Có nên kết bạn với sếp trên Facebook

Theo khảo sát năm 2018 của trang mạng toàn cầu SodaHead và YouTell, ý kiến của hơn 700 nhân viên công sở, có đến 81% số người được hỏi cho rằng, không nên kết bạn với sếp trên Facebook...

Sợ bị “soi” trên mạng

Chị Đỗ Thi Mai - nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty thương mại ở Quảng Ninh chia sẻ: “Việc đầu tiên khi mình mở máy tính mỗi sáng là… lướt Facebook, cập nhật tình hình của mọi người, ít người lao vào công việc ngay. Cập nhật Facebook thường xuyên, mình biết thêm nhiều chuyện về đồng nghiệp, giảm bớt không khí căng thẳng... Do đó, nếu "kết bạn" với sếp, chỉ cần nhấn like hay “vui tay” bình luận gì đó, nghiễm nhiên sếp sẽ biết. Thế là “lòi đuôi” chuyện vào Facebook trong giờ làm việc”.

Cũng có cùng suy nghĩ như chị Đỗ Thi Mai, anh Nguyễn Văn Hùng (phóng viên một tạp chí về công nghệ) thở dài: “Facebook của tôi để dành cho việc giải trí, để “chém gió” với bạn bè, thỉnh thoảng còn xả stress, nếu sếp vào đọc thì phiền lắm! Nhất là  sếp còn có thể phát hiện ra việc mình mải mê chơi quiz (trắc nghiệm) nào hay đang “cày” để lên level trong trò chơi nào đó vì Facebook sẽ gửi tới tấp các thông báo, khoe hộ bạn những “chiến tích” vừa đạt được hoặc mời sếp tham gia trò chơi... Để tránh phiền phức, tôi block (chặn) Facebook của sếp và cả vợ sếp luôn, nhỡ sếp có muốn vào xem Facebook của tôi cũng không được! 

Ngay cả khi nghiêm túc làm việc, không bớt xén “8 giờ vàng ngọc” ở cơ quan, dân công sở cũng vẫn có thể gặp họa vì Facebook. Những hình ảnh nhí nhố thuở còn đi học, những bức ảnh của gia đình, ảnh các kỳ nghỉ, những sự kiện tham dự… được đưa lên Facebook đều có thể lọt vào tầm ngắm của sếp và các đồng nghiệp. Chuyện của anh Nguyễn Tuấn Linh (nhân viên marketing) là một ví dụ. Anh viết email xin sếp cho nghỉ 1 tuần vì bị viêm họng cấp, sốt cao và khản tiếng. Vừa đồng ý và nhiệt tình hỏi thăm, dặn anh nghỉ ngơi cho mau lại sức, sếp phát hiện anh được tag (đánh dấu) trong một bài đăng vợ anh: “Tỷ năm rồi anh yêu mới đưa đi chơi”. Thế là Linh lập tức nhận được cả loạt email sếp chất vấn tình trạng sức khỏe, giao cho dự án mới “để nghiên cứu trong thời gian dưỡng bệnh...” kèm theo comment trên Facebook: “Hay quá, giờ mới biết, đi chơi có tác dụng chữa viêm họng, cảm cúm đó!”.

“Kênh” để sếp hiểu mình, mình hiểu sếp

Trên thực tế, việc kết bạn với sếp cũng có thể mang lại nhiều lợi ích bất ngờ. Anh Nguyễn Tuấn Giang, một nhân viên tư vấn các dự án bất động sản đang làm việc tại Hải Phòng chia sẻ: “Nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook thường xuyên, nhưng lại không nghĩ rằng, đó là một công cụ hữu hiệu để xây dựng mạng lưới quan hệ trực tuyến cho bản thân, cho phép bạn tạo ra một mạng lưới các địa chỉ liên lạc mà bạn có thể tận dụng trong tương lai”. Anh Giang dẫn chứng bằng câu chuyện mà chính mình đã trải nghiệm.Trong một lần giúp bạn giải quyết được vấn đề đầu tư bất động sản, người bạn này gửi lời cảm ơn cũng như chia sẻ câu chuyện đó trên Facebook. Sếp của anh Giang đã vô tình thấy được những hình ảnh tốt đẹp đó, một hình ảnh tươi mới mà sếp chưa bao giờ  bắt gặp ở công sở. Từ đó, sếp tin tưởng giao cho anh Giang  một dự án quan trọng... Đó chính là một cơ hội tốt, rất có thể đã bị bỏ qua, nếu anh Giang không kết bạn với sếp trên Facebook!

Hơn thế, ở vị trí sếp, chắc chắn Facebook của sếp sẽ có không ít những thành viên dạng "VIP", có tiếng trong lĩnh vực nào đó. Vì vậy, kết bạn với sếp, nhân viên dễ dàng tạo mối quan hệ với những người này. Ngoài ra, nơi làm việc có thể không cho phép bạn được biết nhiều về sếp, về con người sếp bên ngoài công việc cũng như cuộc sống riêng tư. Trở thành bạn bè với sếp trên Facebook có thể cho thấy cả hai người đều có chung những mối quan tâm hoặc một sở thích nào đó. Những mối quan tâm chung được chia sẻ giữa bạn và sếp có thể dẫn đến các cuộc thảo luận và sếp hiểu rằng, bạn có những phẩm chất đáng trân trọng mà ở công ty bạn ít thể hiện. Bạn có thể bộc lộ những kĩ năng ngoài công việc, cùng chia sẻ với sếp, những điều mà trong công việc hoàn toàn không thể nói ra.

Những nguyên tắc ràng buộc

“Như thời kì đầu của bất cứ mối quan hệ nào, việc kết nối trực tuyến đòi hỏi phải có ai đó làm trước. Nếu là người nắm vai trò này, bạn cần tỉnh táo dựa trên kinh nghiệm tích lũy được ở chỗ làm” - Nhà nghiên cứu mạng xã hội Patrice Anne Rutledge, tác giả cuốn sách “Làm giàu từ mạng xã hội” đưa ra nhận định và cho biết thêm: Tại nhiều quốc gia, nhân viên trẻ có thể thấy áp lực khi nhận ra bất cứ thành viên nào của Ban quản lý cấp cao tham gia mạng xã hội. Điều quan trọng là, bạn phải thật sự hiểu “những quy định bất thành văn” trong văn hóa hợp tác, từ đó quyết định đâu là cách thích hợp cho việc thiết lập mối quan hệ trên mạng. Nhất là khi profile (hồ sơ) của bạn có nội dung không nên “khoe khoang” rộng rãi, bạn sẽ làm gì nếu sếp gửi lời mời kết bạn trước? Từ chối lời mời này hiển nhiên không phải là cách làm khôn ngoan, nhưng bạn có thể xoá những nội dung “xấu” trước khi nhấn Accept (đồng ý kết bạn), cũng như cần phải thận trọng hơn khi đăng lên mạng xã hội bất cứ điều gì “nhạy cảm” liên quan đến công sở, nơi mình làm việc. 
 


  • 20/09/2019 10:37
  • Nguồn: TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3444