Dầm mưa dãi nắng cùng “lính” truyền tải điện Tây Bắc

Đối với những người lính truyền tải điện vùng Tây Bắc, đêm và ngày dường như không còn ranh giới. Một ngày dầm mưa, dãi nắng với họ, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả gian lao đặc trưng của người lính truyền tải mỗi khi “xung trận”, lên tuyến.

Cùng... trâu lên tuyến

Chúng tôi đến với Đội Truyền tải điện TP Tuyên Quang - Truyền tải điện Tây Bắc (thuộc Công ty Truyền tải điện 1) trong những ngày thời tiết mưa nắng thất thường. Trời đổ mưa xối xả, rồi lại nắng gay gắt chỉ sau đó chỉ vài chục phút. Trên chiếc xe “U – oát” lên tuyến, tôi tìm hiểu rõ hơn về những người chọn “nghề leo cột” nơi đây.

Mặc cho trời nắng như thiêu như đốt, công nhân Đội Truyền tải điện TP. Tuyên Quang vẫn miệt mài làm việc.

“Nghề này dù khó nhọc, người ngoài nghĩ là khô khan, nhưng cũng có nhiều niềm vui lắm. Chúng tôi được sống với gió, nắng và ở trên cao nhất” – Nói về nghề nghiệp đã gắn bó được hơn chục năm, anh Chu Văn Trị, công nhân Đội truyền tải Điện TP Tuyên Quang rất tự hào. Rồi anh bỗng quay sang “ngắm nghía” chúng tôi từ đầu tới chân và thở phào nhẹ nhõm khi biết cả đoàn đã mặc áo dài tay và đi giày thể thao kín mít.

“Hở ra phần nào là làm mồi cho vắt, cho ong rừng phần đó đấy” – Người thợ trẻ Lê Xuân Bách nửa đùa nửa thật, giải thích cho cái nhìn của đồng nghiệp. Các anh dường như đã quá quen với những người “khách không mời mà đến” là vắt, muỗi trong rừng. Từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa mưa, nên vắt rất nhiều, anh Bách còn cẩn thận mách mẹo để hạn chế bị vắt cắn. Chàng “lính tò te” mới 23 tuổi này tâm sự, tuy chỉ mới được trải nghiệm cảm giác lên tuyến, thao tác trực tiếp trên trụ, kiểm tra sự cố đường dây, lau sứ... nhưng xem ra cái nghề truyền tải điện vất vả này đã làm anh say mê.

Hôm nay, chúng tôi theo chân thợ đường dây lên vị trí cột 192, sửa chữa đường dây 220 kV từ Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang về TBA 220 kV Tuyên Quang. Quãng đường tuy không quá xa, nhưng địa hình hiểm trở, khiến đoàn gặp nhiều khó khăn.

Qua bìa rừng được một đoạn ngắn, chiếc xe U-oát bỗng nhiên khựng lại, bác tài cố gắng nhấn ga thật mạnh, nhưng bánh xe không thoát được vũng lầy vừa sa phải sau trận mưa như trút. Như đã quá quen, anh em không ai bảo ai, vội vàng xuống xe, người dùng cuốc, xẻng xúc bớt đất, người dùng sức kéo mạnh, nhưng bánh xe vẫn cứ quay tít, “nằm ì” một chỗ. Ngay lúc ấy, cơn mưa rừng lại bất chợt đổ xuống.

Bỗng, một anh lính truyền tải chợt nhớ lại ý tưởng “cùng trâu lên tuyến” được “lưu truyền” từ năm 2008. Mọi người bủa đi mượn trâu của một hộ dân gần đó. Vậy là con trâu đi trước kéo, đoàn người dùng sức đẩy phía sau, chiếc xe “lì lợm” đến mấy cũng đành phải... chuyển bánh.

Ăn cùng gió, uống cùng mây

Câu chuyện cùng trâu lên tuyến gợi lại cho các anh ký ức về chuyến vào rừng ban đêm, khắc phục sự cố sạt lở năm 2008. Theo anh Trần Mạnh Cường: “Tuy mỗi vị trí cột, đường dây luôn được kiểm tra kỹ trước và sau mùa mưa, nhưng đối với cái nghề “không bao giờ được sai này”, chúng tôi luôn phải chuẩn bị tinh thần trực chiến, có lệnh là lên đường ngay”.

