Chuyên nghiệp từ việc nhỏ…

Trong xã hội hiện đại, nếu không có tác phong làm việc chuyên nghiệp thì mỗi người khó có thể hoàn thành tốt công việc, từ những việc nhỏ nhất.

Theo tôi, đã gọi là chuyên nghiệp thì trước tiên “nghiệp phải chuyên”. Nghề nghiệp mà không chuyên thì hiệu quả công việc sẽ rất thấp. Là nhân viên giao tiếp khách hàng của một điện lực cấp huyện, công việc của tôi hàng ngày là tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, tiếp nhận thủ tục dịch vụ 1 cửa và chuyển giao cho bộ phận thi công, hướng dẫn khách hàng các thủ tục tiếp cận điện năng, trả lời thắc mắc, khiếu nại… Từ thực tiễn, tôi nhận thấy, nếu mình không hiểu rõ các chế độ chính sách trong lĩnh vực Điện, không vận dụng quy trình, quy phạm một cách thành thạo thì khó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Khách hàng đến giao dịch thường có nhu cầu khác nhau. Người tiếp xúc đầu tiên với khách hàng chính là bộ phận giao tiếp khách hàng. Thật khó có thể làm hài lòng khách hàng nếu không có tác phong chuyên nghiệp và sự tự tin. 

Tôi tìm hiểu tác phong làm việc của người Nhật. Ở một đất nước nghèo tài nguyên, lại luôn bị thiên tai đe dọa như, động đất, núi lửa, sóng thần… nhưng người Nhật đã vươn lên mạnh mẽ sau sự tàn phá của chiến tranh thế giới lần thứ 2 và trở thành một cường quốc về kinh tế trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chính là người Nhật luôn có tác phong làm việc chuyên nghiệp: Làm ra làm, chơi ra chơi. 

Phong cách chuyên nghiệp được thể hiện ngay từ việc nhỏ. Mục đích của chuyên nghiệp là tạo sự hoàn chỉnh và sự hoàn chỉnh chỉ có được khi tất cả các chi tiết dù là nhỏ nhất phải thực hiện đồng bộ, nhất quán. Đơn cử, phòng làm việc, bàn làm việc của mỗi người phải luôn ngăn nắp, gọn, sạch và đẹp. Phòng làm việc ngăn nắp, sạch sẽ không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn tiết kiệm thời gian tra cứu tài liệu hoặc tìm kiếm các vật dụng khác. Việc để tài liệu, dụng cụ ngăn nắp sẽ bảo quản đồ dùng thiết bị, thời gian sử dụng dài hơn, tiết kiệm chi phí mua mới. 

Chúng tôi luôn sắp xếp giấy tờ, công văn, tài liệu theo nội dung công việc mà khách hàng yêu cầu: Các mẫu giấy đề nghị cung cấp điện, treo tháo công tơ, yêu cầu di chuyển điện kế… với mục đích là rút ngắn thời gian giao tiếp khách hàng. Bên cạnh đó, nếu tổ chức công việc khéo léo có thể tiết kiệm được thời gian, công sức. Những việc trước kia phải làm 2 ngày, nếu khéo tổ chức, sắp xếp, làm việc với năng suất cao, có thể giảm thời gian xuống còn 1,5 ngày, thậm chí là 1 ngày. Ngoài ra, tác phong chuyên nghiệp trong giao tiếp như cái bắt tay, nét mặt, nụ cười, lời cảm ơn, xin lỗi… phải được rèn luyện thường xuyên, sao cho gây được thiện cảm với khách hàng. 

Đối với mỗi ngành nghề sẽ có những yêu cầu khác nhau về sự chuyên nghiệp. Chẳng hạn, sự chuyên nghiệp của người bán hàng sẽ khác nhân viên kế toán, đội lễ tân sẽ khác đội ngũ bảo vệ... Do vậy, để đạt đến sự chuyên nghiệp của cả một tập thể, một tập đoàn, thì mỗi một vị trí công việc cần phải thực sự chuyên nghiệp.


  • 14/03/2017 11:07
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 1727