Dân công sở và câu hỏi trường kỳ: Lương vừa đến mà đã bay đâu mất?

Hội anh em công sở có lẽ bớt được khoản ăn vặt hay spa làm đẹp, nhưng bù lại họ cũng đổ một số tiền không nhỏ cho các bữa nhậu, đưa bạn gái đi chơi, hay những món đồ theo sở thích con trai như quần áo, máy tính, phụ kiện…

Chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng những người bạn công sở của mình ca mãi điệp khúc hết tiền dù mới đang là đầu tháng. Có gì lạ đâu, người trẻ Việt vốn lạc quan nên cứ đi làm là họ tiêu tiền tùy hứng, nào là tiền ăn ba bữa sáng, trưa, xế, tranh thủ lướt web shopping hay vui lên là đặt vé đi du lịch chẳng hề do dự, mặc cho lương thì đã cạn còn số tiền nợ thẻ tín dụng sắp sửa vượt quá hạn mức.

Số đông dân công sở hiện đại 10 người thì đến 9 người không hề có ý niệm quản lý chi tiêu cá nhân, họ sẵn sàng tiêu pha vượt mức thu nhập để rồi ngày ngày than thở: Người còn đây mà tiền thì nơi đâu? Cuối tháng vừa nghe "ting ting" tiếng lương về, ngoảnh đi ngoảnh lại tài khoản đã sắp sửa về 0. Câu hỏi nổi cộm là rút cục họ đã đốt tiền vào những gì mà khiến căn bệnh cháy túi kinh niên cứ lặp đi lặp lại dai dẳng hơn cả lời bài hát Baby Shark doo-doo doo-doo~.

Đối với một cô nàng công sở, nhất là quý cô độc thân có lối sống tự do ngẫu hứng, các khoản chi tiêu trong ngày tính từ khoảnh khắc dắt xe ra khỏi nhà cho tới khi bước chân rời công ty thật khó lòng kiểm soát.

Thu Trang (25 tuổi) chia sẻ: "Trên đường đến chỗ làm mình đã bắt đầu phải nghĩ xem ăn gì sáng nay, đến trưa lại đi cùng đồng nghiệp ăn uống gần công ty khoảng 30k-50k thôi. Thi thoảng liên hoan đi ăn nhà hàng thì mới thêm chi phí phát sinh. Nhưng cơ bản buổi chiều sẽ thường vui mồm gọi thêm cốc trà sữa với bánh trái, chưa kể sau giờ làm lại trà đá nem chua với chúng bạn rồi mới về. Nói chung riêng tiền ăn ở công ty đã tốn 100-200 ngàn 1 ngày rồi". 

Có thể thấy rằng chị em công sở thường chi kha khá tiền cho những bữa ăn vặt, café trà bánh, chưa kể xem phim, spa, làm tóc vân vân và mây mây. "Ngày nào mình cũng tự làm cơm hộp mang đi, nhưng vẫn ăn vặt trà sữa với hoa quả buổi chiều, cũng không tốn mấy chưa đến 100 ngàn đâu. Tuy nhiên mình có đam mê bất tận với mua sắm quần áo, tan làm hay cuối tuần là lại lượn lờ các shop nên hầu như lúc nào cũng vô sản vì lý do ấy", Hồng Ngọc (25 tuổi) chia sẻ. Đúng vậy, shopping và chuyện vung tay quá trán quẹt bay lương tháng chỉ trong vòng một nốt nhạc là việc không lấy gì làm lạ đối với hội chị em.

Cái tính người trẻ chính là muốn là làm, thích là phải có ngay dẫn đến tình trạng "Nào ta mua mua mua mua mua" mà chẳng bận tâm mình có thật sự cần thứ đó hay không. Hiền Lương (25 tuổi) bộc bạch: "Chỉ cần thấy đứa bạn mặc cái váy xinh, hay chị sếp mới tậu đôi giày mới là mình sẽ lân la dò hỏi chỗ mua bằng được, mặc kệ việc ngày mai có thể sẽ phải húp mì tôm qua bữa".

Những cảnh báo về thói tiêu hoang của dân công sở hiện đại khiến chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận thực trạng diễn ra. Rõ ràng người trẻ Việt đang rất yếu kém trong việc hoạch định tài chính tương lai cũng như chưa nắm được cách quản lý chi tiêu hiện tại. Họ biết rõ số tiền còn lại trong tài khoản nhưng mỗi ngày đến công ty, đi ăn đi chơi, tiệc tùng, làm đẹp, mua sắm… thì lại quẹt thẻ vô tội vạ.

Và rồi cứ thế tiền lương về là tất tả mang đi trả nợ ngân hàng, xong lại hết tiền, lại quẹt thẻ, rồi tháng sau tiếp tục lấy lương bù vào. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ mãi loanh quanh, hậu quả của nó là trong khi mọi người xung quanh đã có sổ tiết kiệm thì các thanh niên này vẫn là con nợ ngân hàng ngày này qua tháng nọ mãi chẳng có xu nào lận lưng.

Mặt khác, sự phụ thuộc vào gia đình ở người trẻ Việt cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu hoang. Các cuộc điều tra về tình hình tài chính của giới trẻ đã chỉ ra lý do khiến họ không để tiền vào sổ tiết kiệm và "nướng" gần như toàn bộ lương tháng cho bản thân là vì quá tự tin vào sự trợ cấp của bố mẹ khi cần kíp. Nhiều người vẫn sống trong sự bao bọc, chung nhà và ăn cơm của bố mẹ mà không phải đưa tiền hoặc chỉ đóng góp một chút.

Có một sự thật không thể phủ nhận đó chính là sự phù phiếm của tuổi trẻ. Chúng ta thích trải nghiệm, muốn tận hưởng, chẳng chịu thua chị kém em mà sẵn sàng đổ hết số vốn liếng ít ỏi vào quần quần áo áo, trang sức phấn son, du lịch tiệc tùng. Những thứ như "tiết kiệm" hay "đầu tư" dường như chẳng có ý nghĩa gì to tát với một bộ phận dân công sở hiện đại bởi họ quan niệm sống là phải hưởng thụ, thanh xuân có là bao. Tuy nhiên, liệu thanh xuân có còn ý nghĩa nếu như tháng nào cũng phải đối mặt với những khoản nợ ngập đầu chỉ vì trót ăn tiêu linh tinh vô tội vạ. Rồi thì bao nhiêu kế hoạch dự định cũng đành gác lại bởi hôm nay còn chưa biết lấy tiền đâu trả thẻ tín dụng thì sao dám mơ mấy chuyến du lịch vòng quanh thế giới.

Là người trẻ, không ai ngăn cấm việc bạn tận hưởng trải nghiệm, nhưng hãy học cách chi tiêu khoa học bởi kỹ năng sắp xếp quản lý cuộc sống là rất cần thiết, tiền bạc lại càng là vấn đề quan trọng hơn. Phân bổ quỹ lương, hoạch định chi tiêu rõ ràng chính là giải pháp hữu hiệu tránh dẫn đến tình trạng vô sản cuối tháng. Trên hết là, hãy biết kiềm chế trước những lời quảng cáo mời chào tràn lan trên mạng hay tiệc tùng không cần thiết. Bởi có khi đồ mua về chẳng bao giờ sờ đến, còn sau mỗi cuộc vui là thân thể uể oải kèm theo con số thâm hụt đáng báo động trong tài khoản.

Hãy là một dân công sở hiện đại, văn minh, nói không với nợ nần chồng chất nhé!


  • 19/11/2018 05:17
  • Nguồn: cafebiz.vn
  • 1840