Hôm ấy cũng vậy, vào 22h00, nhận tin 2 cột điện trên tuyến đường dây 220 kV Yên Bái – Lào Cai bị sạt lở, 16 anh em trong đội khẩn trương lên đường. “Khi đó, đường bê tông từ quốc lộ vào bìa rừng chưa có, nên đường lên tuyến ngoằn ngoèo, lầy lội lắm” – Anh Trần Duy Tùng, một trong những người tham gia khắc phục sự cố năm ấy kể lại: “Ban đêm, xe bị sa lầy mấy lần liên tiếp, không chỉ phải mượn trâu kéo xe, anh em còn phải thuê xe máy, xe ba gác của bà con để thồ trang thiết bị lên tuyến”.

Băng rừng, lội suối ban ngày đã khó, ban đêm càng khó khăn, vất vả hơn nhiều. Nhất là đoạn đường mòn sâu trong rừng, anh em vừa phải cuốc bộ, vừa vác thiết bị nặng đến 60 - 70 kg. “Rừng ban đêm rất khó xác định phương hướng, quãng đường dường như dài thêm, phải đỏ mắt mới tìm thấy vị trí cần khắc phục sự cố” – anh Trần Duy Tùng tâm sự.

Gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt khi vừa khiêng bao đất, công nhân Đội Truyền tải điện TP Tuyên Quang Chu Văn Trị cho biết, đó cũng chỉ là một phần công việc của lính truyền tải điện trong mùa mưa bão. Những buổi trực đêm vẫn được người công nhân có thâm niên trong nghề kể lại một cách nhẹ tênh: “Cái nghề của chúng tôi làm đêm cũng bình thường thôi. Làm đêm vẫn đỡ hơn những ngày nắng cháy, vẫn cheo leo trên đỉnh cột, nhưng bù lại, anh em lại có thể thưởng thức bữa cơm ở độ cao 50m. Cái “nhà ăn đặc biệt ấy” hình như cùng giao hòa với trời đất và chúng tôi khi ăn vẫn phải thắt dây an toàn”.

Để đảm bảo thời gian thao tác, những bữa trưa “ăn cùng gió, uống cùng mây” đã không còn xa lạ với thợ truyền tải điện vùng Tây Bắc. Cũng như hôm nay, đã 12 giờ trưa, dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt, anh em đội Truyền tải điện TP. Tuyên Quang vẫn miệt mài làm việc, mặc cho mồ hôi lăn dài trên má, ướt đẫm những bộ đồng phục bạc màu vì mưa nắng. Bữa trưa diễn ra lúc gần 13h chiều, giữa lưng chừng trời…

Sau bữa ăn vội vã, các anh lại miệt mài làm việc, trời tối lúc nào không hay, công việc cũng vừa hoàn thành. Chúng tôi lại cuốc bộ, men theo bìa rừng trở ra. Vẫn con đường ấy thôi, nhưng cơn mưa rừng lại kéo đến bất chợt, khiến quãng đường hình như dài thêm. Với những người ít được leo núi như tôi, đây thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ.

Lần đầu tiên được nếm trải cuộc sống và tận mắt chứng kiến công việc của lính truyền tải điện vùng Tây Bắc, chúng tôi càng khâm phục tinh thần lao động quên mình cũng như lòng yêu nghề, tận tụy hết lòng với nghề của những người lính truyền tải điện vùng Tây Bắc thân thương. 

Đội Truyền tải điện TP Tuyên Quang, Truyền tải điện Tây Bắc, thuộc Công ty Truyền tải điện 1:

  • Gồm 24 công nhân, chia làm 2 tổ;
  • Quản lý vận hành đường 152 km đường dây Truyền tải điện 220 kV

- 8,79 km đường dây 220 kV Việt Trì – Yên Bái.

- 25,92 km đường dây 220 kV Yên Bái – Lào Cai.

- 47 km đường dây 220 kV Tuyên Quang – Yên Bái.

- 33,2 km đường dây 220 kV Tuyên Quang – Thái Nguyên.

- 0,89 km đường dây 220 kV đấu nối trạm 220 kV Tuyên Quang.


  • 24/10/2017 02:38
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 2217