Công ty Điện lực Quảng Nam: Văn hoá doanh nghiệp - hành trang cho ổn định và phát triển

Quá trình triển khai VHDN tại Công ty Điện lực Quảng Nam tuy mới mẻ, song Đảng uỷ Công ty đã quyết tâm và “dám nghĩ, dám làm” nhằm giáo dục, truyền đạt đến người lao động, xây dựng chữ “tâm” trong mỗi con người; đồng thời tăng cường uy tín, tạo dựng thương hiệu và cải thiện hình ảnh của ngành Điện.

Tài sản vô hình của doanh nghiệp

Có rất nhiều định nghĩa về văn hoá doanh nghiệp (VHDN), nhưng nếu hiểu theo tinh thần Nghị quyết TW 5, khoá VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đầm đà bản sắc dân tộc” thì có thể hiểu VHDN là toàn bộ các giá trị văn hoá được hình thành trong quá trình xây dựng và phát triển của một doanh nghiệp.

Hiểu như vậy thì VHDN là cái riêng có, là những đặc trưng cụ thể, riêng biệt đối với mỗi loại hình doanh nghiệp. Trước hết, đó là sản phẩm của những người cùng làm trong một doanh nghiệp; nó xác lập một hệ thống các giá trị, các quan niệm, tập quán và truyền thống chi phối tư tưởng, tình cảm và hành vi của các thành viên trong doanh nghiệp. Như vậy, khi VHDN hình thành đậm nét nó sẽ tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp với nhau, kể cả các doanh nghiệp trong cùng ngành, cùng lĩnh vực và được coi là truyền thống riêng có của mỗi doanh nghiệp.

Các nghiên cứu đã cho thấy có mối tương quan chặt chẽ giữa những thành tựu, kết quả của một doanh nghiệp với nội dung và mức độ tác động của VHDN đối với doanh nghiệp đó. Hầu hết các doanh nghiệp thành công đều biết duy trì, gìn giữ và không ngừng phát huy văn hóa doanh nghiệp riêng có của mình.

Từ những nghiên cứu nói trên có thể khẳng định VHDN có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp; một điều kiện cần quan trọng để doanh nghiệp thành công và phát triển là phải có một VHDN có thể điều tiết được mọi thành viên trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể thiếu vốn, thiếu nguồn lực, song không thể thiếu thiếu các yếu tố văn hoá như các thiết chế, các quy chuẩn, ngôn ngữ, tư liệu, thông tin..., được gọi chung là tri thức doanh nghiệp. Trong khuynh hướng xã hội hiện đại, nguồn lực quan trọng bậc nhất của một doanh nghiệp là con người, mà ở đó VHDN là hạt nhân quan trọng, có tác dụng phát huy và nhân lên gấp bội các giá trị của từng nguồn lực riêng lẻ.

Trong cùng một loại hình doanh nghiệp, cùng nguồn lực như nhau, song doanh nghiệp nào có một VHDN bền vững thì doanh nghiệp ấy chắc chắn sẽ thành công hơn, người lao động sẽ gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp nhiều hơn. Hiểu như vậy thì có thể khẳng định VHDN là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, vào thời kỳ nền kinh tế còn hoạt động theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung thì vấn đề chất lượng, nội dung cạnh tranh chưa được coi trọng. Về sau, khi chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và nhất là trong xu thế hội nhập thì các doanh nghiệp mới bắt đầu quan tâm đến VHDN. Tuy nhiên do thời gian tiếp cận chưa nhiều và lý thuyết VHDN chưa được hệ thống hoá nên doanh nghiệp có nhiều lúng túng.

Những kết quả bước đầu...

Do đặc thù của sản phẩm điện mang tính xã hội hoá cao nên ngành Điện gắn bó hữu cơ với tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế; mọi người có thể là đối tác và là khách hàng của ngành Điện. Do sản phẩm điện năng là nhu cầu thiết yếu, phải bảo đảm tính chất an toàn, liên tục; hơn nữa, lĩnh vực điện đang còn độc quyền tự nhiên, vì vậy để phục vụ tốt khách hàng, nâng cao uy tín, giữ vững thương hiệu và tránh độc quyền thì cần phải có VHDN.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX về xây dựng “nhân tố con người và yếu tố văn hoá”, ngày 12/10/2004, Ban Thường vụ Đảng uỷ Công ty Điện lực Quảng Nam quyết định thành lập Ban chỉ đạo “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp”, dựa vào Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) định hướng nội dung VHDN công ty. Sau khi có góp ý của cán bộ, đảng viên; cùng với sự góp sức của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Khoa học & Công nghệ, Học viện Hành chính quốc gia HCM; tháng 5/2006, Công ty ban hành cẩm nang “Những nội dung chủ yếu văn hoá doanh nghiệp Điện lực Quảng Nam”.

Nội dung VHDN của Công ty gồm 2 phần là xây dựng môi trường văn hoá và xây dựng văn hoá kinh doanh. Qua đó xác định mục tiêu, chuẩn mực đạo đức, định hướng hành vi, quy định những điều cần làm và nên tránh, quy định các mối quan hệ xử sự trong và ngoài Công ty. Đối với quan hệ đồng sự, cộng sự tập trung duy trì kỷ cương, ý thức tổ chức kỷ luật; chuẩn hoá mọi hoạt động quản lý; chuẩn hoá các mối quan hệ xử sự; xây dựng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt; kiên trì thực hiện các mục tiêu ổn định và phát triển đơn vị. Đối với quan hệ đối tác, khách hàng và xã hội thì đặt trọng tâm coi trọng lợi ích của khách hàng trong quá trình sử dụng điện năng và các dịch vụ viễn thông.

