Chuyện về những slogan gây ấn tượng

Nhìn lại những slogan của nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới, không ít trong số đó có nguồn gốc rất thú vị mà gần như không tốn chi phí, song cũng có nhiều slogan gây nên sự tranh cãi…

Slogan thú vị mất 0 đồng

Just do it - Cứ làm đi

Just do it - slogan kinh điển của hãng Nike.

Đây là slogan kinh điển của hãng Nike và có xuất xứ khá ly kỳ. Năm 1988, ông Dan Weiden, người quản lý marketing của Nike bất ngờ nghe thấy  phát ngôn của một tên tội phạm giết người Gary Gilmore ở trên 1 chương trình truyền hình. Khi quan tòa cho bị cáo nói lời cuối, G. Gilmore đã trả lời bình thản: “Just do it”. Câu nói này chính là nguồn cảm hứng ra đời khẩu hiệu quảng cáo và tồn tại suốt mấy chục năm qua gắn với Nike.

Good to the last drop - Ngon tới giọt cuối cùng

Slogan này ra đời hết sức tình cờ. Năm 1907, cố Tổng thống Mỹ Roosevelt khi đó nổi tiếng là một người mê cà phê. Biết được điều này, nhà buôn Joel Owley Cheek đã cố tình thể hiện tài chế biến của mình tại hội chợ vùng Mashville (bang Tennessee), nơi ông nghe nói rằng Tổng thống sẽ ghé thăm.

Bước qua gian hàng của Joel, ngài Roosevelt ngay lập tức được mời một ly cà phê bốc khói thơm lừng. Lúc đó, Tổng thống thốt lên: “Good to the last drop! - Ngon tới giọt cuối cùng”. Ðó cũng chính là khẩu hiệu gợi mở cho Maxwell House, nhãn hiệu đồ uống cao cấp do chính nhà buôn Joel sáng lập. Về sau, câu nói này được Maxwell House sử dụng làm slogan và trên thực tế, slogan này còn nổi tiếng hơn rất nhiều so với thương hiệu.

A Diamond is Forever - Kim cương là vĩnh cửu

Năm 1948, Hãng quảng cáo N.W.Ayer đã nhận tìm kiếm slogan cho Hãng Kim cương De Beers Consolidated. Tuy nhiên, hơn nửa năm trời vẫn chưa tìm được câu ưng ý. Một lần, tình cờ họ lật giở các trang danh ngôn cũ để tìm kiếm. Và ngay lập tức, câu danh ngôn “Love is forever” (Tình yêu là vĩnh cửu) được đề xuất.

Khẩu hiệu này đã đi đúng hướng, kim cương của De Beers Consolidated chính là tình yêu bất diệt và kim cương được coi là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu. Câu slogan này đã lọt vào top 10 câu slogan đắt nhất của thế kỷ XX. Cũng nhờ slogan “A diamond is forever!” mà tiếng tăm và doanh thu của De Beers Consolidated đã tăng mạnh.

Khẩu hiệu gây tranh cãi

Don't Be Evil – Đừng làm ác

Nhiều người cho rằng Google đã vi phạm nguyên tắc “Don't Be Evil” của mình. Những vấn đề về quyền riêng tư, quảng cáo, PR… của Google dẫn đến câu hỏi: Có chắc Google vẫn đang “không làm ác” hay không?

Về quyền riêng tư: Đối với Mỹ và các thị trường lớn, nguyên nhân gây lo ngại nhất trong các hoạt động của Google chính là quyền riêng tư. Điển hình là việc Street View của Google thu thập dữ liệu từ mạng Wifi cá nhân hay Gmail luôn hiển thị quảng cáo dựa theo nội dung email.

SEO, SERP và quảng cáo: Trên “mặt trận” SEO (tối ưu hóa tìm kiếm) của Google, có sự thay đổi thường xuyên và không công bằng. Về quảng cáo, Google cũng khiến người sử dụng và đối tác nổi giận. Các nhà quảng cáo là rất cần cho hoạt động của Google vì họ chịu trách nhiệm về phần lớn lợi nhuận của Công ty. Tuy nhiên, thay đổi bộ mặt của SERP (trang kết quả tìm kiếm) để đưa vào nhiều kết quả tìm kiếm được trả nhiều tiền hơn trên Google Shopping là hành vi bất công. Điều đó làm cho những người có ngân sách hạn hẹp khó lòng cạnh tranh được với các “đại gia”.

Năm 2015, Alphabet – công ty mẹ của Google được thành lập, thay đổi câu khẩu hiệu “Đừng làm ác” quen thuộc thành “Do the right thing – Hãy làm điều đúng”.

This is 7  – Đây là 7

Apple có một câu khẩu hiệu quảng cáo cho iPhone 7/7 Plus tại thị trường Hồng Kông khá đơn giản: This is 7 (Tiếng Việt: Đây là bảy).

Tuy nhiên, khi dịch sang tiếng Quảng Đông (ngôn ngữ được dùng ở Hồng Kông) thì ý nghĩa của câu khẩu hiệu này đã bị lệch lạc đi rất nhiều, thậm chí là thô tục. Bởi trong tiếng Quảng Đông, số “7” (được phát âm là “tsat”) lại là tiếng lóng về “bộ phận nhạy cảm của đàn ông”.

Mặc dù ý nghĩa của từ này không thực sự tiêu cực, nhưng cũng đủ làm cho ý nghĩa câu khẩu hiệu giới thiệu sản phẩm của Apple tại Hồng Kông đã bị sai lệch hoàn toàn.


  • 11/05/2017 03:05
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4829