Chiếc xe đạp của mẹ

Tuổi thơ của tôi gắn liền với những tháng ngày theo mẹ rong ruổi trên chiếc xe đạp “Thống Nhất” ba tôi mua cho mẹ để đi làm. Chiếc xe mà giờ đây mẹ tôi vẫn đùa đó là “của hồi môn” mẹ để dành cho con gái út.

Ảnh minh họa

Hồi đó, học lớp 5 tôi đã theo mẹ đi thu tiền điện. Những ngày nghỉ học, với tôi đó là ngày vui sướng, hào hứng nhất. Tôi dậy sớm hơn cả ngày thường, lúc đó mẹ lại vỗ về “ngủ tý nữa đi con”, bởi muốn đi thu tiền điện phải đợi sau 8 giờ sáng.

Đến nhà khách hàng sớm quá vừa phiền, vừa ngại, nhiều khi trùng vào ngày đầu tháng Âm lịch người nào “kiêng” họ lại mắng cho là “không biết điều”. Trước khi đi, ba tôi bao giờ cũng cẩn thận, kiểm tra phanh và bơm hai lốp xe cho thật căng còn mẹ thì lo chuẩn bị đổi thật nhiều tiền lẻ để trả tiền thừa. Hồi đó, tôi vẫn luôn thắc mắc, tại sao người ta chưa thanh toán tiền mà mẹ tôi đã cầm tiền phụ trên tay như kiểu mẹ biết trước họ sẽ trả tờ tiền bao nhiêu vậy!

Đi thu tiền điện với mẹ vất vả chứ không phải “sướng” như hai anh trai tôi vẫn thường ganh tỵ. Chỉ là, bù lại sự vất vả đó, điều khiến tôi hào hứng xin đi theo là tôi luôn có quà mang về nhà để khoe và ra oai với hai ông ấy! Lúc thì cái kẹo cau, khi thì cái bánh khảo, thi thoảng lại trái ổi, trái đào… Trẻ con chúng tôi thì chỉ cần có thế!

Địa bàn làm việc của mẹ khá rộng, nhiều vùng xa trung tâm, nên có những lúc mẹ tôi phải đạp xe đi qua những cánh đồng mênh mông, hoang vắng. Khi trời mưa, giá rét, con đường bùn đất lầy lội, trơn lên trượt xuống thật sự là nỗi khổ cực với mẹ con tôi. Nhiều hôm, hai mẹ con ngã nhào xuống ruộng, bẩn hết áo quần tóc tai, lúc đó tôi lại bị mắng vì cái tội xin đi cùng, đau điếng người nhưng không dám mếu. Đáng nhớ nhất vẫn là đi thu tiền mà gặp phải những khách hàng khó tính, hay thắc mắc.

Lắm lúc, đứng chờ cả buổi để họ kiểm tra chỉ số công tơ, đối chiếu hóa đơn, hỏi về giá điện, các định mức… xong rồi họ lại bảo “chưa đủ tiền, lần sau quay lại”. Nhiều nhà thì đi vắng suốt, ở nhà chỉ toàn trẻ em và người già, ngày không gặp, đêm không gặp, vòng đi, vòng lại cả chục lần vẫn khóa cửa…

Công việc của mẹ tôi thật sự rất vất vả, ngoài đối mặt với những tai nạn nghề nghiệp khi đi thu tiền điện, đêm về lại phải sổ sách, cộng trừ, đếm đi đếm lại xem bị thiếu, bị mất tiền hay không? Có hôm thu nhầm phải tiền giả, mẹ lại buồn không ngủ được. Ngày nắng thì mồ hôi nhễ nhại, lắm lúc không có nước phải uống vội gáo nước lạnh múc từ giếng, ngày mưa thì trầy lên trượt xuống, áo mưa trùm hết lớp này đến lớp kia, trú hết gốc cây này qua gốc cây khác, không lo ướt người chỉ lo ướt hóa đơn… Vậy mà mẹ tôi vẫn gắn bó bao năm, yêu quý trân trọng vô cùng cái nghề thu tiền điện.

Thế rồi mẹ tôi ốm nặng, bệnh viện nói mẹ bị bệnh tim. Mẹ hay bị ngất, mật độ ngày càng dày lên, ba tôi quyết định xin cho mẹ nghỉ việc. Mẹ buồn lắm. Mẹ nói với ba: Nhà bác Ngọc cả ba đứa con đều được vào ngành Điện, nhà mình hai đứa con trai không theo ngành mẹ, con gái thì đang học cấp ba, đành chịu chứ biết làm sao? Nghe vậy, tôi càng thương mẹ và quyết định theo học ngành kỹ thuật điện, mặc dù trước đó tôi có ý định theo nghiệp điện ảnh của ba.

Người ta nói, nghề là duyên, cái nghề lúc nhỏ tôi đã từng thích rồi từng hứa với lòng mình “không bao giờ ”, nay lại khiến tôi quyết tâm theo cho bằng được. Và rồi tôi chính thức trở thành công nhân ngành Điện. Mười sáu năm công tác, trải qua nhiều môi trường, công việc khác nhau, dù bất cứ hoàn cảnh nào tôi cũng luôn cố gắng, nỗ lực hết sức mình với nghề tôi chọn lựa, một phần vì “yêu”, một phần vì muốn tiếp bước mẹ…

Đi làm rồi, gắn bó với đồng nghiệp, với ngành nghề, mỗi công việc có một đặc thù riêng nhưng tất cả đều có một cái chung là niềm vui cống hiến. Chưa một lần tôi thấy hối tiếc với chọn lựa và quyết định của mình… Buổi tối, tôi chở con gái sau xe, không phải xe đạp như thời của mẹ nhưng có lẽ con gái tôi cũng cảm nhận được những gì tôi kể về bà ngoại, những câu chuyện về ký ức tuổi thơ và cơ duyên mang tôi đến với nghề mang lại nguồn ánh sáng diệu kỳ.

Cũng đã lâu rồi tôi không về thăm mẹ, tôi ước được về ôm mẹ ngủ, kể cho mẹ nghe về các hình thức thu tiền điện hiện nay hiện đại và khác xưa như thế nào, để mẹ biết về văn hóa doanh nghiệp, các dịch vụ xuất sắc… mà ngành Điện đang triển khai và gặt hái thành công ra sao! Vẫn biết mẹ không còn minh mẫn để nhớ hết những gì tôi chia sẻ, nhưng chắc chắn một điều mẹ sẽ rất sung sướng và hãnh diện về ngành Điện và tôi.                                         

 

 


  • 24/12/2019 01:15
  • Phương Thảo
  • 1666