Việc triển khai VHDN của Công ty trong thời gian qua là một quá trình kiên trì và không ít khó khăn. Chưa thể đánh giá hay có kết quả một sớm một chiều vì nó đòi hỏi phải có quá trình “thấm sâu”, chuyển hoá trong môi trường doanh nghiệp của đơn vị. Năm năm qua, trên cơ sở dựa vào lực lượng đảng viên toàn Đảng bộ làm nòng cốt, Đảng uỷ Công ty đã kiên trì lãnh đạo thực hiện VHDN, ngày càng tiệm cận với mục tiêu và phương châm làm việc: Đối với sản phẩm thì phải “an toàn, liên tục, chất lượng, hiệu quả”; và đối với con người thì cần “trung thành, tận tuỵ, sáng tạo, gương mẫu”.

Điều đáng nói là qua thực hiện VHDN, Công ty đã xây dựng được môi trường pháp lý đầy đủ; môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện; phong cách phục vụ, dịch vụ không ngừng được tối ưu hoá. Trong quản lý, kinh doanh, Công ty kiên trì thực hiện chế độ “một cửa”; quan tâm thỏa mãn tối đa nhu cầu và lợi ích hợp lý của khách hàng. Đành rằng còn một số khiếm khuyết do khách quan mang lại như thiếu điện trong mùa khô hạn; sự cố mất điện do giông sét, bão lũ; thiếu vốn đầu tư xây dựng công trình điện về vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, biên giới, song người dân và khách hàng cũng đã cảm thông và có cái nhìn khách quan, công tâm hơn với những khó khăn của Công ty.

Vào những kỳ nắng hạn, điện quốc gia thiếu hụt, CBCNV Công ty phải vất vả ngày đêm thực hiện lịch tiết giảm một cách khoa học, cố gắng đảm bảo công bằng để không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Vào mùa mưa bão, những người làm điện không nề hà gian khổ, suốt ngày dầm mình trong mưa gió, giá lạnh, quên cả chuyện nhà để lo sửa chữa công trình hư hỏng, sớm khôi phục dòng điện phục vụ nhân dân.

Để cung cấp điện cho miền núi, CBCNV Công ty phải miệt mài “Cõng điện lên non” để phục vụ đồng bào các dân tộc với biết bao gian nan vất vả, phải vay vốn từ nhiều nguồn và rất khó thu hồi vốn, dù sản lượng điện cung cấp rất ít, giá bán điện chỉ bằng 50% giá bán bình quân. Đối với điện nông thôn, nhằm đảm bảo sự công bằng giá bán điện giữa nông thôn, miền núi với đô thị, Công ty đã và đang triển khai đề án bán lẻ đến hộ dân nông thôn trong 2 năm 2009 - 2010, đã tiếp nhận bán lẻ hơn 185.000 hộ theo giá quy định của Nhà nước, mang lại nhiều lợi ích cho người dân nông thôn, miền núi, góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương “xoá đói giảm nghèo” và chính sách “tam nông”.

Qua thực hiện VHDN, đã có thay đổi về phong cách phục vụ, đã tạo được niềm tin và sự cảm thông của nhân dân và khách hàng. Vì vậy, đơn thư phản ánh, ý kiến phàn nàn về tác phong, thái độ phục vụ đối với CNVC-LĐ giảm hẳn.

5 năm qua, Công ty Điện lực Quảng Nam được Tổng Công ty Điện lực Miền Trung khen thưởng về thành tích xuất sắc ở vị thứ Top 3 trong khối các công ty điện lực miền Trung và Tây Nguyên; được UBND tỉnh khen thưởng lá cờ đầu khối doanh nghiệp trung ương trong 5 năm liền; là “Đơn vị có đời sống văn hoá tốt” liên tục trong 5 năm; được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh 5 năm, xuất sắc 3 năm liền.

Đến sự nhìn nhận...

Quá trình triển khai VHDN tại Công ty Điện lực Quảng Nam tuy mới mẻ, song Đảng uỷ Công ty đã quyết tâm và “dám nghĩ, dám làm” nhằm giáo dục, truyền đạt đến người lao động, xây dựng chữ “tâm” trong mỗi con người; đồng thời tăng cường uy tín, tạo dựng thương hiệu và cải thiện hình ảnh của ngành Điện. Cơ sở của mọi hành xử trong hoạt động kinh doanh là đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Trong nền tảng văn hoá doanh nghiệp bước đầu được tạo dựng, mỗi cá nhân được làm việc trong môi trường thân thiện, có nhiều cơ hội phát huy năng lực cá nhân, phát huy tính sáng tạo và tinh thần làm việc tập thể. Ngoài ra, những hoạt động văn hóa và việc làm từ thiện, cứu trợ mà Công ty đã chia sẻ với đối tác, khách hàng và cộng đồng trong suốt những năm qua đã giúp khơi dậy tình đoàn kết, những giá trị nhân văn truyền thống trong mỗi  tập thể, mỗi cá nhân.

Sự thành công trong văn hoá doanh nghiệp của Công ty là nội bộ đoàn kết thống nhất; đặc biệt là kết quả sản xuất-kinh doanh được ghi nhận và khẳng định trong thời gian qua có vai trò đóng góp không nhỏ của VHDN. Chính VHDN sẽ là cơ sở để cho Công ty Điện lực Quảng Nam phát triển và ổn định. Ở một khía cạnh khác, những nội dung, tiêu chí của VHDN là cơ sở rất thuận lợi trong việc triển khai Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn đơn vị.


  • 19/11/2010 01:36
  • Nguyễn Quang Vinh (Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam)
  • 3067