ty Trà và Cà phê Tâm Châu từng rất khó khăn khi cần đến 200 tỷ đồng để phát triển. Khi không thể một mình vượt qua khó khăn, vị giám đốc Công ty đã chia sẻ điều này với nhân viên và ngay ngày hôm sau ông đã nhận được 198 sổ hồng từ người lao động để vay vốn ngân hàng.

Không gắn kết theo kiểu của Tâm Châu nhưng Big C Việt Nam hiện nay cũng là hình ảnh đáng để chiêm nghiệm. Từ khi công ty mẹ công bố thông tin rao bán Big C Việt Nam thì nhân viên Công ty trở nên gắn kết hơn bao giờ hết. "Họ chia sẻ với nhau về công việc và cuộc sống, động viên nhau, sẵn sàng bỏ qua những hiểu lầm đáng tiếc để cùng nhau làm việc trong không khí vui tươi. Các bạn ấy làm việc và gắn bó như thể hôm nay là ngày cuối cùng làm việc với nhau", vị quản lý cấp cao của Big C Việt Nam chia sẻ.

Cách đây 2 năm, khi Tập đoàn Metro Cash & Carry thông báo sẽ bán lại toàn bộ chuỗi 19 trung tâm Metro Việt Nam cho Tập đoàn TCC đã tạo ra sự xáo trộn trong nhân viên. Tuy nhiên, sự kiện này đã khiến nhân viên "xích lại gần nhau hơn" mặc dù không tránh khỏi hoang mang, lo lắng về tương lai. Đến nay, dù cho có "người đi kẻ ở" nhưng họ vẫn kết nối, liên lạc với nhau.

Một chuyên gia thương hiệu cho rằng, sở dĩ nhân viên Big C Việt Nam đoàn kết vì họ không biết sau M&A (mua bán và sáp nhập) có còn cơ hội làm việc cùng nhau hay không, ai sẽ được giữ lại và ai sẽ phải ra đi, nếu ở lại liệu có hòa hợp được với văn hóa của chủ nhân mới hay không... Hàng trăm câu hỏi được đặt ra và đó là yếu tố gắn kết họ với nhau. Nhưng đây cũng có thể là ước vọng của lãnh đạo Công ty vì họ nghĩ trong tình hình đang có sự thay đổi về mặt cơ cấu tổ chức, chủ sở hữu thì phải đoàn kết lại, phải quyết tâm.

Còn ở Tâm Châu, đó là sự tôn trọng của lãnh đạo Công ty đối với tất cả nhân viên, là việc tạo niềm tin cho người lao động từ người đứng đầu DN. Ông Nguyễn Ngọc Chánh - TGĐ Công ty Tâm Châu từng chia sẻ, so với công ty khác, Tâm Châu trả lương không cao nhưng lại có được đội ngũ nhân viên coi sự nghiệp của Tâm Châu như sự nghiệp của chính mình.

Để khuyến khích tinh thần làm việc của nhân viên cũng như giữ được họ, ngoài lương, thưởng và chế độ đãi ngộ, điều quan trọng nhất là tạo được niềm tin để người lao động gắn bó với Công ty. Điều này được thể hiện ở sự trân trọng, lòng biết ơn cũng như việc đối xử công bằng của người đứng đầu DN đối với từng nhân viên dù ở vị trí thấp nhất.

Tối ưu truyền thông nội bộ

Theo các chuyên gia, để tạo sự đoàn kết trong DN thì vai trò của truyền thông nội bộ là cực kỳ quan trọng. Các thông tin về công ty phải minh bạch, rõ ràng và làm sao để truyền tải những thông điệp của công ty từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất một cách thông suốt.

Khi có những sự kiện lớn xảy ra với DN (M&A chẳng hạn) sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nhân viên. Một ngôi nhà muốn bán được giá cao phải tu sửa, làm mới..., DN cũng thế. Để bán được giá cao, chủ DN phải chứng minh được DN đó làm ra tiền, hoạt động hiệu quả. Muốn vậy, những khoản chi phí quá lớn, con số trong báo cáo tài chính "không đẹp" buộc phải được cải thiện bằng cách cắt bỏ đầu tư.

Tất cả những điều đó ít nhiều đều ảnh hưởng đến nhân viên. Chuyên gia quản lý danh tiếng và xử lý khủng hoảng Khuất Quang Hưng cho rằng, vấn đề con người và hòa hợp với văn hóa công ty trong các thương vụ M&A đóng vai trò rất quan trọng nhưng yếu tố này thường bị bỏ quên hoặc coi nhẹ.

Khi nghiên cứu, đánh giá tiền khả thi các thương vụ M&A, người ta thường quan tâm nhiều đến vấn đề tài chính và các tài sản hữu hình mà ít chú trọng đến tài sản vô hình như con người, quyền lợi nhân viên hoặc văn hóa công ty. Trong quá trình M&A sẽ không thể tránh khỏi việc "chảy máu chất xám", xáo trộn trong nội bộ. Tuy nhiên, ở mức độ nào thì tùy quy mô công ty và cách tiếp cận, cung cấp thông tin, giữ chân nhân tài...

Trong những thương vụ M&A, làm thế nào để tạo sự đoàn kết trong nhân viên? Ông Khuất Quang Hưng cho rằng, ngay từ đầu không nên để nhân viên biết thông tin qua tin đồn vì tin đồn thường không chính xác. Điều này sẽ khiến người lao động cảm thấy bất an và không tin vào tổ chức vì "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay".

Việc quan trọng nhất chủ DN nên làm khi M&A là "làm sao để thông tin nội bộ được thông suốt", nhưng chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ được công bố thông tin khi thương vụ đã được ký kết. Thế nhưng, trên thực tế, trong lúc các bên còn đang thương thảo thì thông tin đã lọt ra ngoài.

"Lúc này, vai trò của truyền thông nội bộ là cực kỳ quan trọng. DN phải làm sao để không vi phạm về mặt công bố thông tin nhưng vẫn đảm bảo người lao động được cập nhật thông tin giúp họ yên tâm, tạo sự đoàn kết trong nội bộ. Khi thông tin không rõ ràng sẽ dẫn đến sự suy đoán và tạo ra nhiều câu chuyện khác nhau. Điều này là tối kỵ đối với DN", ông Khuất Quang Hưng tư vấn.


  • 17/05/2016 05:31
  • Nguồn: doanhnhansaigon.vn
  • 1347